Gập ghềnh đường... lên phim của chuyện tình thế kỷ T.T.Kh

Nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Thu đã hoàn thành kịch bản phim có tựa là “Chuyện tình Hai sắc hoa ti gôn”. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân bỏ hàng tháng trời giúp chỉnh sửa kịch bản công phu, sau đó giới thiệu cho một hãng phim. Nhưng việc chuyển từ kịch bản thành phim hiện giậm chân tại chỗ.

Câu chuyện bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” của tác giả bí ẩn T.T.Kh vẫn không ngừng gây hứng thú cho độc giả, dù nó đã đi qua gần cả thế kỷ. Nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Thu trò chuyện về đề tài thú vị này.

- Chào ông, sau khi cuốn sách “Giải mã nghi án văn học T.T.Kh” của ông ra đời, có thêm thông tin gì mới không?

T
Nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Thu
- Trước hết tôi xin nói về mối quan tâm của độc giả với câu chuyện này. Dù sách xuất bản đã lâu, nhưng nó đã được đưa lên mạng, nên tôi liên tục nhận được những phản hồi của độc giả. Rất nhiều người hứng thú với sự giải mã của tôi. Độc giả gọi điện về rất nhiều. Có những người về sau trở thành bạn thân của tôi. Tôi hầu như có cả một “câu lạc bộ T.T.Kh”.

Ngược lại, cũng có không ít người phản đối kết quả giải mã đó. Có một nữ tác giả là Việt kiều Mỹ nửa đêm gọi về từ Mỹ, chất vấn tôi hàng loạt vấn đề liên quan. Tôi đã vui vẻ trả lời hết những thắc mắc cho cô ta. Sau đó cô ta đã viết thành một cuốn sách để bác bỏ cuốn sách của tôi. Như vậy là xuất hiện cả một cuốn sách “Phản giải mã T.T.Kh”. Đây là điều hết sức thú vị, cho thấy sức sống mãnh liệt của câu chuyện thơ này.

- Năm qua ông đã viết một kịch bản phim về chuyện tình T.T.Kh dựa trên những nội dung chính của cuốn sách đó. Có vẻ như ông không ngừng làm cho câu chuyện này ngày càng trở nên thú vị hơn với những góc độ khác nhau?

- Phải, vào khoảng đầu năm 2010, tôi đã hoàn thành một kịch bản phim dài 110 phút, có tựa là “Chuyện tình Hai sắc hoa ti gôn”. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân rất hứng thú với kịch bản này, anh đã bỏ ra hàng tháng trời giúp tôi chỉnh sửa kịch bản rất công phu, sau đó anh giới thiệu cho một hãng phim. Một đạo diễn trẻ khác cũng đã đọc kịch bản và rất thích, mong muốn được làm nó. Nhưng việc chuyển từ kịch bản thành phim hiện giậm chân tại chỗ.

- Vì sao vậy, thưa ông? 

- Con đường đi từ kịch bản đến phim đôi lúc kéo dài rất lâu. Anh thấy đó, như “Cánh đồng bất tận” đã được mua bản quyền chuyển thể thành phim từ năm 2006, bây giờ mới thành phim. Kịch bản của tôi mới viết xong cách nay chưa đầy một năm. Tôi chỉ mới chào mời cho hai hãng phim. Một trong hai hãng phim đã phản hồi lại. Họ cho biết họ hứng thú về nội dung nhưng e ngại về vấn đề doanh thu.

- Ông có thể nói rõ hơn?

- Theo đánh giá của họ, phim về T.T.Kh chỉ phù hợp cho khán giả ở độ tuổi trên 40, nhưng độ tuổi này lại không phải là lực lượng chính đến rạp để xem phim. Vì thế họ lo ngại số người đến rạp xem phim sẽ ít, làm giảm doanh thu.  Một vướng mắc khác, là do bối cảnh của phim. Phim có bối cảnh miền Bắc, cụ thể là Thanh Hóa và Hà Nội. Mà như anh biết, thị trường chính của phim chiếu rạp là Sài Gòn. Việc đoàn làm phim kéo từ Sài Gòn ra Thanh Hóa, Hà Nội ăn ở trong thời gian dài để làm phim sẽ rất tốn kém.

Mặt khác, trong kịch bản phim của tôi, nhân vật lại không thể nói giọng Sài Gòn mà phải nói giọng Thanh Hóa và Hà Nội. Các nhà chuyên môn cũng đã bàn bạc xem có thể đổi bối cảnh và nhân vật vào miền Nam được không nhưng cuối cùng kết luận là không thể. Vì câu chuyện này nhất định phải xảy ra ở Thanh Hóa và Hà Nội. Vì những điều như thế nên các nhà đầu tư hiện ngại sản xuất nó. Tôi đang mong muốn tìm kiếm một nhà đầu tư khác thay thế.

- Như vậy câu chuyện này khó có thể dựng thành phim?

- Theo nghiên cứu của tôi, mối quan tâm về câu chuyện này không chỉ là khán giả ở độ tuổi trên 40 đâu. Và cũng không phải chỉ là những khán giả có hiểu biết nhiều về văn chương đâu. Tôi nhận thấy nhiều bạn trẻ độ tuổi 7X, 8X, thậm chí 9X, không mấy yêu thích văn chương nhưng cũng rất quan tâm đến câu chuyện này. Vì trước hết câu chuyện T.T.Kh là một câu chuyện tình, với đầy đủ tính chất éo le của nó. Bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” và những bài thơ khác chỉ là những tình tiết trong rất nhiều tình tiết của câu chuyện tình éo le đó thôi.

Đó là khi nhân vật quá tuyệt vọng, nàng đã biến những cảm xúc của mình thành những bài thơ. Chứ còn những đau khổ hạnh phúc cay đắng ngọt ngào trong đó là câu chuyện đời người, không hoàn toàn là câu chuyện văn học. T.T.Kh đã yêu và hạnh phúc như bao nhiêu cô gái khác. Rồi bi kịch xảy đến khi mẹ nàng ép gả nàng. Nàng đã đấu tranh với gia đình để đến với người yêu, nhưng tình yêu vốn mong manh, không thể đương đầu với những toan tính khác của con người, nên cuối cùng nàng đành phải đầu hàng, chấp nhận số phận, gạt nước mắt lên xe hoa về nhà chồng.

Để rồi sau đó “Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời/ Ái ân lạt lẽo của chồng tôi/ Mà từng thu chết từng thu chết/ Vẫn giấu trong tim bóng một người”. Đấy, cái gốc của kịch bản là câu chuyện tình lãng mạn như thế đấy chứ không phải là câu chuyện văn học. Tôi cho rằng, nếu được dựng thành phim, lượng khán giả đến rạp cũng không phải ít đâu.  

- Ông có kế hoạch như thế nào để kịch bản này được chuyển thành phim phục vụ khán giả?

- Sẽ rất tiếc nếu câu chuyện tình thú vị bậc nhất trong đời sống xã hội và đời sống văn học của Việt Nam chúng ta không được dựng thành phim. Nhưng vì nó liên quan đến vấn đề tài chính nên bản thân tôi không giải quyết được gì cả. Làm một bộ phim như thế này kinh phí của nhà đầu tư bỏ ra đến hàng chục tỷ đồng, nên họ rất cân nhắc. Có lẽ phải nhờ vào sự tài trợ của các nhà doanh nghiệp, các mạnh thường quân yêu văn học thì may ra nó mới được dựng thành phim. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cho biết, có một người nói rằng ông ta sẵn sàng ủng hộ dự án làm phim này một khoản tiền lớn. Hiện nay anh Phạm Thùy Nhân đang liên lạc với người đó. Đó là một thuận lợi bước đầu.  

- Ông có một kế hoạch quảng bá thú vị cho dự án làm phim này?

- Đúng vậy, do tôi rất yêu thích câu chuyện này nên sau khi hoàn thành kịch bản phim, tôi viết luôn một kế hoạch quảng bá cho việc làm phim. Chẳng hạn vấn đề casting diễn viên đóng vai T.T.Kh. Tôi đề nghị tìm kiếm một gương mặt hoàn toàn mới, chưa được biết đến, chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng. Khi nhận vai, cô ta phải cam kết không được tiết lộ mình đang đóng vai T.T.Kh cho đến khi phim công chiếu. Những kỹ thuật PR như thế sẽ gây hứng thú đặc biệt cho khán giả, kéo họ đến rạp. Tôi tin rằng chúng ta sẽ tạo ra được một sinh hoạt nghệ thuật thú vị cho đời sống xã hội.

- Câu hỏi cuối cùng, ông hy vọng gì cho riêng mình khi bắt tay vào dự án làm phim về T.T.Kh?

- Thật sự tôi chỉ muốn đem đến cho công chúng một sinh hoạt thú vị, muốn nhiều người yêu mến những bài thơ của T.T.Kh được thưởng thức lại nó qua một lăng kính nghệ thuật khác. Nhưng rất tiếc nó lại khó thực hiện. Cũng có người gợi ý chuyển kịch bản phim nhựa này thành kịch bản phim truyền hình dài tập, và tôi đang cân nhắc. Nhưng thật ra tôi vẫn thích độ dài 110 phút hơn là một bộ phim dài mấy chục tập về T.T.Kh.

- Xin cảm ơn ông, chúc ông thuận lợi hơn trong việc tạo ra một món ăn tinh thần mới cho bạn đọc.

Tháng 7 năm 1937, tòa soạn tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội nhận được bài thơ có tên “Hai sắc hoa ti gôn” gửi đến. Thư không có địa chỉ, tên tuổi người gửi, tác giả lấy bút danh là T.T.Kh. Bài thơ lập tức gây nên tiếng vang trên thi đàn vì nó quá hay. Một tháng sau tòa soạn tiếp tục nhận được bài “Bài thơ thứ nhất” và một năm sau nhận tiếp bài “Bài thơ cuối cùng”. Tất cả đều ký tên T.T.Kh. Từ đó bút danh này vĩnh viễn không xuất hiện trên thi đàn nữa. Có rất nhiều người đã tìm kiếm T.T.Kh nhưng không thuyết phục lắm. Năm 1994, tác giả Thế Phong cho in cuốn “T.T.Kh nàng là ai?”, năm 2005, Trần Đình Thu cho in cuốn “Giải mã nghi án văn học T.T.Kh”. Trần Đình Thu chứng minh T.T.Kh tên thật là Trần Thị Vân Chung, sinh trưởng ở Thanh Hóa.

Hiện tượng T.T.Kh là một hiện tượng đặc biệt trong văn đàn Việt  Nam . Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Thu, thì đây là một câu chuyện tình ngang trái éo le vào thời kỳ 1930.

Đăng Bình 

Đọc thêm