Ghìm cương lạm phát

QTV - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ nay đến cuối năm phải khống chế ở mức 1,56%, bình quân mỗi tháng tăng không quá 0,5% là mục tiêu được Chính phủ đặt ra để ghìm cương lạm phát.

QTV - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ nay đến cuối năm phải khống chế ở mức 1,56%, bình quân mỗi tháng tăng không quá 0,5% là mục tiêu được Chính phủ đặt ra để ghìm cương lạm phát.

Tuy nhiên, theo quy luật giá hàng hoá, dịch vụ luôn tăng cao vào dịp cuối năm, đặc biệt là những tháng giáp tết, đồng thời với việc giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; lãi suất huy động và cho vay cao khiến các DN gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn; tình trạng thiếu điện đang đe doạ sản xuất và đời sống... là những lực cản không dễ vượt qua.

Giá các mặt hàng thiết yếu thường tăng cao vào dịp cuối năm. Ảnh: TTXVN
Giá các mặt hàng thiết yếu thường tăng cao vào dịp cuối năm. Ảnh: TTXVN

Nhiều nỗ lực ghìm giá

Hai động thái quan trọng nhất được các bộ, ngành triển khai là việc mới đây Bộ Tài chính đã công bố danh sách các DN phải đăng ký kê khai giá, đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng sẽ giám sát việc thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết của các DN nhằm thực hiện chủ trương bình ổn giá từ nay đến cuối năm. Bộ Công Thương cũng đang chủ động phối hợp với các địa phương, DN cung ứng hàng hoá thiết yếu chuẩn bị các phương án điều tiết thị trường trong trường hợp cần thiết. Cụ thể, theo chỉ đạo của bộ, các sở công thương các địa phương đã chủ động lên phương án bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung thông qua việc dự trữ hàng hóa, cân đối cung cầu, đảm bảo chất lượng, giá cả.

Theo Sở Công Thương TP.Hà Nội, năm nay, TP đã tạm ứng cho các DN 400 tỉ đồng (tăng 150 tỉ đồng so với năm ngoái) để dự trữ hàng hóa, thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường trong các dịp lễ Nôel, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Các DN có thời gian chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu bình ổn là 10 tháng. Khoản tiền này các DN được vay tạm ứng với lãi suất 0%. Sở Công Thương Hà Nội cũng chủ trì, phối hợp với các quận và các DN khảo sát, lựa chọn địa điểm để mở rộng mạng lưới tổ chức bán hàng theo chương trình bình ổn giá. Tính đến thời điểm hiện tại, mạng lưới phân phối hàng hóa của các DN tham gia bình ổn đã có hơn 360 điểm, được phân bố rộng khắp trên địa bàn TP, tăng gấp 2 lần so với năm 2009.

Dự kiến cả năm 2010, toàn TP sẽ có khoảng 500 điểm bán hàng bình ổn giá, tập trung tại khu vực nội thành và một số huyện, thị trên địa bàn. Hàng hóa tham gia bình ổn tại các điểm bán hàng tương đối phong phú, đa dạng về số lượng, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các DN tham gia chương trình phải cam kết bán đúng mặt hàng, đúng giá niêm yết, đồng thời giảm giá tối thiểu 10% khi thị trường có biến động về giá. Ngoài ra, các DN cũng chú trọng đưa hàng Việt về nông thôn. Trong các tháng đầu năm, các DN trên địa bàn TP.Hà Nội đã thực hiện được 14 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn và 16 phiên chợ Việt tại các huyện ngoại thành, trung bình mỗi phiên thu hút được từ 2.000-2.500 lượt người tiêu dùng đến mua sắm.
 
Giá mặt hàng rau quả khá ổn định. Ảnh: GIANG HUY
Giá mặt hàng rau quả khá ổn định. Ảnh: GIANG HUY

Bảo đảm cân đối cung - cầu

Theo Bộ Công Thương, bên cạnh biện pháp đảm bảo lưu thông thông suốt, thì các DN trong nước cần khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng cung - cầu, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đường, sữa, phân bón, ximăng, sắt thép...

Hiện các mặt hàng lượng thực, thực phẩm khá ổn định. Tuy nhiên, không thể xem thường dịch lợn tai xanh ở một số địa phương có thể gây thiếu cục bộ thực phẩm tươi sống. Mặt hàng thép phải chú trọng khâu lưu thông và kiểm soát chặt chẽ các đầu mối tiêu thụ cấp 2, tránh để xảy ra tăng giá bất hợp lý. Mặt hàng phân bón vừa qua cũng có thông tin một số loại phân bón trong nước sản xuất không đủ, nên phải nhập khẩu. Nếu không có biện pháp xử lý tốt, thì e rằng mặt hàng này sẽ tạo ra sốt nóng, đẩy giá lương thực, thực phẩm tăng theo. Đối với mặt hàng ximăng - theo Hiệp hội Ximăng VN - nguồn cung ximăng trong nước khá lớn. Năm nay là năm đầu tiên ngành ximăng đã cân đối được cung - cầu trong nước, không phải NK mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy vậy, để giữ ổn định giá ximăng từ nay đến cuối năm, các DN ximăng kiến nghị Chính phủ giữ ổn định giá than bán cho ximăng.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định: Bộ đã có văn bản trình Thủ tướng yêu cầu giữ ổn định giá than cho các hộ tiêu thụ lớn (điện, phân bón, ximăng, giấy) đến hết năm 2010. Đối với giá bán than cho các hộ tiêu thụ khác, thực hiện theo giá đã được Tập đoàn TKV đăng ký với Bộ Tài chính. Đối với các loại giá khác, cố gắng giữ ổn định như giá nước sạch sinh hoạt; giá cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt trong đô thị, khu công nghiệp... Đối với giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương bám sát tình hình biến động giá trên thị trường quốc tế, sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ thuế, phí và quỹ bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm không để giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian ngắn, gây tác động bất lợi đến sản xuất và tâm lý người tiêu dùng.

6 giải pháp bảo đảm cung cầu và bình ổn thị trường

Ngày 6.10.2010, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến về các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường. Tham gia hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, v.v...

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã trình bày báo cáo tổng hợp công tác bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường trong nước. Theo đó Bộ Công thương đã đưa ra 6 giải pháp để thực hiện bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường bao gồm: Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm để đưa vào sản xuất, tạo nguồn cung cho thị trường; tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, phối hợp tìm đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tại các địa phương; tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt các mặt hàng trọng yếu; tuyên truyền kịp thời các chủ trương chính sách nhằm hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; và kiến nghị Chính phủ ban hành chỉ thị chỉ đạo triển khai các chính sách, biện pháp cần thiết để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 18 của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, v.v... 

Theo Lao động

 

Đọc thêm