Gặp nghệ nhân khiến gốc rạ phát ra tiếng...người

Bà không chỉ là người hiểu chuyện đời, giỏi nấu ăn mà còn là nghệ nhân duy nhất của tộc người Chơro ở núi rừng Mã Đà (thuộc xã Lý Lịch, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai)  biết thổi kèn bằng gốc rạ. Từ chiếc lá, cọng cỏ khi vào tay bà đều phát ra những âm thanh “biết nói lời người”…

Bà không chỉ là người hiểu chuyện đời, giỏi nấu ăn mà còn là nghệ nhân duy nhất của tộc người Chơro ở núi rừng Mã Đà (thuộc xã Lý Lịch, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai)  biết thổi kèn bằng gốc rạ. Từ chiếc lá, cọng cỏ khi vào tay bà đều phát ra những âm thanh “biết nói lời người”…

Người Chơro (xã Lý Lịch, huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai) hiện nay còn có một  “báu vật sống”. Đó là nghệ nhân Hồng Thị Lịch (78 tuổi), người duy nhất trong tộc người Chơro nắm giữ bí quyết thổi kèn môi, kèn lá và thổi kèn từ gốc rạ.

Nghệ nhân
Nghệ nhân Hồng Thị Lịch đang biểu diễn kèn môi

Trong ngôi nhà sàn truyền thống nằm giữa rừng già Mã Đà (xã Lý Lịch, huyện Vĩnh Cửu), nghệ nhân Hồng Thị Lịch – “vương hậu” của người anh hùng Năm nổi - đón khách bằng nồi canh lá bép nấu với cá lăng bắt ở suối.

Trò chuyện tỉ tê, rồi chúng tôi cũng dụ được nghệ nhân Hồng Thị Lịch thổi kèn môi, kèn lá cho nghe. Trước khi đưa lên môi chiếc lá rừng có tên “lá củ chụp”, bà ý nhị bảo: “Bây giờ già rồi nên răng rụng, môi không chặt, hơi yếu nên thổi không hay như lúc trẻ, đừng có cười nghen!”. Vừa dứt lời, chiếc lá qua môi bà phát ra âm thanh réo rắt, vui nhộn. Trên căn gác nhà sàn, bà với tay lấy một chai nhựa nhỏ được cất rất kỹ trong một cái góc nhỏ. Trong đó là chiếc kèn môi bé nhỏ. Chiếc kèn môi này được làm từ lá đồng. Đưa lên môi, tiếng kèn phát ra “Tăng …Tắng…Tằng…, o mèo teo téo …tèo…”. Bà bảo: “Đó là bài o mèo. Ngồi tập trung thanh niên nam nữ lại với nhau, ai muốn trêu chọc người nào thì tới trước mặt người đó thổi kèn này. Ai thương yêu nhau thì nghe tiếng kèn này rồi sẽ lập gia đình ”

Tiếng kèn vang lên mỗi lúc một ngân nga, cứ ngỡ như đấy là một bản hợp xướng do nhiều trai gái trong làng hòa nhịp. Kỳ diệu nhất là lúc bà “bắt” một cọng rạ phát ra âm thanh rì rào như tiếng gió lay cành lá, lúc ầm ầm như thác đổ.  

Bà Năm bảo: “Dạy cồng chiêng đã vất vả lắm rồi, huống chi là thổi cái này. Phải thấm trong máu à, phải thổi nó theo trí nhớ đó!”. Tiếng kèn từ gốc rạ của nghệ nhân Hồng Thị Lịch đã thực sự làm người ta mê đắm , ru hồn.

Cái tài thổi kèn bằng gốc rạ ấy của bà đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) và UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy khen - bà Hồng Thị Lịch – Đoàn nghệ nhân diễn viên quần chúng các dân tộc tỉnh Đồng Nai đã có thành tích trong ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tại lễ hội Làng Sen toàn quốc từ ngày 17/5 – 21/5/2005.

Chiếc kèn môi được làm bằng đồng
Chiếc kèn môi được làm bằng đồng

Chẳng những thổi kèn gốc rạ ru hồn người, với tiếng đàn Konkala – thân đàn được làm bằng cây tre hay ống lồ ô, khi đàn kêu tưng… tưng…, bà cũng thực sự làm cho người ta phải nghiêng mình nể phục.

Ngoài thổi kèn, khảy đàn, nghệ nhân Hồng Thị Lịch còn biết vỗ đồng la (còn gọi là cồng, nhạc cụ này khác chiêng ở chỗ không có núm u), gõ chiêng, hát dân ca. “Là mình tự học thôi mà!” – bà nói: “Học của mỗi người một ít. Đàn hát như múa xà gạc, bắn ná, ném lao. Phải siêng học, siêng tập mới nên. Phải tập ngày, tập đêm mới thạo. Nếu mình không yêu thích thì có học mấy cũng chẳng giỏi được”.

Nhạc sĩ Trần Nguyễn Đính cho biết: “Bà Hồng Thị Lịch trước là một nữ giao liên, là nữ giáo viên tiêu biểu của tộc người Chơro ở Chiến khu Mã Đà. Bà là một nghệ nhân giỏi. Tôi đã sưu tầm được 25 bài dân ca Chơro do bà diễn, tưởng đã thất truyền rồi. Từ sự giúp đỡ của bà, chúng tôi đã tổ chức dạy hát cho lớp trẻ Chơ ro, giúp các em biết hát dân ca của chính dân tộc mình. Đặc biệt hơn, bà Lịch là người duy nhất nhớ đầy đủ bài hát Lửa hận tràn do tướng Huỳnh Văn Nghệ (Chỉ huy chiến khu Mã Đà, được nhân dân miền Nam gọi là Thi tướng rừng xanh) sáng tác sau chiến thắng La Ngà (1948)”.

Khi chúng tôi rời Mã Đà khi trời dần tắt nắng. Đứng trên chiếc cầu thang của ngôi nhà dài truyền thống vốn chẳng còn nhiều, nghệ nhân Hồng Thị Lịch tiễn khách bằng lời nhắn gửi: “Nếu thích cứ lên Mã Đà, tôi sẽ truyền nghề cho”. Bà tâm tình, người có tuổi cao như lá vàng trước gió, rụng lúc nào chẳng hay. Tôi chỉ sợ lớp người mình về với đất, liệu những cái hay của cha ông lớp trẻ có giữ được không?

Thành Nguyễn – Phi Phi

Đọc thêm