Năm mới 2011, già bước sang tuổi 83 nhưng vẫn mạnh khỏe và nhanh nhẹn. Mỗi ngày mới là mỗi ngày già cưỡi máy cày xuống đồng, dạo khắp buôn làng và trông coi con cháu...
Già làng Ja B’Rai.
Năm mới 2011, già bước sang tuổi 83 nhưng trông vẫn mạnh khỏe và nhanh nhẹn. Mỗi ngày mới của già là mỗi ngày già cưỡi máy cày xuống đồng, lái xe máy khắp buôn làng và dạo bước một vòng trông coi con cháu... Già nói “Học và làm theo Bác mỗi ngày của già ở buôn là suy nghĩ và làm cho cây lúa trong nhà nhiều hạt; nói với con cháu phải đoàn kết và không được làm biếng; là nghĩ và làm bất cứ việc gì để giúp ích được cho bà con dân bản...” Vâng, đó là già làng Ja B’Rai, người Chu Ru ở thôn To Neuh, xã Tà Năng, Đức Trọng. Già là điển hình của cá nhân trong tỉnh Lâm Đồng sau 4 năm hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” Sau mấy ngày hẹn trước, tôi mới gặp được già làng Ja B’Rai vào một ngày cuối đông khi già đang bồng bế giữ trẻ là đứa cháu ngoại của mình. Già được bắt làm chồng lúc tuổi đôi mươi, đã sinh được 3 người con gái và 1 người con trai. Tất cả người con trai có vợ, con gái có chồng, sinh ra cháu; rồi cháu tiếp tục xây dựng tổ ấm mới sinh ra chắt... Đến nay con, cháu, chắt của già là hơn 30 người, đều dựng nhà ở riêng, nhưng xa nhất cách nhà già chỉ mười lăm phút xe máy (già có thể đi xe máy cả ngày lên xã, lên huyện). Sum vầy với con cháu trong cuộc sống thanh bình hôm nay, già không bao giờ quên với cảnh hồi chiến tranh chống Mỹ, buôn làng bị bom đạn cày xới, trâu bò bị giặc cướp bóc. “Nhưng mà già lúc đó không có biết sợ chết là gì. Ban ngày già làm lúa, làm bắp. Ban đêm, già nấu những nồi cơm to, có khi mang lên khu vực căn cứ, có khi gọi bộ đội về nhà ăn để lấy sức đánh giặc...” già nhớ lại. Ấy là những năm trước và sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Đàn trâu, bò của Già bị giặc xỉa súng bắn lấy thịt lên đến trên 20 con. Có đến 2, 3 bồ lúa to của Già cũng bị giặc cưỡng đoạt khuân chở đi. Bởi trước đó giặc đến hăm dọa rồi dụ dỗ vẫn bị Già cương quyết không cho bất cứ một vật dụng, một hạt lúa, hạt bắp nào của Già. Mà trước sau Già vẫn không hề sợ giặc, mất hết lứa lúa này thì làm lại lứa lúa khác, nuôi lại con trâu, con bò khác để ngụy trang nuôi quân giải phóng cho đến ngày chiến đấu thắng lợi hoàn toàn. Giải phóng về, già dựng lại căn nhà đã bị đổ nát. Rồi mau chóng cầm cây cuốc, cây xà gạc, cần mẫn khai hoang phục hóa trên mảnh đất buôn làng của mình đã đánh đuổi hết giặc thù. Tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, hàng ngày đến hàng tháng bên cạnh cây lúa nước, cây bắp trên đất cao, già mạnh dạn thử nghiệm với cây cà phê. Kết quả cây cà phê đã đền đáp xứng đáng công sức, suy nghĩ tìm tòi cách chăm bón của già với những mùa bội thu được ba, bốn tấn nhân trên mỗi ha. Năm tháng qua đi, con gái, con trai của già đã trưởng thành. Già tích góp hoa lợi có được để mua thêm đất đai, mở rộng sản xuất, để lại của hồi môn cho con. Già có 3 người con gái, mỗi người khi bắt chồng về, Già đều cho hơn 100 mét vuông đất thổ cư làm nhà, cho gần 1 mẫu đất làm ruộng lúa sinh sống. Riêng con trai đi làm chồng cho con gái ở buôn lân cận thì không phải tốn lễ vật cưới hỏi theo phong tục của đồng bào Chu Ru. Nhưng không vì vậy mà già đã hết lo cho con trai. Già khuyên con trai về nhà người ta phải siêng năng cùng với vợ lao động sản xuất, nuôi con ăn học, xây nhà, sắm xe máy lên huyện, lên tỉnh tiếp xúc với đời sống văn minh, hiện đại. Theo khuyên bảo của già, con gái, con trai của già đã định canh, định cư ổn định và đi lên từng ngày. Già cho hay, đến nay, trung bình mỗi gia đình riêng con gái, con trai của Già đã tạo dựng được quyền sử dụng trên 1,2 ha lúa nước và 1,2 ha cà phê. Đời sống khấm khá hơn lên, thế hệ hàng cháu của Già đã có người bước vào ngưỡng cửa đại học. Hàng tháng, già bảo con cháu tập trung ở nhà già một lần để thăm hỏi việc tương lai học hành của con cái, chỉ dẫn cho nhau những kinh nghiệm trồng cây, chăn nuôi giỏi. “Sản xuất lúa mỗi năm 2 vụ, con gái, con trai của già thu mỗi vụ hơn 3 tấn trên 1 mẫu; hàng năm thu cà phê cũng khoảng ba, bốn tấn nhân. Già có đủ tư liệu sản xuất để làm thay sức người như máy cày, máy bơm nước, máy tuốt lúa... Xong việc đồng áng ở nhà riêng, những tư liệu sản xuất này được già làm đổi công cho tất cả nhu cầu của bà con dân bản. Ví dụ Già đem máy đến suốt lúa cho hộ gia đình nào đó, thì sau đó họ sẽ đổi công hái cà phê, hoặc làm cỏ lúa cho già. Máy phục vụ sản xuất nông nghiệp của Già không làm lấy tiền một ai. Chẳng hạn nếu người được Già đưa máy xuống cày ruộng giúp, họ không có lao động để đổi công, thì thường bồi dưỡng cho Già bằng mấy cân nếp, con gà, coi như bù cho Già phần hao phí xăng, dầu. Bí thư Đảng ủy xã Tà Năng - Hoàng Văn Tư nói: “Đảng ủy ghi nhận và đánh giá cao về điển hình của già làng Ja B’Rai đã làm gương về lối sống, tinh thần lao động chịu thương, chịu khó cho con cháu noi theo. Đặc biệt Già làng là một nhân tố sản xuất giỏi trong thôn, trong xã, và là người hòa giải viên tích cực, đã góp phần bằng uy tín và những việc làm thiết thực của mình để xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư…”.