96% vụ khiếu nại về đất đai tại Cần Thơ là khiếu nại sai
Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, công tác thu hồi đất trên địa bàn TP Cần Thơ đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Trong đó, công tác thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội hàng năm được chỉ đạo thực hiện kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, trong năm 2020 có 109 công trình, dự án cần thu hồi đất trình thông qua HĐND TP với tổng diện tích 421,63 ha, làm cơ sở bố trí sử dụng đất các công trình, dự án theo quy hoạch định hướng, đồng thời thực hiện các thủ tục thu hồi đất trên địa bàn TP theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, các quận, huyện chỉ triển khai thực hiện thu hồi đất của 36 dự án với diện tích 70,35 ha, đạt 17,66% tổng diện tích cần thu hồi đất do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid – 19.
Đồng thời, công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai được TP quan tâm chỉ đạo thường xuyên; công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa Thanh tra TP, sở, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn trước, tạo sự đồng thuận trong quá trình giải quyết.
Từ năm 2019 đến nay, UBND TP Cần Thơ đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu giải quyết 54 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền (trong đó chủ yếu là khiếu nại về giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khiếu nại việc thu hồi đất..). Kết quả, khiếu nại sai 52 vụ, khiếu nại đúng 01 vụ và khiếu nại đúng một phần 01 vụ.
Cần Thơ thiếu quỹ nền để bố trí tái định cư
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ, nhiều đổi mới, tiến bộ trong chính sách thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất như phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phù hợp đã tạo điều kiện cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tiến độ đầu tư các dự án trên địa bàn TP được đẩy nhanh, đời sống cho người dân có đất bị thu hồi từng bước ổn định, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người có đất bị thu hồi và của nhà đầu tư, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.
Ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định: “Công tác thu hồi đất trên địa bàn TP Cần Thơ đã có nhiều chuyển biến rõ nét”. |
Tuy nhiên, công tác thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn không tránh khỏi “khó khăn, vướng mắc và hạn chế” như việc tổng hợp danh mục các dự án cần thu hồi đất để trình HĐND TP khi chưa có số liệu cụ thể; việc xác định giá đất đôi lúc chưa xác thực tế; thiếu quỹ nền để bố trí tái định cư; thiếu thông tin khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND TP đã thực hiện giải pháp: nâng cao vai trò của UBND cấp xã trong việc xác định nguồn gốc đất, làm cơ sở cho việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại các dự án;
Thường xuyên kiểm tra và kịp thời nắm bắt tình hình, chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; cắt giảm vốn các dự án không giải ngân để tập trung vốn cho các dự án có khối lượng thực hiện và khả năng giải ngân; giao UBND cấp huyện tập trung củng cố, kiện toàn, sắp xếp đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của tổ chức phát triển quỹ đất quận, huyện;....
Nhiều địa phương vẫn còn xem nhẹ công tác thu hồi đất
Tại Hội nghị, các đại biểu phản ánh, hiện nay, công tác thu hồi đất được quy định cụ thể trình tự và thẩm quyền quyết định các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương. Tuy nhiên, có nhiều địa phương vẫn còn xem nhẹ và chưa thực hiện đúng theo trình tự.
Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do trình tự thủ tục rườm rà và mất thời gian, có một số dự án mới và dự án đang thi công cần điều chỉnh kịp thời nếu như chờ phê duyệt thì tiến độ sẽ bị chậm trễ, gây cản trở cơ hội của nhà đầu tư.
Một hạn chế trong công tác thu hồi đất là về giá đất và thiếu thống nhất trong cách giải quyết giữa Trung ương và địa phương. Ở một số nơi công tác đền bù còn nhiều bất cập, khi thu hồi đất đền bù theo giá nhà nước 1, nhưng khi bán cho các nhà đầu tư lại lên đến 10.
Điều này gây tâm lý hoang mang, nghi ngại trong nhân dân. Có nhiều nơi khi tiến hành xây dựng không họp dân để thông qua ý kiến quy hoạch, không thông báo cho dân biết nhưng HĐND ở phường, quận, huyện lại tiến hành bài bản và công khai quy hoạch. Dựa vào những sơ hở trong cách thực thi, nên xảy ra tình hình khiếu kiện.
Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chỉ ra: “Đất quy hoạch tại nông thôn, khi có chủ trương đền bù đa số người dân đều chấp thuận vì giá đền bù cao hơn giá thị trường.
Nhưng do xảy ra tình trạng chênh lệch giá giữa giá đền bù và giá bán cho đầu tư nên xảy ra tình trạng người dân không hài lòng dẫn đến khiếu kiện. Để giải quyết được vấn đề trên cần đề ra những phương pháp căn cơ nhằm giải quyết có hiệu quả công tác khiếu nại, tố cáo cho người dân".