Gần 1 năm trời đợi chờ phán quyết cuối cùng của phiên tòa xét xử theo trình tự giám đốc thẩm, không chỉ 3 chàng trai mà cả gia đình, người thân của họ cũng tỏ ra mệt mỏi và thất vọng. Gần 10 năm trời họ bị ngồi tù oan và… mòn mỏi chờ minh oan với những hiện thực đau lòng.
"Có người bảo tôi đừng ước nữa"
Khác hẳn với vẻ mặt tươi rói, hớn hở của ngày mới được ra tù, Nguyễn Đình Tình gày hơn và sự mệt mỏi đã hiện rõ trên khuôn mặt khi anh phải chống chịu với căn bệnh thế kỷ. Tình ngồi im lặng hồi lâu không nói gì, tôi biết chiều nay anh vừa phải lặn lội một quãng đường xa tìm thầy bốc thuốc. Nỗi oan khuất gần 10 năm phải ngồi tù, nỗi đau khi đang mang căn bệnh HIV/AIDS cứ chất chồng khiến Tình có những lúc tưởng chừng không vượt qua nổi.
"Có người bảo tôi đừng ước nữa"
Khác hẳn với vẻ mặt tươi rói, hớn hở của ngày mới được ra tù, Nguyễn Đình Tình gày hơn và sự mệt mỏi đã hiện rõ trên khuôn mặt khi anh phải chống chịu với căn bệnh thế kỷ. Tình ngồi im lặng hồi lâu không nói gì, tôi biết chiều nay anh vừa phải lặn lội một quãng đường xa tìm thầy bốc thuốc. Nỗi oan khuất gần 10 năm phải ngồi tù, nỗi đau khi đang mang căn bệnh HIV/AIDS cứ chất chồng khiến Tình có những lúc tưởng chừng không vượt qua nổi.
|
Cùng với học nghề, sau khi ra tù, Lợi vẫn không ngừng gửi đơn đến các cơ quan chức năng để được minh oan |
"Chờ phiên xử giám đốc thẩm ư? Chờ chứ! Công lý phải được thực hiện chứ, nhưng chúng em chờ lâu quá rồi. Chỉ thương cho 2 thằng cháu (Tình là chú của Kiên và Lợi), mãi không có giấy tờ tùy thân mà làm ăn xây dựng cuộc sống. Còn em, không may mắc bệnh này rồi thì còn làm được gì nữa... Sau những hiểu nhầm, quay mặt đi và ghét cay ghét đắng chúng em, rồi thì người dân Nghĩa Lộ, Quyết Thắng đã tin chúng em bị oan, họ động viên chia sẻ giúp đỡ nhiều trong cuộc sống. Ai cũng nói nhiều đến "phiên giám đốc thẩm". Phiên xử này không chỉ gột nỗi oan sai cho bản thân chúng em mà phụ huynh, người thân của chúng em cũng đỡ khổ. Hơn chục năm nay họ sống trong sự đàm tiếu, ra đường không dám nhìn ai, khổ lắm rồi...", Tình nói ra những day dứt trong lòng bấy lâu nay.
Tình kể rằng, nếu như ngày mới ra tù anh hạnh phúc, vui sướng đến tột cùng với bao nhiêu kế hoạch làm lại cuộc đời vạch ra trong đầu thì nó đã nhanh chóng tan vỡ sau lần thử máu kiểm tra bệnh. Gần 1 năm qua, chuỗi ngày trở về với cuộc đời tự do là những ngày tháng khắc khoải chờ đợi phán quyết cuối cùng trong sự hành hạ của bệnh tật. "Chấp nhận số phận của mình thôi anh ạ! Chẳng có cái gì có thể đổi lại được cuộc sống cho em cả. Nhiều đêm nằm nghĩ miên man, suy nghĩ đến những điều xấu nhất mà lạnh cả sống lưng. Nhưng rồi em thấy chả việc gì phải nghĩ quẩn như thế cả. Cuộc sống vẫn tiếp tục, em vẫn chống chịu với bệnh tật để sống vui. Sống cho mình và cho gia đình", Tình nói.
|
Bà Nguyễn Thị Hưng, mẹ của Nguyễn Đình Lợi: "Người ta nói rằng dễ mà không có phiên xử giám đốc thẩm lắm". |
Với lòng can đảm và nghị lực phi thường, Tình giữ cho mình vẻ bình thản đến ngạc nhiên. Tuy nhiên do chịu tác dụng của thuốc, Tình gày và đen đi nhiều. Để chống chọi với căn bệnh thế kỷ, Tình uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm: "Mỗi ngày vài chục viên thuốc Tây, thêm vào đó còn thuốc Nam, thuốc Bắc. Hễ chỗ nào có bài thuốc hay lại tìm đến, nhưng uống thuốc vào mệt lắm. Có những ngày chỉ nằm bệt trên giường không thể đi lại được".
Cái dự định học thêm tiếng Anh và mong muốn có tấm bằng đại học khó khăn hơn Tình nghĩ. "Em đi đăng ký thi vào Trường ĐH Đại Nam nhưng không được vì còn chưa có giấy tờ tùy thân. Tự do mà như không có tự do vậy. Lúc mới bị bắt chỉ mong mình bị HIV để chứng minh mình trong sạch. Bây giờ thì... Có người bảo em, từ giờ đừng nên ước nữa...", Tình buồn thiu.
Muốn quay lại nghề cũ
Bên mâm cơm chiều dang dở, nhắc đến chuyện của chú cháu Lợi, bà Nguyễn Thị Hưng, mẹ của Nguyễn Đình Lợi buồn không ăn nữa. Bà buột miệng hỏi: "Không biết các cháu có được xử lại không? Dân tình người ta cứ bảo được thả ra là tốt rồi chứ đừng mong có phiên xử cuối cùng. Hoãn xử đến lần thứ 3 rồi. Tuy nhiên tôi vẫn mong mỏi đến ngày đó, các cháu đã quá khổ rồi, nỗi nhọc phải mang quá lâu, chỉ chờ ngày được gột rửa chứ".
Bà Hưng kể lại cuộc sống đầy tủi nhục của gia đình sau ngày Lợi bị bắt, những kỳ thị, ánh mắt coi thường của người dân hướng vào những người làm cha làm mẹ như bà. "Trong thôn xóm, hễ có cưới xin hay lễ hội gì, tôi có dám đến dự đâu, lúc nào cũng tránh sự dòm ngó. Nếu có đám cưới người trong họ cũng phải tránh mặt nhiều người, đến bằng cửa sau. Gặp ai cũng không được tự nhiên. Khổ lắm chú ạ. Bây giờ các cháu được minh oan, trở về với gia đình chúng tôi mừng lắm...". Ngồi trầm ngâm hồi lâu rồi bà nói tiếp: " Khổ nhất là Tình, không may mắn dính căn bệnh quái ác. Rồi Lợi và Kiên bây giờ muốn yên ổn để làm nghề cũng bị gây khó dễ. Đường về của các cháu sao mà trúc trắc nhiều chông gai đến vậy".
Bà Hưng cho biết, trước ngày bị bắt, Lợi đã sang Trung tâm Phương Nam ở Ô Cách, Gia Lâm để học nghề sửa xe máy. Lợi đã học được 6 tháng, chuẩn bị về mở hiệu thì tai họa ập xuống. Công việc mơ ước bị gián đoạn 10 năm, Lợi trở về với nghề cũ. Thương cảm cho số phận đen đủi của cậu học trò ngày nào, ông Nguyễn Quý Long, trước là thầy giáo của Lợi đã tìm đến Nghĩa Lộ để trực tiếp chỉ dạy cho cậu học trò ngày nào.
Nói về Lợi, ông Long bảo: "Đây là một học trò ngoan và có năng khiếu. Lúc hay tin cháu bị bắt vì tội hiếp dâm cướp của, tôi không tin vào tai mình. Tôi vẫn tin có sự oan khuất ở vụ án này. Phải gần 10 năm sau thầy trò mới được gặp lại nhau, thấy hoàn cảnh của cháu tội quá. Lợi phải chịu thiệt thòi ngồi tù gần 10 năm, các bạn cùng khóa học ngày nào bây giờ đã thành đạt cả. Nghĩ vậy nên tôi đã đến đây để giúp Lợi cứng tay nghề, thực hiện nốt mơ ước còn dang dở của cháu". Đồng cảm với mong muốn của 3 chàng trai và người thân của họ, ông Long cũng mong muốn sớm có quyết định cuối cùng để "Lợi, Kiên, Tình còn tìm công ăn việc làm. Chứ sống kiểu này, tự do mà không tự do, không tù tội nữa là công dân rồi mà cũng không có quyền công dân. Khổ lắm!".
Trong những tháng ngày ròng rã đợi chờ phiên giám đốc thẩm, Lợi đã rủ Kiên cùng học sửa xe máy để chuẩn bị cho mình một tương lai tốt đẹp. Lợi kể chuyện nghề: "Hồi em còn học ở Trung tâm Phương Nam, thời đó chỉ học sửa toàn xe Simson, Cup 50, 81. Ngồi tù 10 năm trở về, thấy bao nhiêu loại xe lạ trên đời. Tất nhiên cùng một nguyên lý vận hành cả thôi nhưng mọi thứ đổi khác, nhiều đến mức em chóng hết cả mặt. May nhờ có thầy Long thương cho hoàn cảnh của em nên mới đến giúp đỡ".
Tuy mới chập chững bước vào nghề sửa xe máy nhưng Nguyễn Đình Kiên cũng đã bước đầu tìm lại được niềm vui nơi cuộc sống bên ngoài song sắt. So với Lợi và Tình, trông Kiên khỏe khoắn và hoạt bát hơn. Cho đến bây giờ, Kiên vẫn bị ám ảnh vào cái ngày bị bắt.
|
Kiên chập chững vào nghề với sự chỉ dạy của thầy Long |
"Em chẳng hiểu chuyện gì xảy ra cả. Bỗng dưng ngồi tù gần 10 năm, đến giờ, em vẫn chưa thông báo hết cho bạn bè trong tiểu đoàn 3, lữ đoàn 144 về việc mình bị oan, nhưng có lẽ qua báo chí các bạn cũng đã biết sự thật. Về làng với 10 năm tù tội, chú Tình lại bị bệnh, chúng em thì chưa được tự do thật sự. Anh xem có cô gái nào ba đầu sáu tay mà dám đến với chúng em. Nếu tòa án cứ dây dưa thế này, chẳng mấy mà mọi thứ sẽ khép lại với chúng em...", Kiên bộc bạch. Những lời lẽ ấy cứ ám ảnh tôi cả quãng đường về. Vụ án gần 10 năm trước đã lấy đi nước mắt của biết bao con người trong cùng một dòng họ. Giờ phút này, họ rất mong chờ công lý được thực hiện, trả lại cho họ một phần những gì đã mất khi phải đem thân vào chốn lao tù.
Theo Thúy Quang
GĐ&XH
GĐ&XH