’Giá điện và xăng mới vẫn chưa đủ bù đắp chi phí’

Khẳng định việc tăng giá điện, xăng dầu là không thể đừng, Bộ Tài chính cho rằng nếu tính đúng tính đủ, xăng phải tăng ít nhất 6.000 đồng một lít, còn mức tăng giá điện bình quân phải là 62%.

Khẳng định việc tăng giá điện, xăng dầu là không thể đừng, Bộ Tài chính cho rằng nếu tính đúng tính đủ, xăng phải tăng ít nhất 6.000 đồng một lít, còn mức tăng giá điện bình quân phải là 62%.

Trong thông cáo mới phát đi, Bộ Tài chính cho biết đợt điều chỉnh giá điện và giá xăng lần này vẫn chưa bù đắp được chi phí và ngành điện tạm thời vẫn chưa có lợi nhuận. Đối với điện, cơ quan này còn tiếp tục khoanh lại các khoản chi phí phát sinh từ năm 2010 trở về trước để xử lý dần cho các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, giá bán than cho sản xuất điện cũng tiếp tục bán thấp hơn giá thành để giảm áp lực tăng giá điện ở mức cao hơn.

Xăng bất ngờ tăng giá lên 19.300 đồng từ 10h trưa nay. Ảnh: T.M.
Xăng bất ngờ tăng giá lên 19.300 đồng từ 10h trưa nay. Ảnh: T.M.

Trong đó, tính đến 31/12/2010, các chi phí chưa tính đủ vào giá điện là 27.917 tỷ đồng. Trong đó có 1.282 tỷ đồng chi phí tiếp nhận điện hạ áp nông thôn từ 2010 trở về trước; 8.596 tỷ đồng lỗ do phát điện giá cao 2010; chênh lệch tỷ giá của tổng dư nợ ngoại tệ là 17.321 tỷ đồng... Bộ Tài chính cho rằng nếu năm 2011 không điều chỉnh giá thì ngành điện sẽ lỗ thêm 29.500 tỷ đồng nâng tổng số lỗ của các năm lên 57.417 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính nếu tính đủ chi phí đầu vào, giá điện phải tăng tới 62%. Tuy nhiên, để giảm sức ép tới chỉ số giá, đời sống người dân... giá điện phải kìm mức tăng từ từ và chuyển một phần lỗ sang các năm sau. Theo đó, giá điện bình quân chỉ tăng 165 đồng mỗi kWh, bằng 24,3% so mức đáng lẽ phải điều chỉnh.

Trong đó, đối với giá bán điện sinh hoạt 50KW đầu điều chỉnh lên bằng giá thành điện (từ 600 đồng lên 1.242 đồng mỗi kWh) để giảm bao cấp tràn lan. Đồng thời chỉ thực hiện bù giá cho hộ nghèo theo tiêu chí mới với số tiền 30.000 đồng mỗi tháng một hộ. Trường hợp nếu hộ nghèo sử dụng tiết kiệm điện dưới 50 kWh mỗi tháng) thì số tiền hỗ trợ tiết kiệm được dùng chi tiêu vào việc khác.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá điện tăng 165 đồng mỗi kWh sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 khoảng 0,38% (chưa tính được tác động của các vòng tiếp theo và yếu tố tâm lý).

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, năm 2010 giá dầu thế giới tăng 28,7% so với bình quân năm 2009 và đầu năm 2011, giá tiếp tục vận động theo xu hướng tăng. Tuy nhiên, từ tháng 8/2010 đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đều nằm trong diện phải kìm chế tăng. Nhà nước thực hiện các biện pháp hỗ trợ như 6 lần giảm thuế, 4 lần cho doanh nghiệp được trích quỹ bình ổn giá. Thế nhưng, do giá xăng của VN thấp so với mặt bằng chung khu vực khoảng 6.000-8.000 đồng nên tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới diễn biến phức tạp.

Bộ Tài chính khẳng định đợt tăng giá bán lẻ xăng dầu lần này là không thể kìm được nữa vì giá thế giới đã vọt lên ngưỡng quá cao. Quỹ bình ổn đã sử dụng đến đồng xu cuối cùng, thuế nhập khẩu cũng đã giảm đến mức thấp nhất chỉ còn 0%. Bên cạnh đó, mức tăng 2.900 đồng đối với mỗi lít xăng và khoảng trên 3.000 đồng đối với mỗi lít dầu theo Bộ Tài chính cũng ở mức hợp lý. Bởi nếu tính đúng, tính đủ, giá mỗi lít xăng phải tăng khoảng 6.493 đồng, còn mỗi lít dầu tăng khoảng 6.260-6.692 đồng.

Hồng Anh

Đọc thêm