Giá hàng hóa tăng chóng mặt: Cần hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời

Giá hàng hóa trên địa bàn thành phố những ngày qua tăng nhanh, nhiều mặt hàng tăng giá tới chóng mặt khiến doanh nghiệp và người dân lo lắng.

Giá hàng hóa trên địa bàn thành phố những ngày qua tăng nhanh, nhiều mặt hàng tăng giá tới chóng mặt khiến doanh nghiệp và người dân lo lắng. Tuy là xu hướng chung của cả nước nhưng giá tăng nhanh với mức cao gây tâm lý không tốt, ảnh hưởng tới kết quả kiềm chế lạm phát và phát triển kinh tế xã hội trong năm 2010. Thực tế này đòi hỏi sớm có biện pháp can thiệp, chỉ đạo kịp thời, giữ bình ổn giá cả.

Giá tăng nhanh

Tuy chưa đến nỗi phải xếp hàng mua đường với số lượng hạn chế như ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng giá mặt hàng này trên địa bàn thành phố những ngày qua tăng vùn vụt, từ 18.000 đồng/ kg lên 22.000 đồng/ kg. Cùng với đó là giá thịt lợn cũng tăng nhanh với tốc độ cao, giá thịt lợn thăn lên tới 85.000- 90.000 đồng/ kg, nạc vai 60.000- 70.000 đồng/ kg; sườn thăn từ 45.000- 50.000 đồng/ kg tăng lên 80.000- 90.000 đồng/ kg. Giá gạo tăng và trong xu hướng tiếp tục tăng. Theo các nhà phân phối tại Hải Phòng, giá gạo tăng bình quân 2000- 3000 đồng/ kg, cá biệt có loại gạo ngon tăng 5000 đồng/ kg. Dầu ăn cũng là mặt hàng bị điều chỉnh giá nhiều kể từ đầu năm tới nay và tới thời điểm này lại là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng giá khá cao. Bột mì, bánh kẹo, trứng, sữa… đều nằm trong top tăng giá.

Tăng giá với tần suất cao phải kể tới là giá gas, từ đầu năm tới nay tăng giá nhiều lần. Hiện tại, từ 1- 11, giá bán gas của Petrolimex 340.000 đồng bình 12 kg, 369.000 đồng bình 13 kg, 1.257.000 đồng bình 48 kg… Như vậy, tính trung bình, mức tăng của 1 bình gas lên tới gần 100.000 đồng tới vài trăm nghìn đồng so với đầu năm.     

Giá vàng và giá ngoại tệ “phi mã” trong những ngày qua cũng là một trong những yếu tố bất thường của thị trường. Cụ thể, giá vàng có lúc ngật ngưỡng lên tới 38,3 triệu đồng/ cây; giá đô- la Mỹ lên tới 21.500 đồng/ USD, giá đồng Ơ- rô lên tới hơn 29.000 đồng/ EUR… Mặc dù sau đó, giá vàng và ngoại tệ có tụt xuống nhưng ảnh hưởng đáng kể tới tâm lý đầu cơ, găm giữ hàng hóa của người dân. Và vì vậy, đây đang là những mặt hàng “nóng” trên thị trường.

Cũng do ảnh hưởng của giá vàng và giá đô- la Mỹ, giá nhà đất, ô tô, xe máy, máy tính, mỹ phẩm và nhiều loại hàng hóa nhập khẩu khác tiếp tục tăng cao. Ngay cả một số mặt hàng tiêu dùng hầu như ít tăng giá thì nay cũng không thoát khỏi vòng xoáy này. Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Minh Khai Nguyễn Bích Hòa cho biết, rất nhiều loại hàng hóa đã được nhà cung cấp thông báo giá bán mới với mức tăng khá cao. Riêng mặt hàng phích nước trong 1 tuần nhà máy thông báo tăng giá tới 3 lần, từ 3000- 6000 đồng/ chiếc. Như vậy, mong muốn kiềm chế chỉ số giá hàng hóa tiêu dùng dưới 8% càng trở nên khó khăn hơn khi bữa ăn hàng ngày của người dân đã phải chi thêm một khoản không nhỏ, bình quân từ 10.000- 50.000 đồng. Bên cạnh đó, chi phí khám, chữa bệnh, mua thuốc, chi phí đi lại, nghỉ ngơi; học hành cũng không giữ được mức giá như cũ. Dư luận lo ngại, một làn sóng tăng giá mới bắt đầu.

Giá hàng hóa tăng chóng mặt: Cần hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời ảnh 1

Mặc dù giá gạo thị trừong tăng nhưng do nguồn dự trữ lớn nên giá gạo tại Trung tâm thương mịa Minh Khai vẫn giữ mức ổn đinh. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua gạo tại Trung tâm Thương mại.

Siêu thị, trung tâm thương mại bình ổn giá

Mặc dù giá cả bên ngoài tăng vùn vụt nhưng tại một số trung tâm thương mại, siêu thị lớn của thành phố, nhiều loại hàng thiết yếu vẫn được bình ổn về giá. Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Minh Khai Nguyễn Bích Hòa cho biết, trong khi giá gạo bên ngoài tăng khá cao từ nhiều ngày nay nhưng công ty vẫn giữ mức giá ổn định cho loại gạo Hương Bưởi vốn là thương hiệu riêng của công ty do đã dự trữ lượng hàng lớn từ trước. Còn những mặt hàng khác, công ty cố gắng giữ mức giá ổn định nhất trong điều kiện có thể.

Giám đốc Chi nhánh Công ty Intimex tại Hải Phòng Phạm Thị Hồng khẳng định, tới thời điểm này, nhóm 8 mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, trứng, sữa…, Intimex vẫn bán theo giá cũ do dự trữ và gom hàng từ vài tháng trước. Trong tổng số 27.000- 28.000 mặt hàng đang bán tại siêu thị, chỉ có khoảng 1000 mặt hàng tăng giá do khan hiếm hoặc là loại hàng đặc biệt. Bà Hồng thể hiện quyết tâm giữ bình ổn giá bán hàng hóa trong mọi điều kiện có thể, tuy nhiên cũng không thể cầm cự lâu bởi hàng cũ sắp hết mà hàng mới lại không lấy được theo giá cũ.

Tại Big C, giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo thông báo, tới nay, Big C có nhiều mặt hàng được bình ổn giá, thấp hơn giá thị trường, trong đó có 10 sản phẩm Big C cam kết luôn rẻ hơn giá thị trường như trứng, gà ta nguyên con, tương ớt, bánh mì, đường, bột ngọt, sữa bịch, gạo Wow, dầu ăn Wow, mì tôm chua… Ngoài ra, có một số mặt hàng Big C bán với giá rẻ như cà chua giá 11.900 đồng/kg, cà chua Wow – thương hiệu riêng của Big C giá 8.900 đồng/kg trong khi giá thị trường là 15.000 đồng/ kg. Thịt ba chỉ tại Big C là 64.000 đồng/ kg, giá thị trường 68.000- 70.000 đồng/ kg, gà quay nguyên con giá 44.900 đồng/ kg; ngao 22.900 đồng/ kg, thấp hơn bên ngoài khoảng 3000 đồng/ kg…

Có được mức giá đó là do các siêu thị, trung tâm thương mại với tiềm lực của các nhà phân phối lớn nguồn hàng cung cấp ổn định và ý thức, cố gắng bình ổn giá bán hàng hóa nhằm thu hút người tiêu dùng. Mặc dù vậy trước cơn sốt tăng giá, họ cũng khó có thể giữ ổn định được lâu. Theo lãnh đạo các doanh nghiệp phân phối, hiện có nhiều báo giá mới như dầu ăn tăng 8%, đường, sữa tăng 5- 10%; gạo tăng 5- 20%; trứng tăng 10%...

Biện pháp cần nhanh và kịp thời

Trước tình hình giá cả gia tăng, Sở Công Thương tham mưu thành phố ban hành chỉ thị về bình ổn giá, đồng thời đề nghị 2 phương án hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa bình ổn giá. Cụ thể, có thể dành khoảng vài chục tỷ đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất bằng 0 để doanh nghiệp dự trữ hàng hóa hoặc dành một nguồn nhất định từ ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn kịp thời các hành vi tự tiện tăng giá, té nước theo mưa, gây bất ổn trên thị trường hàng hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, dù là biện pháp gì, theo các doanh nghiệp, lúc này cần nhanh và kịp thời. Giám đốc Intimex Hải Phòng Phạm Thị Hồng cho rằng, nếu doanh nghiệp được vay vốn từ vài tháng trước sẽ tốt hơn, thời điểm này có hàng để tung ra. Còn hiện tại, dù nhà phân phối có muốn lấy nhiều, các nhà cung cấp cũng chỉ đưa ra lượng hàng nhỏ giọt bởi chính họ cũng đang có tâm lý sợ giá hàng tiếp tục tăng. Bà Nguyễn Bích Hòa, Tổng giám đốc Công ty Thương mại Minh Khai cũng thể hiện mong muốn, sự hỗ trợ của thành phố với doanh nghiệp là cần thiết nhưng phải được làm sớm, nếu muộn sẽ mất hết thời cơ.

Ngoài sự hỗ trợ, doanh nghiệp nói chung đều mong muốn sớm có biện pháp bình ổn tỷ giá ngoại tệ. Theo ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Gas Petrolimex Hải Phòng, giá gas tăng là do giá thế giới tăng nhanh cộng với việc tỷ giá ngoại tệ tăng tới chóng mặt. Hiện công ty phải mua ngoại tệ với mức giá 20.500- 21.000 đồng/ USD, thậm chí có lúc phải mua tới 21.500 đồng nhưng mức chênh lệch tỷ giá đó chưa được cộng hết vào giá bán bởi doanh nghiệp nghĩ tới quyền lợi của khách hàng. Dù vậy, nếu tỷ giá không ổn định trở lại, doanh nghiệp cũng khó đủ sức giữ được giá bán như hiện nay. Đây là những vấn đề cấp bách, cần sớm được quan tâm để thị trường giá cả của Hải Phòng ổn định, đáp ứng yêu cầu kiềm chế lạm phát, phát triển kinh tế- xã hội năm 2010./.

                                                                                Hồng Thanh

Đọc thêm