“Già néo, đứt dây” 8 người dân vương vòng lao lý

Nhìn lại mới thấy câu chuyện của ông Phiên và những người thân quả là một điều đáng tiếc vì chỉ cần mềm mỏng hơn một chút trong quan hệ ứng xử, giờ đây họ đã không phải trả một cái giá quá đắt như vậy.

TAND huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) mới mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Chống người thi hành công vụ”, tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Đình Phiên và các đồng phạm Lê Thị Nhị (SN 1966, vợ Phiên), Lê Thị Lý (SN 1980), Lê Văn Chiến (SN 1981), Lê Văn Lĩnh (SN 1981), Lê Thị Niềm (SN 1973), Lê Thị Hiến (SN 1959), Lê Thị Liên (SN 1985, đều ở xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh) tổng cộng 96 tháng tù.
Tìm hiểu nội tình vụ án mới thấy rằng việc các bị cáo phải hầu tòa là một điều rất đáng tiếc. 
người
Ngồi trên mái nhà chống đối đoàn công tác.
Chấp nhận “giải quyết linh động” sau 28 lần thông báo, mời, vận động
Hồ sơ vụ án thể hiện: Ngày 4/8/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu tái định cư (TĐC) xã Kỳ Thịnh. Ngày 31/8/2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự toán kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án. Ngày 10/11/2010, UBND huyện Kỳ Anh ban hành quyết định thu hồi đất của 160 hộ để bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện quy hoạch khu TĐC này, trong đó có ngôi nhà làm trên đất trang trại của hộ ông Nguyễn Đình Phiên.
Sau đó, cơ quan chức năng của huyện và xã đã thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, trả tiền bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Quá trình này, chỉ có hộ ông Phiên từ chối nhận tiền và giao đất, dù từ tháng 12/2010 đến tháng 8/2011, UBND huyện đã có 7 lần thông báo, 7 lần mời, 14 lần vận động ông Phiên.
Lý do ông Phiên đưa ra là thửa đất gia đình đang sử dụng không phải là đất trang trại mà là đất ở, phải cấp đất TĐC cho gia đình ông và bồi thường theo quy định. 
Những người có trách nhiệm của UBND huyện Kỳ Anh cho rằng nếu áp dụng pháp luật một cách “cứng nhắc” thì hộ ông Phiên không được cấp đất TĐC, tuy nhiên trên tinh thần giải quyết công việc theo hướng có lợi cho dân nhất, UBND huyện vẫn xin ý kiến lãnh đạo tỉnh cho huyện tìm cách giải quyết “linh động” chuyển đất trang trại gia đình ông Phiên thành đất ở.
Sau đó, được sự đồng ý của cấp trên, ông Nguyễn Hoài Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh đã trực tiếp mời ông Phiên làm việc và hướng dẫn ông làm thủ tục chuyển nhà và đất ở hiện có tại xóm 2, xã Kỳ Thịnh cho con để có cơ sở tính đất tại xóm 10 là đất ở và cấp 400m2 đất TĐC cho gia đình ông. 
“Già néo đứt dây”
Ban đầu ông Phiên đồng ý, nhưng sau đó lại đổi ý, không chấp thuận. Không những thế, ông Phiên lại mang đơn đi khiếu nại vượt cấp. Chính quyền huyện, xã lại tiếp tục vận động nhưng không thành. Vì vậy, ngày 17/8/2011, UBND xã Kỳ Thịnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Nguyễn Đình Phiên nhưng ông Phiên cũng không chấp hành. 
Cuối cùng, ngày 1/9/2011, UBND huyện Kỳ Anh buộc phải ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế. Khoảng 7h ngày 1/11/2011, tại buổi cưỡng chế, ông Phiên đã đứng ra hô hào, chửi bới, chống đối quyết liệt. Và vợ là Lê Thị Nhị cùng các đối tượng Lê Thị Lý, Lê Thị Niềm, Lê Thị Hiến, Lê Thị Liên... trèo lên mái nhà liên tục chửi bới, lăng mạ đoàn công tác, đồng thời đưa xăng, rơm, gạch đá, gậy lên và tháo ngói ném xuống cản trở việc cưỡng chế. Các đối tượng Lê Văn Lĩnh, Lê Văn Chiên là hàng xóm của ông Phiên cũng lớn tiếng hô hào, chửi bới, dùng đá ném, đánh đuổi những người thi hành nhiệm vụ. 
Trước tình thế đó, đoàn công tác vẫn kiên trì thuyết phục, yêu cầu các đối tượng chấm dứt hành vi trái pháp luật nhưng vẫn không thay đổi được tình hình. Trong quá trình làm nhiệm vụ, các đối tượng đã gây thương tích cho nhiều thành viên đoàn công tác. Đến 15h cùng ngày, đoàn công tác mới giải phóng được mặt bằng khu đất trang trại ông Phiên. Đã vậy, đêm hôm đó, ông Phiên cùng gia đình còn dùng vật liệu cố dựng lại một ngôi nhà khác nhằm chiếm giữ lại khu đất đó.
Ngày 3/2/2012, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Anh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với Nguyễn Đình Phiên và các đồng phạm. Sau đó, VKSND huyện Kỳ Anh ra cáo trạng truy tố các đối tượng về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Ngày 29 - 30/3/2012, TAND huyện Kỳ Anh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Chống người thi hành công vụ” đối với bị cáo Nguyễn Đình Phiên và các đồng phạm Lê Thị Lý (SN 1980), Lê Văn Chiến (SN 1981), Lê Văn Lĩnh (SN 1981), Lê Thị Niềm (SN 1973), Lê Thị Hiến (SN 1959), Lê Thị Liên (SN 1985). Riêng vợ Phiên là Lê Thị Nhị (SN 1966) bỏ trốn sau đó mới ra đầu thú nên ngày 26/4/2012, Tòa tiếp tục mở phiên tòa khác xét xử Nhị cũng về tội danh này. Hai phiên tòa đã khép lại với 96 tháng tù đối với các bị cáo.
Trong một diễn biến khác ngoài phiên tòa, được biết hiện nay cuộc sống nhân dân ở các khu TĐC huyện Kỳ Anh đã ổn định, người dân được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của nhà nước. Bằng số tiền hỗ trợ tái định cư, nhiều hộ dân đã có vốn để bắt tay vào kinh doanh, làm hàng cơ khí, chăn nuôi, trồng rau sạch... và đang mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Nhìn lại mới thấy câu chuyện của ông Phiên và những người thân quả là một điều đáng tiếc vì chỉ cần mềm mỏng hơn một chút trong quan hệ ứng xử, giờ đây họ đã không phải trả một cái giá quá đắt như vậy.
Phạm Thái Hà

Đọc thêm