Gặp lại một Hà thành xa cũ nhân ngày giải phóng Thủ đô

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hà Nội vừa thông báo sẽ có nhiều hoạt động tái hiện không gian xưa, kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10. Đó là tổ chức Liên hoan Nghi lễ Chầu văn lần thứ nhất và Triển lãm Tàu điện Hà Nội - Quá khứ và tương lai, cuộc thi nhảy tập thể Tôi yêu Hà Nội, tổ chức chương trình cộng đồng Hà Nội đẹp và chưa đẹp…

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hà Nội vừa thông báo sẽ có nhiều hoạt động tái hiện không gian xưa, kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10. Đó là tổ chức Liên hoan Nghi lễ Chầu văn lần thứ nhất và Triển lãm Tàu điện Hà Nội - Quá khứ và tương lai, cuộc thi nhảy tập thể Tôi yêu Hà Nội, tổ chức chương trình cộng đồng Hà Nội đẹp và chưa đẹp

Thanh đồng lên sân khấu

Liên hoan Nghi lễ Chầu văn diễn ra trong niềm hân hoan của mọi người, đặc biệt gây tò mò với những ai chưa biết hoặc ít biết về Chầu văn. Liên hoan Nghi lễ Chầu văn sẽ góp sức vào cuộc vận động UNESCO công nhận Nghi lễ Chầu văn của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hình minh họa từ Internet.

GS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam) cho biết: từ phía Nam của Đồng bằng Bắc bộ, Nghi lễ Chầu văn hay còn gọi là hầu đồng hiện phát triển khắp cả nước, nhưng nhìn đi nhìn lại thì Hà Nội chính là nơi hội tụ nhiều tinh hoa nhất. Chính vì vậy, Hà Nội là địa bàn quan trọng trong công tác kiểm kê làm hồ sơ.

Sau các cuộc thi cụm, sẽ có 10 nhóm tiêu biểu tham gia trình diễn tại rạp Công Nhân dự kiến vào ngày 4 và ngày 5/10. Mỗi nhóm sẽ trình diễn trong một khoảng thời gian quy định 3 giá đồng, bao gồm một giá nam, một giá nữ và một giá trung (bé).

Ông Nguyễn Khắc Lợi (Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội) nhấn mạnh, mặc dù tầm quan trọng của môi trường diễn ra Nghi lễ hầu đồng phải là các đền phủ, nhưng vì không có nơi nào chứa được đông người nên buộc Sở phải chọn rạp Công Nhân và sẽ dùng các đạo cụ để biến nơi này thành địa điểm phù hợp để lên đồng. Ngoài ra, một số tiết mục hát văn lời mới cũng sẽ được trình diễn vào đêm cuối cùng.

Về tiêu chí để lựa chọn các nhóm hầu đồng tiêu biểu, GS Ngô Đức Thịnh cho hay sẽ ưu tiên các nhóm thực hiện đúng quy định của Ban Tổ chức (BTC). Các quy định này mang tính hạn chế sự “thăng hoa” tự phát trong khi lên đồng.

Đơn cử, BTC không cấm hút thuốc nhưng sẽ không chấp nhận kiểu một lúc hút vài điếu khi thanh đồng lên các giá Cậu. Việc tung tiền lộc cũng sẽ được hạn chế tối đa và thay bằng hiện vật lưu niệm. Ngoài ra, các chuyên gia tuyển chọn sẽ đánh giá cao các nhóm nào giữ được bản sắc địa phương.

Hiện Nghi lễ hầu đồng đã được các nhà hát chèo chắt lọc đưa lên sân khấu thành nghệ thuật trình diễn. Cho đến nay có khoảng 7-10 giá đồng đã được sân khấu hóa thành công.

Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội sẽ là dịp để khán giả đại trà biết thế nào là lên đồng với các nghi lễ thật trong đời sống. Cùng với đó sẽ là buổi tọa đàm Bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của Nghi lễ Chầu văn trong đời sống đương đại.

Ông Nguyễn Khắc Lợi khẳng định: Các tiết mục trình diễn trong Liên hoan đều được BTC sắp xếp, đánh giá và trao tặng Kỷ niệm chương. Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội không phải là nơi để các tập thể, cá nhân thi thố, tranh giải vàng, giải bạc mà đây là nơi để các tổ chức, cá nhân giao lưu học hỏi lẫn nhau, đem tới cho người xem một Nghi lễ Chầu văn hoàn chỉnh, đúng nghĩa cổ xưa nhất.

Đánh thức leng keng tàu điện

Triển lãm “Tàu điện Hà Nội - Quá khứ và tương lai” sử dụng công nghệ tương tác thực tế ảo sẽ ra mắt công chúng Thủ đô Hà Nội từ ngày 30/9 đến 5/10/2013. Công nghệ mới xây dựng hình ảnh mô phỏng tàu điện trong quá khứ và tàu điện tương lai, cho người tham quan có cảm giác nghe, nhìn, cảm nhận như bước vào một không gian thật thông qua những đoàn tàu điện leng keng - vẫn được coi là một đặc trưng, một biểu tượng và một phần linh hồn của phố phường Hà Nội xưa.

Triển lãm tái tạo lại hình ảnh mạng lưới đường xe điện cũ lấy hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm và 5 tuyến đường. Từ trung tâm hồ Hoàn Kiếm tỏa ra 6 ngả: lên Yên Phụ, lên chợ Bưởi, sang Cầu Giấy, vào Hà Đông, xuống chợ Mơ và Vọng, có nghĩa là tỏa ra 6 cửa ô nối nông thôn với nội thành.

Triển lãm còn có sa bàn, tranh không gian 3 chiều và các video clip giới thiệu về hệ thống đường sắt đô thị (tàu điện ngầm và tàu điện trên cao) để giới thiệu với khách tham quan về một hệ thống giao thông công cộng hiện đại đang được xây dựng tại Hà Nội.

Ban tổ chức mong muốn triển lãm sẽ gây ấn tượng và dễ tiếp cận, là cầu nối bằng hình ảnh dễ nhớ, dễ hiểu đến  người dân, đặc biệt là giới trẻ hiểu và trân trọng lối sống giàu văn hóa và vẻ đẹp lịch sử của TP.Hà Nội trong thế kỷ trước.

Ngoài ra, trong chuỗi chương trình còn có các hoạt động liền kề, sẽ được tổ chức liên tiếp từ nay đến ngày 10/10 như: cuộc thi nhảy tập thể “Tôi yêu Hà Nội”, tổ chức chương trình cộng đồng Hà Nội đẹp và chưa đẹp…

Miên Thảo

Đọc thêm