Khi lãnh đạo tỉnh Bắc Giang 'đi chợ' bán vải thiều

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trực tiếp đi các chợ đầu mối nông sản phía Nam rồi gặp gỡ kết nối các đầu mối để tiêu thị quả vải ở ngoài nước…, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đang nối dài hơn những vụ vải “được mùa, được giá”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn khảo sát thị trường tại siêu thị MM Mega Market, TP.HCM (Ảnh:BGĐT)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn khảo sát thị trường tại siêu thị MM Mega Market, TP.HCM (Ảnh:BGĐT)

Không ngừng đa dạng thị trường tiêu thụ

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh từng nhận định, vụ vải thiều Bắc Giang đa phần đều “được mùa, được giá” là do lãnh đạo tỉnh, chính quyền các địa phương và sở, ngành chức năng đều vào cuộc chuẩn bị tiêu thụ cho vụ vải. Hầu như năm nào lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng “Nam tiến”, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ mặt hàng này.

Vụ vải năm nay, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh cũng đã tiến hành khảo sát thêm một số điểm kinh doanh vải thiều tại khu vực phía Nam và làm việc với các chuỗi bán lẻ, chợ đầu mối, trong đó có hệ thống siêu thị MM Mega Market tại quận 2 (TP.HCM). Theo đánh giá, đây là trung tâm lớn nhất của hệ thống MM Mega và có khoảng 10.000 lượt người đến mỗi ngày. Hiện vải thiều Bắc Giang được bán tại Siêu thị Mega Market An Phú có giá 42.900 đồng/kg bó cành, 52.000 đồng/kg cắt cuống và mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1 tấn.

Ông Tuấn cũng đã khảo sát và nắm bắt tình hình tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Đây là chợ đầu mối lớn tại khu vực phía Nam với hơn 1.400 quầy hàng, mỗi ngày cung ứng hơn 4.000 tấn rau, củ, quả ra thị trường. Hiện hàng ngày cũng đã có gần 100 xe container vải thiều được đưa vào tập kết tại chợ và bán ra. Lãnh đạo tỉnh kỳ vọng, hàng năm, lượng vải thiều bán tại chợ đầu mối phía Nam sẽ tăng lên. Cùng với đó sẽ có thêm nhiều chợ đầu mối tham gia tích cực tiêu thụ vải.

Ông Tuấn cho biết, ông cũng vừa vào Tiền Giang để tìm thêm thị trường cho vải. Ông cũng đã có những cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, những đầu mối bán buôn lớn của Tiền Giang cũng như các tỉnh miền Tây tiến hành khảo sát chất lượng và tiêu thụ vải thiều.

Xúc tiến thương mại, mở nhiều kênh kết nối

Hàng năm, Bộ Công Thương vẫn cùng tỉnh Bắc Giang thực hiện các cuộc xúc tiến thương mại (XTTM) với hàng chục đầu cầu kết nối với các quốc gia khác để tiêu thụ vải thiều và nông sản khác. Tuy nhiên, tỉnh này cũng vẫn có kênh riêng của mình để thực hiện kết nối với các thị trường lớn, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ.

Cụ thể, mới đây, đại diện tỉnh Bắc Giang đã làm việc với Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ về xúc tiến đầu tư và kết nối, tiêu thụ vải thiều, một số nông sản của Bắc Giang sang thị trường Hoa Kỳ.

Đại diện UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh xác định Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn đối với nông sản hàng hóa, tuy nhiên đây lại là thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt… Do đó, tỉnh đã có những kết nối chặt chẽ thông qua đại diện danh dự của tỉnh về XTTM tại Hoa Kỳ để có thể giúp nông sản tỉnh nhà có đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường lớn này.

Trên nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, việc một số tỉnh chủ động trong tiếp thị nông sản, lãnh đạo tỉnh xuất hiện tại các hội nghị xúc tiến để tiếp thị cho sản phẩm tỉnh nhà thể hiện sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, nếu mỗi địa phương, mỗi vựa nông sản lớn của cả nước đều có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh như ở Bắc Giang, Hải Dương thì việc tiêu thụ nông sản hàng năm sẽ bớt dần những điệp khúc “được mùa, mất giá”, “giải cứu”…

“Khi lãnh đạo địa phương đau đáu, chủ động kết nối thì sẽ giải quyết được việc tiêu thụ nông sản. Tôi cho rằng, hình ảnh của lãnh đạo địa phương tại các buổi xúc tiến, tiếp thị cũng là thương hiệu cho nông sản của địa phương đó, như một lời hiệu triệu kêu gọi doanh nghiệp về tỉnh để kết nối, tiêu thụ nông sản” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Theo báo cáo của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 80 điểm cân vải cố định, sản lượng tiêu thụ hơn 480 tấn vải/ngày. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 1.500 tấn, chủ yếu tại thị trường Hà Nội, các tỉnh phía Nam,... Xuất khẩu khoảng hơn 1.000 tấn chủ yếu sang Trung Quốc.

Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, bình quân mỗi ngày có hơn 50 ô tô vải thiều Bắc Giang được thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) sang Trung Quốc.

Đọc thêm