Nhanh chóng tiếp cận với nhiều phương tiện giải trí hiện đại, sách không còn là lựa chọn đầu tiên và duy nhất với thiếu nhi. “Cuộc chiến” không cân sức giữa văn hóa đọc với văn hóa nghe nhìn hiện nay đang thể hiện rõ ở lứa tuổi thiếu nhi. Các em say mê với những kênh truyền hình giải trí như: Bibi, Disney Channel hay các đĩa VCD, DVD chương trình quảng cáo, phim hoạt hình, ca nhạc thiếu nhi…
Sự khan hiếm các tác phẩm văn học hay trong nước khiến bạn đọc nhỏ tuổi tìm đến với sách nước ngoài. Nhiều bộ sách thể loại kỳ ảo, truyện tranh với nhiều đề tài nhưng lại thiếu những cuốn sách thật sự mang giá trị hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn và khát vọng tinh khôi cho tuổi nhỏ.Tần suất xuất hiện trên giá sách bày bán tại các cửa hàng của các đầu sách được chuyển ngữ từ những tác phẩm ghi dấu sự thành công của văn học dành cho thiếu nhi trong nước và nước ngoài như: bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh), Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi…ngày càng thưa thớt. Chưa kể đến sự “đe dọa” của những loại sách độc hại như truyện ma, kiếm hiệp bạo lực hay những bộ truyện tranh chứa đầy hình ảnh xấu vẫn đang được phát tán khiến cho môi trường để tiếp nhận tri thức dễ dàng nhất của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không hoàn toàn “miễn dịch” với những loại sách độc hại dành cho thiếu nhi, nhưng thị trường sách Hải Phòng ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị kinh doanh trong việc gìn giữ văn hóa đọc cho thiếu nhi. Từ các cửa hàng lớn như: 2 cơ sở của Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học (Hoàng Văn Thụ và Cầu Đất), Nhà sách Tiền Phong (Lạch Tray), Nhà sách tầng 3 TD Plaza của Công ty Văn hóa Phương Nam…đến những hiệu sách giảm giá nhỏ trên đường Quang Trung, Phan Bội Châu, Nguyễn Đức Cảnh…đều kinh doanh các ấn phẩm lành mạnh và phong phú về chủng loại. Tại đây, các em có thể tìm thấy các đầu sách bổ ích như: bộ sách Hạt giống tâm hồn, truyện tranh Đô-rê-mon, Thần đồng đất Việt, Tủ sách tuổi hồng… hay những bộ sách khảo cứu phù hợp với lứa tuổi về thế giới động, thực vật, đại dương,…
Bên cạnh đó là nỗ lực của Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố trong việc mở rộng đối tượng phục vụ, đặc biệt hướng tới bạn đọc nhỏ tuổi. Phòng đọc dành cho thiếu nhi của thư viện được đầu tư nâng cấp, sắp xếp và trang trí các giá sách khá khoa học với những đầu sách mang tới những tri thức thiết thực về từng vùng đất, con người, lịch sử và văn hóa của đất Cảng. Ngoài ra, thư viện còn có hệ thống sách tham khảo phong phú thuộc nhiều lĩnh vực: khoa học, văn học, toán học…và sách song ngữ, sách ngoại ngữ phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi. Hằng năm, thư viện tổ chức các hoạt động dành cho thiếu nhi để thu hút các em, như: vẽ tranh thiếu nhi về thư viện tương lai trên giấy và bằng đồ họa máy tính, triển khai kế hoạch sản xuất bộ sản phẩm dành cho trẻ em khiếm thị, tổ chức cuộc thi Kể chuyện, sách, báo thu hút đông đảo thiếu nhi 14 quận, huyện tham gia, các buổi giao lưu chuyên đề về các ngày lễ lớn của dân tộc với sự tham gia của các diễn giả, những nhân chứng lịch sử….Đó là cơ hội để thiếu nhi thành phố trao đổi, giao lưu, khơi gợi hứng thú với các ấn phẩm sách, báo. Theo Phó vụ trưởng Vụ Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới, “Việc tổ chức các hoạt động xã hội hóa phong phú sẽ mang đến những tri thức toàn diện để thu hút bạn đọc nhỏ tuổi đến với thư viện đông đảo hơn. Đó cũng là phương pháp hữu hiệu để tạo cơ hội cho thiếu nhi tiếp xúc với nguồn thông tin có định hướng, bổ ích và lành mạnh”.
Hệ thống thư viện các quận, huyện và tại các trường học đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và gìn giữ văn hóa đọc cho thiếu nhi thành phố. Từ niềm say mê những câu chuyện đến sự hứng khởi muốn tìm đọc qua những trang sách chỉ là một con đường ngắn. Do vậy, việc truyền đạt và nhen lên niềm yêu thích đọc sách đối với trẻ em và đầu tư nâng cấp để những thư viện nhỏ đủ sức hấp dẫn thiếu nhi là cần thiết. Cách chọn sách sao cho phù hợp cũng cần được định hướng từ những bài học đầu thời cắp sách.
Ở Phần Lan có phong tục tặng một giỏ sách cho mỗi đứa trẻ sơ sinh khi vừa chào đời để coi đó như nhu cầu tự thân, là con đường để khám phá thế giới và trưởng thành. Điều này cho thấy sự cần thiết của văn hóa đọc thiếu nhi được nhận thức rõ ràng ở hầu hết các nước trên thế giới. Tại Hải Phòng, với nền tảng thị trường sách, báo khá thuần nhất, lành mạnh, trách nhiệm gây dựng và gìn giữ văn hóa đọc cho thiếu nhi cần có sự vào cuộc tích cực từ các bậc phụ huynh, các cấp, ngành, đơn vị kinh doanh và các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố.
Huệ Vũ