Nhà ở có thương hiệu - tức là chung cư gắn với một thương hiệu nổi tiếng, thường là khách sạn - không phải là sản phẩm thông thường trên thị trường bất động sản nhà ở. Đây là phân khúc cao cấp nhất trong bất động sản hạng sang. Trên thế giới, các bất động sản có thương hiệu chỉ chiếm khoảng 55.000 căn hộ trong khoảng 400 dự án.
Thị trường bất động sản xa xỉ này chủ yếu được thúc đẩy bởi nhóm người siêu giàu trên thế giới với chi phí đầu tư tối thiểu 1 triệu USD.
Xuất hiện nhà ở hàng hiệu ở Việt Nam
Sự kiện mở bán dự án bất động sản hàng hiệu Grand Marina, Saigon tại thị trường Hong Kong do Masterise Homes kết hợp Marriott International phát triển vào cuối tháng 3 vừa qua với mức giá khởi điểm lên đến 432 triệu đồng/m2 đã gây "chấn động" thị trường bất động sản trong nước bởi giá bán chưa từng có. Đây là những sản bất động sản mang thương hiệu khách sạn trong khu trung tâm thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Trước đó, một số dự án bất động sản hàng hiệu khác cũng đã được ra mắt như Casa Marina Premium (Quy Nhơn, Bình Định) hay Four Seasons Resort Hội An (Quảng Nam)..., song chủ yếu nằm trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo nghiên cứu mới công bố của Savills International, các địa điểm tập trung bất động sản hàng hiệu trên thế giới bao gồm Dubai, Miami, New York. Đặc biệt, báo cáo cũng ghi nhận nhiều thị trường mới nổi như Việt Nam, Anh, Morroco, Malaysia, Australia, Saudi Arabia và Ai Cập.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo là một điểm nóng phát sinh bởi số lượng dự án ngày càng tăng. Chi phí đầu tư tại đây thấp hơn do ít rủi ro phát triển hơn nhưng có tiềm năng hấp dẫn để tiếp cận nhu cầu mới từ nguồn khách hàng. Hiện nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 120 dự án đã đi vào hoạt động và 28 dự án đang được triển khai. Nguồn cung chính ở các trung tâm đô thị lớn chiếm đến 78%, còn lại 22% là tại những khu nghỉ dưỡng.
Tính đến hết quý I, Grand Marina, Saigon là dự án căn hộ có giá cao nhất tại Việt Nam với mức giá công bố ra thị trường quốc tế tối thiểu 18.000 USD/m2. Như vậy, một căn hộ tại đây có giá khoảng hơn 1 triệu USD đến gần 2 triệu USD.
Mức giá này đã đưa bất động sản hàng hiệu Việt Nam tiệm cận một số thị trường trong khu vực. Dự án bất động sản đầu tiên của Malaysia là 8 Conlay tại Kuala Lumpur do YOO hợp tác với thương hiệu khách sạn châu Âu Kempinski. Các căn hộ từ 1-3 phòng ngủ tại đây được bán với giá từ 550.000 USD đến 1,16 triệu USD.
The Residences at Mandarin Oriental tại Bangkok (Thái Lan) cũng là dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên của đơn vị vận hành khách sạn nổi tiếng Mandarin Oriental tại Đông Nam Á. Với 146 sản phẩm, các căn hộ 2 phòng ngủ tại đây có giá khoảng 1,4 triệu USD và 2,8 triệu USD đối với căn 3 phòng ngủ.
Là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực, giá bán bất động sản hạng sang tại Việt Nam được xem là khá "mềm" so với một số thị trường khác trong khu vực.
Tại Singapore, năm 2018, một căn hộ tại tòa nhà Sculptura Ardmore rộng gần 1.000 m2 được bán với giá 43,8 triệu USD. Hay một căn penthouse khác tại tòa nhà The Marq tọa lạc ở Paterson Hill rộng đến hơn 1.600 m2 đã được định giá lên đến 74 triệu USD. Các dự án này đều nằm tại District 10, khu vực luôn được các chủ đầu tư giàu có như Nassim, Ardmore, Draycott ưa chuộng.
Tương tự, tại Hong Kong, The Peak cũng là nơi tập trung những bất động sản siêu sang với mức giá lên đến 149 triệu USD cho một căn hộ hay 270 triệu USD cho một dinh thự.
|
Ngày càng nhiều sản phẩm bất động sản triệu đô tại Việt Nam. |
Sự vươn lên của giới siêu giàu châu Á
Tuy nhiên, sự tăng trưởng lên đến 170% trong 10 năm qua của bất động sản hàng hiệu trên thế giới đã cho thấy giới siêu giàu tăng nhanh hơn so với dự kiến ban đầu của các đơn vị phát triển dự án bất động sản hàng hiệu.
Báo cáo The Wealth Report 2020 của Knight Frank cho thấy Việt Nam đã có 458 người với giá trị tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên - thuộc nhóm UHNWI của thế giới, tăng 7% so với một năm trước. Báo cáo này đưa ra dự báo cho giai đoạn 5 năm tới, châu Á sẽ là khu vực có tốc độ tăng trưởng về lượng người siêu giàu cao nhất là 44%.
Trong số các nền kinh tế đó, Ấn Độ đứng đầu dự báo tăng trưởng, với lượng người siêu giàu sẽ tăng 73%. Tiếp theo là Việt Nam với 64%, Trung Quốc sẽ có mức tăng 58% và Indonesia tăng 57%. Còn nếu xét về tốc độ tăng trưởng người siêu giàu trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới, thì Việt Nam đứng thứ 3 sau Ấn Độ và Ai Cập (mức tăng 66%).
Điều này đã được dự báo trong báo cáo "A Look at Wealth: Millennial Millionaires" được thực hiện bởi Coldwell Banker Global Luxury và WealthEngine, theo đó, dự đoán đến năm 2030, thế hệ Millennial (những người sinh ra trong giai đoạn 1982-2000) sẽ nắm giữ lượng tài sản lớn gấp 5 lần so với những gì họ đang sở hữu hiện nay và đưa họ trở thành những người có khả năng định hình tương lai của các xu hướng bất động sản hạng sang.
Phân tích cũng cho thấy thế hệ Millennials có một tinh thần du lịch cao hơn rất nhiều so với cha mẹ của họ - thế hệ Baby Boomer. Chính vì vậy, họ có nhu cầu sở hữu bất động sản ở nhiều quốc gia trên thế giới thay vì chỉ tập trung ở một đất nước, khu vực để tăng trải nghiệm sống. Đồng thời, nhóm khách hàng ở độ tuổi này cũng hy vọng có thể có được các dịch vụ cao cấp như khách sạn trong chính căn nhà của mình một cách đồng bộ.