Các tổng thống chuyên quyền thường có mối quan hệ gia đình thân quyến rất chằng chịt qua nhiều cuộc hôn nhân chính thức và không công khai, cựu Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập lại có một gia hệ rất đơn giản, nhưng tài sản của gia đình này lại được dư luận cường điệu quá mức.
Đệ nhất gia đình Ai Cập
|
Gamal Mubarak, con trai cựu Tổng thống Mubarak (phải) và người đứng đầu về truyền thông của đảng Dân chủ quốc dân (Ảnh: Reuters) |
Mubarak cưới bà Suzanne năm 1959, lúc bà mới 18 tuổi. Bà là một thạc sĩ chuyên ngành sư phạm xã hội học. Trong vai trò đệ nhất phu nhân, bà là người giỏi ngoại giao và thường cho rằng chính dòng máu Anh đã cho bà năng khiếu này. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ The Telegrah hai năm trước, bà nói: “Tôi vẫn còn anh em họ ở Anh. Tôi thoải mái với cả hai nền văn hoá, cả hai ngôn ngữ, cả hai thế giới và điều đó rất có ích. Và đó cũng là điều tôi mong muốn cho thế giới Arập, cho trẻ em từ tuổi nhỏ đã bắt đầu hiểu biết các nền văn hoá khác”.
Ông bà Mubarak chỉ có hai con trai – Alaa và Gamal – và từ nhỏ bà đã cho con tiếp xúc với nền văn hoá Anh – Mỹ. Cả hai đều theo học trường St. George’s College và đại học American University ở Cairo trước khi bắt đầu sự nghiệp trong ngành tài chính. Không tham gia chính trị, Alaa là một doanh nhân kín đáo, ít được công chúng biết tới. Alla thành hôn với Heddy Rasekh và có hai con trai Muhammad và Omar. Muhammad đã mất năm 2009 lúc 12 tuổi sau một cơn bệnh nặng.
Trái với sự kín đáo của người anh, Gamal (sinh 1963) lại là một nhân vật chính trị từng được xem là người sẽ kế vị cha làm tổng thống Ai Cập. Sau khi tốt nghiệp American University, Gamal bắt đầu sự nghiệp ở các chi nhánh ngân hàng Bank of America tại Cairo và London. Sự nghiệp chính trị của Gamal bắt đầu vào năm 2000 khi ông Mubarak bổ nhiệm Gamal làm tổng thư ký đảng Dân chủ quốc dân do Mubarak sáng lập.
Gamal là người ái mộ Anh Quốc và hai thần tượng của Gamal lại là hai chính khách lừng danh của Anh: Winston Churchill và Magaret Thatcher. Vợ Gamal là Khadija El-Gamal, trẻ hơn chồng 20 tuổi, là con của một nhà tài phiệt Ai Cập. Hai người thành hôn năm 2007 và tổ chức lễ cưới đúng vào ngày sinh nhật của Mubarak!
Thực hư về tài sản của gia đình Mubarak
Cùng với hai đối tác, Gamal lập ra công ty tài chính Medinvest Associates ở London năm 1996. Medinvest lại thuộc quyền sở hữu của một quỹ đầu tư chứng khoán ở đảo Cyprus là Bullion Company. Theo tiết lộ từ ngân hàng EFG-Hermes, Gamal Mubarak sở hữu một nửa công ty Bullion, và hồ sơ ở Cyprus cho thấy Alaa có tên trong hội đồng quản trị của quỹ này. Bullion sở hữu 35% vốn các hoạt động đầu tư tư nhân trong các lãnh vực dầu khí, sắt thép, ximăng, thực phẩm và du lịch do quỹ này quản lý – khoảng 999 triệu USD. EFG-Hermes cho biết giao dịch từ Bullion thông qua EFG-Hermes chỉ chiếm 7% doanh số của ngân hàng này nhưng không cho biết chi tiết.
Suốt 30 năm cầm quyền, gia đình Mubarak không có dấu hiệu nào cho thấy của cải tràn ngập, thậm chí có phần thua kém nếu so với mức sống vương giả, xa hoa của các nhà lãnh đạo Trung Đông khác. Bây giờ khi Mubarak đã ra đi, việc truy lùng tài sản của gia đình Mubarak bắt đầu.
Những thông tin phiến diện, bóp méo và tin đồn càng làm cuộc săn tiền thêm nóng bỏng. Chỉ mấy giờ sau khi Mubarak từ chức, chính quyền Thuỵ Sĩ ra lệnh các ngân hàng ở nước này phải “tìm kiếm và nếu có” thì phong toả bất kỳ tài sản nào của gia đình Mubarak cùng những người thân tín. Cái cụm từ “tìm kiếm và nếu có” đã bị thất lạc trong muôn vàn bản sao tường thuật của báo chí sau đó.
Những ước tính về tài sản của gia đình Mubarak hết sức khác biệt nhau. Một trang blog Ai Cập đưa ra con số… 620 tỷ USD! Tin đồn phổ biến nhất thì cho rằng tài sản này lên tới 70 tỷ USD. Theo các nguồn tin Chính phủ Mỹ, 70 tỷ USD cũng là thổi phồng quá mức và các nguồn này cho rằng tài sản của gia đình Mubarak chỉ nằm trong khoảng 2 – 3 tỷ USD.
SGTT.VN