Giá nhiều cổ phiếu đang quá rẻ!

Theo ông Lê Đạt Chí, giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM, rủi ro vẫn đang khá lớn cho nhà đầu tư lướt sóng nhưng lại là cơ hội cho những NĐT giá trị tiếp tục giải ngân mạnh.

Giá nhiều cổ phiếu đang quá rẻ! ảnh 1
 

Theo ông Lê Đạt Chí, giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM, rủi ro vẫn đang khá lớn cho nhà đầu tư lướt sóng nhưng lại là cơ hội cho những NĐT giá trị tiếp tục giải ngân mạnh.

Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua liên tục giảm điểm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán thế giới xuất hiện nhiều thông tin thiếu lạc quan. Các dự báo thị trường trong các phiên tới đang thiên về xu hướng đi ngang hoặc giảm điểm.

Thông tin không thuận

Tại sàn TPHCM, tuần qua, VN-Index đã có 4 phiên giảm điểm trong khi chỉ có 1 phiên tăng, với tổng số điểm giảm là 15,67 điểm (tương ứng giảm 3,4%). Chỉ số HNX-Index sàn Hà Nội còn thê thảm hơn, mất 11,18 điểm (tương ứng giảm 9,9%).

Điều nhận thấy rõ nhất làm ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index trong tuần mất điểm vừa qua chính là tâm lý lo sợ lạm phát và những thay đổi về chính sách tiền tệ đã tác động lên giá vàng (có lúc giá vàng vượt trên 38 triệu đồng/lượng); lãi suất tại các ngân hàng tăng; giá USD trên thị trường tự do lên mức 21.000 đồng/USD...

Nếu như ở tuần trước đó, nhà đầu tư nước ngoài hào hứng mua vào cổ phiếu thì tuần vừa qua, khối này cũng đã giảm sức mua. Tính chung cả tuần, tại HoSE, khối ngoại chỉ mua ròng 342,7 tỉ đồng, giảm hơn 40% so với giá trị mua ròng của tuần trước đó.

Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán Quốc tế (VIS), những bất ổn kinh tế còn tồn tại ở một số quốc gia lớn trên thế giới, một phần xuất phát từ các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước, đặc biệt là sự quan ngại về khả năng lạm phát tăng cao... đã khiến khối ngoại chùn tay mua vào.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét: Thế giới đang xuất hiện nhiều thông tin bất lợi cho thị trường. Trong đó, nổi bật là quan ngại về khả năng khủng hoảng nợ công tại châu Âu sẽ trầm trọng hơn, còn Trung Quốc có thể sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ do kinh tế nước này tăng trưởng nóng. Điều này khiến cho các chỉ số chính như công nghiệp Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq tuần qua đều mất điểm, với tỉ lệ trung bình - 2%.

Thông tin Mỹ sẽ cắt giảm ngân sách 4 tỉ USD từ nay đến cuối năm nhằm cải tổ hệ thống thuế, đề xuất giảm chi tiêu ngân sách quân sự 200 tỉ USD từ nay đến năm 2015 của Ủy ban Ngân sách Mỹ càng khiến thị trường thiếu sức bật. Đối với Trung Quốc, phiên cuối tuần qua, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán đã giảm mạnh nhất trong hơn một năm qua vì thông tin lo sợ lãi suất sẽ tăng cao nhằm ngăn chặn lạm phát. Theo đó, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải mất 5,2%, Shenzhen Composite của thị trường Thâm Quyến giảm 6,1%...

Khuyên mua vì quá rẻ

Rõ ràng, thị trường chứng khoán VN cũng như thế giới đang trong giai đoạn lo ngại nên thiếu sức bật. Tuy vậy, điểm lạc quan đáng ghi nhận trong tuần qua là mặc dù VN-Index và HNX-Index đều giảm điểm mạnh song khối lượng giao dịch trung bình tuần lại tăng (sàn TPHCM tăng khoảng 23% so với tuần trước, đạt 34,19 triệu cổ phiếu/phiên)...

Đứng trên phương diện giá các chuyên gia vẫn cho rằng giá nhiều cổ phiếu đã quá rẻ. Ông Lê Đạt Chí, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nhận xét: Rủi ro vẫn đang khá lớn cho nhà đầu tư lướt sóng nhưng lại là cơ hội cho những nhà đầu tư giá trị tiếp tục giải ngân mạnh.

Tương tự, mặc dù khuyên nhà đầu tư thận trọng song phòng phân tích của Công ty CP Chứng khoán nhỏ và vừa (SMES) cho rằng VN-Index và HNX-Index đã nằm sát các ngưỡng hỗ trợ quan trọng, trong khi đó, các chỉ số kỹ thuật đã đi vào vùng “bán bão hòa”. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch đã tăng mạnh trong những tuần qua cho thấy khả năng thị trường có thể bật tăng điểm từ ngưỡng hỗ trợ ở tuần này.

Theo Sơn Nhung
NLĐ

Đọc thêm