Gặp người đầu tiên được ghép giác mạc tại Đà Nẵng

Từ một con người tưởng chừng phải đối diện với phần đời phía trước trong cảnh mù lòa, anh lại hồi sinh nhờ một giác mạc (GM) được hiến tặng. Anh cũng là người Đà Nẵng đầu tiên được ghép GM và sau 4 năm, đây được đánh giá là ca ghép thành công ngoài mong đợi.

Từ một con người tưởng chừng phải đối diện với phần đời phía trước trong cảnh mù lòa, anh lại hồi sinh nhờ một giác mạc (GM) được hiến tặng. Anh cũng là người Đà Nẵng đầu tiên được ghép GM và sau 4 năm, đây được đánh giá là ca ghép thành công ngoài mong đợi.

Lại thấy mình như đứa trẻ thơ

Anh Hoàng Ngọc Chơn đã được sáng mắt nhờ ghép giác mạc.

Năm 2005, anh Hoàng Ngọc Chơn (sinh năm 1962, công tác tại Công ty Cấp nước Đà Nẵng) bị đục thủy tinh thể. Sau đó một năm, anh bị bệnh viêm giác mạc rồi gần như không thấy gì nữa. “Tưởng như có ai đó đâm vào mắt mình. Tôi suy sụp đến độ từ một con người ngoài 40 tuổi mà chẳng khác một ông già”, anh Chơn kể. Bỏ ăn, mất ngủ vì đau đớn, lại càng không thể đi lại hay lao động bình thường, có lúc anh Chơn đã phải cầu xin bác sĩ: “Hay là múc mắt tôi đi cho rồi. Đau không chịu nổi”. Thời gian ấy, ngoài chạy chữa tại bệnh viện, anh còn cùng vợ đi vái tứ phương. Có “thầy” ở tận Quảng Nam, hai vợ chồng cũng đèo nhau ra vào mỗi ngày từ tờ mờ sáng. Anh Chơn cho biết: “Chữa đủ nơi không khỏi, tôi tính đi Singapore điều trị, nhưng một ca ghép GM phải mất đến 20.000 USD”.

Rồi một dịp tình cờ vào cuối năm 2006, anh được bác sĩ Bệnh viện Mắt Đà Nẵng giới thiệu có nguồn GM tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Nhận tin mừng, ngay trong ngày, anh đã bay ra Hà Nội. Ba ngày sau khi ghép GM, anh được tháo băng. “Tôi đã lại nhìn thấy mọi thứ, mắt cũng không còn đau nữa. Lúc ấy tôi như đứa con nít, chạy khắp bệnh viện trong niềm vui khôn tả”.

Ai cho giác mạc là người hạnh phúc

Giờ đây, khi ngồi chuyện trò cùng chúng tôi, anh Hoàng Ngọc Chơn đã trở lại với cuộc sống sinh hoạt như chưa từng trải qua những ngày tháng đen tối. Anh giới thiệu vườn cây xanh mát và ngôi nhà xinh xắn, đó là thành quả do chính anh thiết kế từ khi đôi mắt lại tìm được ánh sáng. Qua lần tái khám cách đây 3 tháng, các bác sĩ cho biết, mắt anh đã ổn định ngoài sức tưởng tượng. Bởi nếu là GM của người Việt hoặc người châu Á thì cơ thể anh còn dễ thích nghi. Đằng này, nguồn GM được một tổ chức của Mỹ tặng, thế nên nhiều khả năng, đây là GM của một người châu Âu. Anh Chơn mong ước được biết gốc tích của món quà quý giá ấy để thắp cho ân nhân một nén nhang tạ ơn.

Sau biến cố cuộc đời mình, anh và vợ đã tình nguyện đăng ký hiến GM. Họ hàng bên nội, ngoại cũng lần lượt trở thành tình nguyện viên hiến GM. Một GM không chỉ đem lại nguồn sáng cho một đời người, mà có thể chia sẻ tiếp nối qua nhiều đời khác. Với anh Chơn, đây là hành động bé nhỏ nhất mà mình cần phải làm để trả ơn cuộc đời. Hiến GM, theo anh còn là một niềm-hân-hạnh. “Hiến GM giúp mang lại nguồn sáng cho những người tưởng chừng đã tuyệt vọng là một niềm hạnh phúc lớn. Nếu sau này có ai đó nhận GM của tôi, tôi sẽ vô cùng hân hạnh vì mình được tiếp tục “sống” ngay khi đã qua đời”, anh Chơn nói.

Bài và ảnh: THU HOA

Đọc thêm