Gây dựng cơ đồ với món tiền xuất ngũ

(PLO) - Nhiều người biết đến Hoàng Ngọc Gia (SN 1979, Tổng giám đốc công ty TNHH Tôn Bảo Khánh) trong hình ảnh một doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công nhất nhì xứ Huế. Ôn chuyện xưa, anh cho hay ngày đầu khởi nghiệp, số vốn trong tay chỉ vỏn vẹn 1,8 triệu đồng nhận được ngày xuất ngũ.
Anh Hoàng Ngọc Gia nhận danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2015
Anh Hoàng Ngọc Gia nhận danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2015

Tỷ phú chưa học hết phổ thông

Cha mẹ là nông dân nghèo ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cậu bé Gia thiếu may mắn khi không được cắp sách đến giảng đường đại học như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Mẹ buôn thúng bán bưng ngoài chợ. Cha quanh năm quần quật nơi ruộng đồng, khi nông nhàn xoay thêm nghề cơ khí. Nhà đông con, cha mẹ xoay sở mọi cách vẫn chật vật trong việc kiếm cái ăn cái mặc cho đàn con. Một ngày, người cha đành cắn răng thừa nhận với con trai việc không còn khả năng cho con đi học tiếp. Năm đó, cậu bé Gia còn chưa học hết phổ thông. 

Dù khát khao được cắp sách đến lớp, nhưng Gia nhường cơ hội lại cho chị gái. Cậu bé ngày ngày vác cuốc theo cha ra đồng, có khi xách búa cùng cha lọc cọc đạp xe vào thành phố làm thuê, nhập môn nghề cơ khí. 

Không chấp nhận “sống mòn”, Gia theo người bà con xuôi Nam tìm kiếm cho mình cơ hội mới, mong muốn đổi đời. Tuổi 18 tươi đẹp của Gia là những tháng ngày trần mình khắp các công trình. Đêm nằm chen chúc trong những lán trại xập xệ vùng heo hút, bên tai tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái ảo não đêm khuya. Những đêm nằm dài ngửa mặt nhìn chằm chằm lên bầu trời tăm tối, chàng trai luôn tự nghĩ, chẳng lẽ cuộc đời mình cứ mãi như thế này? Đời ông, đời cha đã nghèo, đời mình lẽ nào lại đeo đẳng tiếp một chữ “nghèo”. 

Những tháng ngày rong ruổi làm thuê, chàng trai luôn để tâm chú ý học hỏi ngay từ các ông chủ. Vừa làm thuê, vừa học kinh nghiệm. Sau mấy năm bươn chải nơi đất khách quê người, lưng vốn kiến thức và kinh nghiệm đã kha khá, đã đến lúc về quê thực hiện những dự định hoài bão của riêng mình. Vừa về nhà, giấy gọi tham gia nghĩa vụ quân sự cũng được gửi đến nơi bậc cửa. Một cơ duyên tốt để tiếp tục cháy ngọn lửa khát vọng, rèn giũa, tôi luyện ý chí. Vậy là lên đường.

“Nếu không có những tháng ngày được tôi luyện trong quân ngũ, hẳn không thể có tôi ngày hôm nay”, anh Gia chia sẻ. Hành trang mang theo khi xuất ngũ chính là cách vượt qua gian khổ, vượt lên chính mình trong những đêm rét buốt hành quân hay những ngày nắng cháy thao trường. Những kỹ năng sống mà không một ngôi trường nào có thể đào tạo được. Và những lời căn dặn từ tâm can của người thủ trưởng hôm làm lễ ra quân, đó là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống và vươn lên bằng trách nhiệm, ý chí, sự can trường người lính. 

Lập nghiệp với 1,8 triệu đồng

Số tiền 1,8 triệu đồng nhận được ngày ra quân là số tiền anh dùng để lập thân, bắt đầu một cuộc đời mới. Ngày ấy, một bộ đồ nghề cơ khí có giá 5 triệu đồng. Gia mua cái máy tiện 1,2 triệu đồng, coi như “bay” mất 2/3 vốn liếng. Anh bắt đầu chuyện “làm chủ”. “Lúc đó, với nghề cơ khí của tôi, nếu đi làm thuê, lương mỗi tháng cũng được 700 ngàn đồng. Còn tự làm, mỗi tháng kiếm chưa được nửa số tiền đó. Nhưng vì khát khao tự làm chủ, tôi không thể mãi đi làm thuê cho người khác”, anh chia sẻ. 

Loay hoay mấy năm trời vẫn không thành công. Có đôi lúc cũng sờn lòng, nản chí, nhưng rồi anh lại nhanh chóng xốc lại tinh thần, đúc kết kinh nghiệm. Năm 2006 đánh dấu lần chuyển mình của anh trong công việc, khi nghĩ ra cách uốn tay vịn cầu thang, điều mà lúc bấy giờ còn chưa ai nghĩ và làm. Với chiếc máy tự chế thô sơ ngày đó, những tay vịn cầu thang “khó nhằn” nhất, những khách hàng khó tính muốn có một tay vịn cầu thang đẹp, đều phải tìm đến anh. Anh dần được giới trong nghề biết đến.  

Nhưng rồi anh nghĩ, cứ lao động chân tay thì khó làm giàu được. Anh tính đến việc tự mua vật liệu về làm, thay vì để khách hàng chở vật liệu đến cho mình gia công. Năm đó sắt thép xuống giá, nhiều công ty hàng đọng không bán được, đó là cơ hội để anh mua hàng  nợ xoay vòng vốn. Cũng từ đây, ý tưởng mở một nhà máy sản xuất tôn bắt đầu được ấp ủ. 

Năm 2007, anh chính thức thành lập công ty sản xuất tôn. Ngày đầu công ty thành lập, bài toán khó nhất là vốn mua máy móc. Một máy cán tôn lúc bấy giờ có giá 500 triệu, số tiền quá lớn với một người trẻ mới khởi nghiệp. Tìm kiếm, anh biết có người muốn bán một máy cán tôn cũ với giá 200 triệu đồng. Gom góp hết anh cũng chỉ có hơn trăm triệu. 

Tìm đến người bán thương lượng, muốn mua lại máy nhưng xin được trả tiền thành 2 đợt mà không được chấp thuận. Lại vắt óc nghĩ cách. Anh quay lại xin mua… một nửa hệ thống máy. Thuyết phục được người bán, anh mừng rỡ chở về nhưng chỉ để đấy. Còn lại nửa hệ thống, người bán chẳng thể bán cho ai.

Có nửa hệ thống máy cán tôn “chưng” trong xưởng, khách đến đặt hàng, Gia tự hào nói với khách mình đang chờ bên cung cấp nguyên liệu chở vật liệu đến là đi vào sản xuất ngay. Những hợp đồng cung cấp tôn vì thế cũng được ký kết dễ dàng hơn. Chưa đầy một tháng, anh đã xoay chuyển được cục diện, có tiền để “rước” nốt nửa cái máy cán tôn kia về xưởng.

Tài giỏi phải trung thực, thành công phải sẻ chia  

Khách hàng tìm đến với tôn Bảo Khánh ngày càng nhiều. Nhận thấy việc vận chuyển xa vừa tốn kém, có khi còn khiến tôn bị trầy xước, anh lại nảy ra ý tưởng mỗi huyện mở một nhà máy. Để mở 1 nhà máy, cần ít nhất 2 tỷ tiền vốn. Đây là số tiền không nhỏ với một doanh nghiệp mới ra đời. Nếu thua lỗ, cầm chắc sạt nghiệp. 

“Mở xưởng sản xuất, khâu thăm dò thị trường là quan trọng nhất. Tôi thuê đất, dựng xưởng. Thuê một nhân viên đóng đô ở đó đón tiếp khách hàng. Khách hàng tìm đến, thấy nhà xưởng trống trơn đều rất bất ngờ. Nhân viên giải thích đang chờ máy móc chuyển đến để lắp ráp. Khi nhận thấy lượng khách hàng tìm đến nhiều, vậy là tôi mạnh dạn vay vốn, mua máy móc mở xưởng. Nếu thăm dò thấy không có tiềm năng, tôi chỉ lỗ tiền thuê đất dựng xưởng, tốn tiền trả công 1 nhân viên”, anh chia sẻ. Chỉ trong 2 năm, anh mở được 6 nhà máy. Đến nay, tôn Bảo Khánh đã có 14 nhà máy sản xuất. 

Công ty được mở rộng, anh lại gặp trở ngại lớn khi vốn kiến thức không đủ để quản lý. Ngoài nghiên cứu sách báo, anh tìm đến những đàn anh đi trước để học hỏi kinh nghiệm . Nhưng nhiều người giấu nghề, hoặc chỉ nói vu vơ. Có khi được “chỉ cách”, anh về áp dụng còn hư hỏng thêm. 

Từng trải qua cảnh muốn học nhưng không ai chỉ, đó là lý do mà sau này anh cho hay luôn hết mình chia sẻ những kinh nghiệm, những kiến thức mình tích lũy được cho mọi người, nhất là những người trẻ. Với những người khó khăn, anh chia sẻ về kinh tế. Với lớp trẻ, anh chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, “truyền lửa” khởi nghiệp làm giàu.  

Năm 2016, công ty được UBND tỉnh tặng danh hiệu là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của năm. Anh còn được TW Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, TW Hội doanh nhân trẻ Việt Nam và Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Sao đỏ trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2015. Luôn tâm niệm giàu phải chân chính, tài giỏi phải trung thực, thành công phải sẻ chia, đó chính là phương châm để chàng trai nhà nghèo ngày nào từng bước đến thành công.

Đọc thêm