Bao nhiêu bất động sản, động sản, chứng khoán, hay quyền kiểm soát DN sẽ rơi vào túi nhà băng? – chỉ họ mới có câu trả lời.
Bình luận về tình huống mà công ty mình đang sa lầy, một lãnh đạo DN cay đắng nói rằng, cũng như người bệnh cần tiếp nước, DN đang “ốm” mới thực sự cần nguồn vốn tín dụng giá rẻ “hà hơi, tiếp sức”. Bằng chính sách siết chặt điều kiện vay của giới chủ nhà băng, chẳng khác nào bác sĩ chỉ lựa bệnh nhân khỏe để cấp cứu.
Theo một số ý kiến, thì việc áp trần lãi suất cho vay xuống 15%/năm trong khi vẫn giữ lãi suất tiền gửi ở 12%/năm đã dẫn đến việc lãi biên của giới ngân hàng chỉ có 3%/năm, nếu tính thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, biên lợi nhuận chỉ còn khoảng 2,5%/năm, là “không đủ trang trải chi phí hoạt động”. Tuy nhiên, nhìn vào mục tiêu lợi nhuân hàng ngàn tỷ đồng trong các báo cáo tài chính và nhìn vào các số “rò rỉ” về tình trạng dư thừa vốn của một số nhà băng, rõ ràng phép tính trừ đơn giản nêu trên chỉ là “bức màn thưa”.
Tờ Vneconomy mới đây dẫn một bản báo cáo về “diễn biến và nhận định xu hướng thị trường tiền tệ tháng 4/2012” của Phòng Kinh doanh ngoại tệ của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) với những thông tin rất đáng chú ý. Theo đó, tính chung trong tháng 4 vừa qua, tổng lượng vốn Ngân hàng Nhà nước hút về ở nghiệp vụ repo và tín phiếu là 53.338 tỷ đồng. “Đặc biệt trong thời gian cuối tháng 4 lãi suất tín phiếu liên tục giảm theo từng ngày, việc lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm thì đương nhiên lãi suất tín phiếu cũng phải giảm theo. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, ngân hàng thương mại mà thừa quá nhiều tiền thì không phải là điều đáng mừng” - báo cáo từ VietinBank đưa ra nhận định.
Ngân hàng thì “thừa quá nhiều tiền”, mà doanh nghiệp thì quay quắt vì tiền, điều gì đã tạo nên bức tranh tương phản “kịch độc” này?
“Các ngân hàng đang giả vờ cứu doanh nghiệp?” – hôm qua, VOV dẫn lời phát biểu thẳng thắn của ông Lê Xuân Nghĩa. Người từng là Vụ trưởng Vụ chiến lược phát triển của Ngân hàng Nhà nước, sau đó là Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia phân tích: Thứ nhất, các ngân hàng không hạ chuẩn tín dụng. Quy định của các ngân hàng chỉ ra rằng nếu doanh nghiệp đang có nợ xấu và tình hình tài chính không lành mạnh thì sẽ không được vay. Với tiêu chuẩn này đã “gạt” mất cơ hội tiếp cận vốn của khoảng 97% số lượng các doanh nghiệp.
Thứ hai, ngân hàng quy định nếu cho vay mới phải nêu phương án kinh doanh, hiệu quả hoạt động và phương án trả nợ. Một khảo sát chi tiết ở 16 doanh nghiệp (đang tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất trung bình) thì tất cả đều không đạt được tiêu chuẩn quy định này của các ngân hàng.
Cũng trong hôm qua, kết quả đợt khảo sát nhằm đánh giá thực trạng doanh nghiệp đã được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư – Cao Viết Sinh thông báo trong phiên họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có trên 17.700 doanh nghiệp làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động. Tính đến 30/4, trong tổng số hơn 647.600 doanh nghiệp đã thành lập, cả nước còn khoảng 463.800 doanh nghiệp hoạt động, có nghĩa con số DN đã “khai tử” lên tới gần 30%.
Một sự thực vẫn bị các nhà băng lờ đi, đó là, “đồng hành” cùng số DN bị “khai tử”, thì bộ phận phát mãi tài sản thu hồi nợ của giới nhà băng cũng hoạt động nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Bao nhiêu bất động sản, động sản, chứng khoán, hay quyền kiểm soát DN sẽ rơi vào túi nhà băng sau mỗi chú trình bơm vốn rồi rút vốn? – chỉ họ mới có câu trả lời.
Phạm Đức Tùng