Câu chuyện buồn của “làng báo” vừa xảy ra cách đây vài ba hôm. Một nữ phóng viên của tờ báo mang tên “thương hiệu”, có nhiệm vụ chống “hàng giả” lại đi “tống tiền” doanh nghiệp và bị bắt khi đang nhận 70.000 USD của Công ty Luxshare - ICT Việt Nam.
Đây là công ty nước ngoài có vốn đầu tư rất lớn ở Bắc Giang, có khoảng 4.000 công nhân, giải quyết công ăn việc làm và mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Do số lượng công nhân nhiều, công ty đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong lúc chờ được cấp phép, Công ty có khuyết điểm khi tự ý “xé rào” khởi công. Phát hiện được vi phạm này, nữ “phóng viên” liên hệ làm việc, nói rõ các vi phạm và yêu cầu công ty phải đưa tiền để bỏ qua, nếu không sẽ đưa lên báo.
Hàng ngày đọc thông tin trên báo, không ai không đau lòng khi chứng kiến các vụ việc lừa đảo để chiếm đoạt tiền bạc, tài sản; Lừa đảo để bán hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại; Lừa đảo để có được bằng cấp, chức quyền… Dường như, nó là biểu hiện băng hoại các giá trị đạo đức nền tảng xây đắp từ ngàn đời của dân tộc. Xã hội bị băng hoại thì nền pháp chế bị sâu mọt, không thể thực thi đúng chức năng. Do đó quốc gia khó có thể phát triển đúng theo quỹ đạo, nên dân tộc khó có thể hùng mạnh. Điều này không hề suy diễn.
Thật may, đâu đó vẫn còn những người biết “chê tiền”, xem nhẹ vật chất. Câu chuyện này cũng không hoang tưởng. Hôm qua báo chí đưa tin: Vào khoảng 19h ngày 19/12, chị Phan Thị Phương Hảo (SN 1990, trú TP Yên Bái) trên đường đưa con đi học đã nhặt được bọc tiền bị đánh rơi tại đường Lê Lai, tổ 72 phường Yên Ninh. Chị là nhân viên cấp dưỡng của Phòng Cảnh sát cơ động. Sau khi báo cáo, giao nộp bọc tiền cho đơn vị thì mới biết có đến 100 triệu đồng.
Đang nuôi con nhỏ, gia cảnh chị Hảo khó khăn, lương cấp dưỡng chắc chắn là không đủ trang trải hàng tháng đâu nhưng không vì thế mà lòng tham làm lu mờ nhân cách. Chắc chắn những ông như Phan Văn Vĩnh – cựu Trung tướng, lương rất rất cao sẽ xấu hổ nếu biết câu chuyện của chị Phan Thị Phương Hảo.
“Trước đồng tiền, khó tìm người lương thiện”, câu phương ngữ cho thấy, đồng tiền là “thử thách” ghê gớm đối với liêm sỉ, nhân cách con người.
Đấu tranh chống sự băng hoại về đạo đức là cuộc chiến vì văn hóa, vì trường tồn của dân tộc. Do vậy, những câu chuyện nhân ái làm ta ấm lòng, những câu chuyện “trấn lột” làm ta đau đớn. Phải làm cho những giá trị tốt đẹp có sức lan tỏa, nhân lên trong cuộc sống.