Ghép đầu người có thể 'cải lão hoàn đồng'?

(PLO) - Cấy ghép đầu thành công sẽ đem tới nhiều thay đổi đáng kể cho nhân loại, có thể cứu chữa nhiều bệnh nhân có cơ thể trong tình trạng nguy kịch, bác sĩ Ren Xiaoping tuyên bố với ECNS
Bác sĩ Sergio Canavero tuyên bố có thể cấy ghép đầu người vào năm 2017, trong khi nhiều ý kiến cho rằng đây là điều không thể.
Bác sĩ Sergio Canavero tuyên bố có thể cấy ghép đầu người vào năm 2017, trong khi nhiều ý kiến cho rằng đây là điều không thể.
"Nếu một người sống với cơ thể lão hóa có thể thay mới bằng một thân thể khác, trẻ hơn và khỏe mạnh, não bộ bị thoái hóa của người đó cũng sẽ trẻ hơn nhờ thân thể mới, đồng nghĩa với việc người đó sẽ sống lâu hơn"- Ren nói, khẳng định ca cấy ghép do ông đảm nhiệm chắc chắn diễn ra.
Cải lão hoàn đồng
Bác sĩ Ren và đồng nghiệp người Italia Sergio Canavaro sẽ thực hiện ca cấy ghép dự kiến diễn ra ở đại học Y Cáp Nhĩ Tân. Chi phí cấy ghép khoảng 11 triệu USD, kéo dài trong 36 giờ, dự kiến diễn ra cuối năm 2017. 
Ngoài Valery Spiridonov, kỹ sư máy tính người Nga mắc bệnh teo cơ tủy sống, còn có ba người Trung Quốc nữa sẵn sàng làm bệnh nhân đầu tiên. Không ít những người bị ung thư giai đoạn cuối hoặc bị bệnh bẩm sinh, có cái đầu hoàn toàn khỏe mạnh nhưng lại mang một cơ thể đang chết dần; nhiều người trong số họ qua đời vì vô phương cứu chữa.
Trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Trung Quốc mới đây, bác sĩ Ren cho biết các nhà khoa học nổi tiếng, có chuyên môn cao từ 10 trường đại học Trung Quốc và nước ngoài sẵn sàng hợp tác.
 "Một ca phẫu thuật lớn như vậy không thể thành công nếu chỉ có một người. Nhiệm vụ của tôi là khởi động thật tốt cho dự án khổng lồ này, mà rất có thể thế hệ này chưa làm được"- Ren nói.
Chứng tỏ cường quốc khoa học
"Trung Quốc muốn thực hiện ca cấy ghép vì họ muốn thắng giải Nobel. Họ muốn chứng tỏ là cường quốc nghiên cứu khoa học. Đây là cuộc đua trong lĩnh vực mới"- bác sĩ người Italia Canavaro trả lời phỏng vấn báo chí mới đây.
Theo AFP, đội ngũ cấy ghép phần lớn là bác sĩ người Trung Quốc, đứng đầu là chuyên gia Ren Xiaoping. Tiến sĩ Ren, 53 tuổi, quê ở Cáp Nhĩ Tân, học và làm việc ở Mỹ hơn 15 năm trước khi bỏ vị trí giảng viên Đại học Y Cincinnati để về nước ba năm trước, được đồng nghiệp gọi là "Tiến sĩ Frankenstein".
 Ren cho biết, một trong những lý do về nước là được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ mạnh mẽ cho nghiên cứu y học. Ở Đại học Y Cáp Nhĩ Tân, Ren tiếp quản Trung tâm vi phẫu, được chính quyền ủng hộ tuyệt đối, được tài trợ 10 triệu tệ, tương đương 1,6 triệu USD làm đề tài. Ren cho biết thêm, Trung Quốc không có luật cụ thể cấm cấy ghép đầu. 
 
Valery Spiridonov, kỹ sư máy tính người Nga mắc bệnh teo cơ tủy sống, tình nguyện làm bệnh nhân đầu tiên. Anh quyết định thử làm người đầu tiên được ghép đầu để thay đổi số phận, dù nhiều chuyên gia trên thế giới cảnh báo về mức độ rủi ro và nguy hiểm. 
Chàng trai tin rằng nếu mọi việc tiến triển tốt, anh sẽ thoát khỏi những khiếm khuyết cơ thể mà anh đang phải trải qua. "Tôi mang một căn bệnh sẽ dẫn đến cái chết, nhưng vai trò của tôi trong dự án này không chỉ là một bệnh nhân. Trước hết, tôi là một nhà khoa học, một kỹ sư, tôi muốn thuyết phục mọi người, các chuyên gia y tế rằng ca phẫu thuật này rất quan trọng và cần thiết" - anh nói. 
Theo Spiridonov, ca phẫu thuật cấy ghép đầu sẽ chỉ thực hiện khi mọi người tin rằng khả năng thành công của nó là 99%. 
Nhận được nhiều tài trợ
Nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới đồng ý tài trợ cho dự án cấy ghép đầu người của bác sĩ người Italia, dù một số chuyên gia cho rằng đây là điều điên rồ. Nhà giải phẫu học thần kinh người Italia Sergio Canavero hồi đầu năm 2015 khẳng định, ông có thể thực hiện ca cấy ghép đầu người đầu tiên trên thế giới vào năm 2017.
Sau tuyên bố, Sergio Canavero đã nhận được sự ủng hộ từ hàng chục nhà tài trợ, những người sẵn sàng hỗ trợ chi phí cho dự án này. Nhiều tỉ phú, nhà tài phiệt giàu có trên thế giới cũng đã liên lạc với vị bác sĩ với mong muốn có thể kéo dài sự sống.
IB Times cho hay, "hàng chục người sẵn lòng tài trợ cho ca cấy ghép". Chàng trai người Nga Valery Spiridonov, 30 tuổi, tình nguyện trở thành người đầu tiên được cấy ghép đầu xác nhận, đã có một số khoản tài trợ chính. 
"Ông ấy (bác sĩ) nhận được nhiều đề nghị, đa phần liên lạc với ông ấy qua tôi, vì tôi khá nổi tiếng trên mạng. Họ liên lạc với tôi trước, rồi tìm đến ông ấy," Spiridonov cho biết. 
Tuy nhiên, nhiều bác sĩ trên thế giới cho rằng, đây là một điều điên rồ không thể thành công. Bác sĩ Hunt Batjer, thành viên Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật Thần kinh của Mỹ, từng bình luận trên CNN rằng: "Tôi ước điều này sẽ không xảy ra với bất kỳ ai. Tôi sẽ không cho phép ai thực hiện ca phẫu thuật này với tôi vì có nhiều thứ còn tồi tệ hơn cả cái chết". 
Theo Batjer, việc ghép nối phần đầu với một cơ thể khác biệt (bao gồm cả tủy sống, tĩnh mạch...) có thể dẫn đến hệ quả là bệnh điên hay tình trạng mất trí chưa từng có trước đây. Triển vọng về cấy ghép đầu người làm dấy lên nhiều vấn đề triết học và đạo đức.
Nhân thân người đó thay đổi như thế nào, khi có một cơ thể mới? Ngay cả khi kỹ thuật cấy ghép hoàn thiện, chuyện một người có đầy đủ cơ quan khỏe mạnh hiến tặng để cứu giúp nhiều người khác là đúng hay sai? Ngoài ra, còn nhiều nghi vấn về xuất xứ cơ thể hiến. 
Ở Trung Quốc cũng như nhiều nước khác, luôn thiếu hụt nguồn hiến tạng. Theo Peter Singer - nhà đạo lý sinh vật học, ĐH Princeton - khi được trình bày về cấy ghép đầu, ông cho rằng chưa thể thí nghiệm trên các loài linh trưởng ở giai đoạn này vì quá mơ hồ. 
Một chuyên gia khác cho rằng ý tưởng cấy ghép đầu quá kinh khủng. "Toàn bộ ý tưởng này thật nực cười" - Arthur Caplan, nhà đạo lý sinh vật học, ĐH Y New York nói - cho rằng không đáng để các loài động vật phải hy sinh, đem ra thí nghiệm. 
Trước sự chỉ trích của nhiều nhà đạo đức y khoa, Ren phản bác và trích lời một giáo sư ĐH Havard rằng, không có lý do nào để ngăn cản những sáng kiến táo bạo trong lĩnh vực y tế, nếu nó được Chính phủ và các tổ chức pháp lý thông qua…/.