'GỠ VƯỚNG' PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP VIỆT ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU

Gia tăng giá trị xuất khẩu nhờ chỉ dẫn địa lý: Bài học từ Lục Ngạn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong và ngoài nước góp phần giúp vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) có mặt tại nhiều siêu thị, hệ thống phân phối, kênh thương mại trong nước và 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU...
Chỉ dẫn địa lý giúp vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) gia tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Chỉ dẫn địa lý giúp vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) gia tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Công cụnâng cao giá trị nông sản Việt

Tại Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây, ông La Văn Nam – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết, Bắc Giang là tỉnh có sản lượng vải thiều lớn nhất cả nước, trong đó riêng huyện Lục Ngạn có sản lượng vải thiều chiếm hơn 50% sản lượng vải thiều toàn tỉnh. Vải thiều Lục Ngạn có chất lượng, hương vị vượt trội, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa chuộng.

Ông La Văn Nam – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang chia sẻ về việc vải thiều Lục Ngạn nâng cao giá trị nhờ Chỉ dẫn địa lý.

Ông La Văn Nam – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang chia sẻ về việc vải thiều Lục Ngạn nâng cao giá trị nhờ Chỉ dẫn địa lý.

Trước đây, vải thiều Lục Ngạn chủ yếu được tiêu thụ trong nước (ở các chợ truyền thống) và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ ở nhiều siêu thị, hệ thống phân phối, kênh thương mại trong nước. Ngoài thị trường Trung Quốc còn được xuất khẩu đến 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ... Để có thành quả này, theo ông Nam đó là nhờ việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

“Từ năm 2006, Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn, các cơ quan ở địa phương đề xuất với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN triển khai 2 dự án về tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn.

Ngày 25/6/2008, vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý. Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và cũng thuộc trong nhóm sản phẩm cây ăn quả đầu tiên trong cả nước được bảo hộ chỉ dẫn địa lý”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, để mở rộng thị trường xuất khẩu, vải thiều Lục Ngạn tiếp tục được Sở KH&CN Bắc Giang đăng ký và được cấp văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại 7 quốc gia: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và Mỹ.

Tới năm 2021, vải thiều Lục Ngạn cũng là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa vải thiều vào thị trường Nhật, cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với các nông sản chủ lực khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này. Ngoài ra, sản phẩm vải thiều đã được đưa lên giao dịch tại nhiều sàn thương mại điện tử, được khách hàng đánh giá cao, đặc biệt trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19.

Khách hàng Nhật Bản mua vải thiều ở siêu thị AEON (Tokyo).

Khách hàng Nhật Bản mua vải thiều ở siêu thị AEON (Tokyo).

Ông Nam cho biết, việc vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước đã có tác động rất lớn đến sản xuất, tiêu thụ vải thiều, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Việc tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ đạt hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa rộng; danh tiếng, uy tín, chất lượng sản phẩm hàng hóa được nâng cao rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và xuất khẩu.

Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... nên giá bán tăng rõ rệt (năm 2008, giá vải thiều Lục Ngạn trung bình từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg, đến nay giá trung bình khoảng 25.000 đến 30.000 đồng/kg).

Năm 2008, thu nhập từ vải thiều của huyện Lục Ngạn chỉ ước đạt khoảng 500 tỷ đồng, thì năm 2022 đạt trên 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra đã góp phần phát triển các ngành dịch vụ phụ trợ kèm theo, đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Nam dẫn chứng: Trước đây, diện tích trồng vải của Lục Ngạn chưa được cấp mã vùng trồng. Đến nay, hầu hết diện tích sản xuất được cấp mã vùng trồng để phục vụ xuất khẩu, trong đó có 18 mã số vùng trồng với diện tích 218 ha để xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ; 36 mã số vùng trồng bao trùm diện tích trồng vải toàn huyện để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Đặc biệt, diện tích sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP được tăng lên rõ rệt: Trước năm 2008, diện tích sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP trên địa bàn huyện chỉ khoảng vài ha và không có diện tích vải thiều theo quy trình GlobalGAP, nhưng đến nay diện tích sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP đạt gần 13.000 ha (chiếm 76% tổng diện tích), GlobalGAP là 20 ha.

Để trái vải tiếp tục ra “quả ngọt”

Thời gian tới, để phát huy hơn nữa kết quả bảo hộ Chỉ dẫn địa lý của vải thiều, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương, ông La Văn Nam cho biết, huyện Lục Ngạn sẽ tiếp tục duy trì diện tích sản xuất và và nâng cao chất lượng sản phẩm vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mở rộng mô hình sản xuất vải thiều hữu cơ, vải thiều công nghệ cao.

Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đang được người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới ưa thích.

Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đang được người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới ưa thích.

Bên cạnh đó, nhân rộng việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (như mã số vùng trồng, mã vạch, mã QR… gắn với thông tin về sản phẩm) để khách hàng dễ dàng nhận diện, tra cứu và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm vải thiều Lục Ngạn chính hiệu.

Đồng thời hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiên tiến về bảo quản, chế biến vải thiều sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vải thiều theo chuỗi giá trị. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ở trong và ngoài nước.

Ngoài ra, theo ông Nam để có sản phẩm tốt điểm mấu chốt vẫn là người dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất để tạo ra sản phẩm vừa có mã đẹp, vừa đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy, trách nhiệm của người sản xuất phải được nâng cao, từ đó quyết định đến chất lượng sản phẩm, là yếu tố cốt lõi để phát huy giá trị sau bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

“Hiện tại huyện Lục Ngạn đã đề nghị các nhà khoa học, các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu hỗ trợ ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến quả vải thiều sau thu hoạch phù hợp với chi phí thấp. Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán mở rộng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường mới; hỗ trợ truyền thông và đa dạng hóa hình thức kết nối tiêu thụ quả vải thiều đến với thị trường quốc tế; tiếp cận cập nhật thông tin thị trường về hàng rào thương mại, hàng rào kỹ thuật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhập khẩu của từng thị trường để thúc đẩy xuất khẩu”, ông Nam cho hay.