Lợi dụng việc những thương hiệu thời trang nổi tiếng đang trở nên phổ biến tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã cố tình buôn bán nhiều mặt hàng quần áo thời trang có dấu hiệu của việc buôn bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng như H&M, Zara, Lacoste.
Trong vai một người mua hàng, dạo quanh chuỗi cửa hàng của 1 hệ thống Hàng Hiệu Xuất Khẩu Gara Store với nhiều cửa hàng tại Hà Nội, phóng viên ghi nhận những cái tên như H&M, Zara, Mango, Lacoste… đều có mặt tại đây và tất cả đều có nhãn mác, mã vạch hàng hóa rõ ràng.
Khi được hỏi về hàng ở đây có phải là hàng hiệu chính hãng không thì nhân viên bán không biết nguồn gốc sản phẩm ở đâu.
Tại một cơ sở bán hàng của Gara Store tại Láng Hạ - Đống Đa – Hà Nội, phóng viên đã mua một số sản phẩm mà đơn vị này giới thiệu là hàng hiệu xuất khẩu.
Một chiếc áo phông mang thương hiệu Lacoste chỉ được bán với giá 350.000 đồng. |
Một chiếc áo phông kiểu Polo mang nhãn hiệu Lacoste chỉ được bán với giá 350.000 đồng, những sản phẩm như áo khoác Zara, Mango, quần Zara cũng chỉ được bán với giá vài trăm ngàn đồng, rất ít sản phẩm có giá trên 1 triệu đồng.
Thế nhưng những sản phẩm này có đầy đủ mã vạch, logo, thậm chí là các các tem mác in chữ nước ngoài rất giống với những sản phẩm chính hàng được bán với giá vài triệu đồng trở lên. Phần lớn những sản phẩm này đều được gắn mác made in VietNam.
Được biết, Gara Store có nhiều của hàng tại Hà Nội, các sản phẩm được bán ra tại đây, đều được quản cáo là hàng hiệu xuất khẩu. Thế nhưng thực tế nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được gọi là hàng hiệu này tới đâu thì chỉ có chủ cơ sở và cơ quan chức năng mới biết được.
Nhiều sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng cũng chỉ được bán với giá vài trăm ngàn đồng tại các cơ sở của Gara Store |
Bởi những sản phẩm tại đây được in tem, mác, nhãn hàng hóa rất giống với những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới khiến người tiêu dùng khó có thể nhận ra được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái, hàng giả.
Thực tế cho thấy, nhiều chủ cơ sở kinh doanh mặt hàng thời trang không chỉ nhập hàng từ Trung Quốc về Việt Nam bán mà các cửa hàng còn nhập ngay từ những nơi may gia công trong nước. Hàng nhái thường được sản xuất dưới hình thức ăn theo các mẫu mã của những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới rồi may tại những cơ sở sản xuất nhỏ với số lượng lớn.
Việc nhái các thương hiệu nước ngoài ở Việt Nam không còn là chuyện mới. Hiện nay, sản phẩm bị nhái thường chia thành hai xu hướng, hoặc nhái cả kiểu dáng và nhãn mác, hoặc chỉ làm giả nhãn mác. Xu hướng thứ hai nhiều hơn, do giá nhãn mác quần áo thường rẻ. Người tiêu dùng vô hình chung rơi vào “mê hồn trận” khó mà phân biệt hàng thật- giả.
Thậm chí, cơ sở này còn công khai đăng tải thông tin các sản phẩm có dấu hiệu kinh doanh hàng giả, hàng nhái lên mạng xã hội để bán hàng |
Hành vi kinh doanh, tiêu thụ giả mạo xuất xứ hàng hóa đã được bảo hộ không chỉ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Mà quan trọng đã làm ảnh hưởng đến uy tín quốc gia đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm hàng hóa trở nên đặc biệt quan trọng và trở thành mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ kinh tế quốc tế.
Sự việc thương hiệu Khaisilk, một thương hiệu nổi tiếng trên thị thường thời trang Việt Nam thời gian vừa qua là một bài học lớn cho các doanh nghiệp.
Trước thông tin trên, người tiêu dùng đang rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ việc chuỗi cửa hàng của Gara Store kinh doanh các mặt hàng thời trang mang thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài có đúng với quy định của pháp luật hay không ? Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Liệu Gara Store có đang vì lợi ích kinh tế mà lừa dối người tiêu dùng, vi phạm luật kinh doanh không?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc./