Giá thuốc -trách nhiệm quản lý

Giá thuốc cao và không ngừng tăng đang trở thành gánh nặng đối với đông đảo người dân có mức sống trung bình và thấp. Quản lý giá thuốc là một việc khó. Nhưng không có nghĩa là không quản được. Vấn đề đòi hỏi là tinh thần trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước liên quan.

Một thông tin khiến dư luận không khỏi giật mình: Giá thuốc ở Việt Nam  cao gấp từ 5 đến 40 lần giá mặt bằng thế giới. Chưa hết, theo báo cáo của Hiệp hội  kinh doanh dược, trong vòng một tháng, có 42 mặt hàng thuốc nội tăng giá với mức 6,1%. 25 mặt hàng thuốc ngoại tăng giá với mức tăng trung bình 6,5%. Giá thuốc cao và không ngừng tăng đang trở thành gánh nặng đối với đông đảo người dân có mức sống trung bình và thấp.
Để giá thuốc tăng cao trách nhiệm trước hết thuộc về Cục quản lý Dược. Tuy nhiên, theo cục này, cục chẳng quản được gì vì “các doanh nghiệp dược được quyền tự định giá” và chỉ kê khai giá cho các cơ quan Nhà nước trước khi lưu hành hoặc trước khi tăng giá. Tổ công tác liên ngành gồm Cục Quản lý Dược, Vụ Quản lý tài chính (Bộ Y tế), Cục Quản lý giá, Cục Tài chính doanh nghiệp sẽ xem xét hồ sơ kê khai. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Dược, các cơ quan Nhà nước rất khó trong việc định giá hợp lý vì không có giá…chuẩn. Giá thuốc nhập khẩu cũng không thể quy định nổi vì có tới 22000 mặt hàng và Cục… không nắm được thông tin giá gốc từ nước ngoài. Đó là chưa kể quy định đấu thầu giá thuốc được giao cho các bệnh viện trong khi người chi trả tiền là bảo hiểm y tế cũng góp phần đẩy giá thuốc lên cao. Và, quy định khuyến mãi thuốc theo Luật Thương mại dẫn đến việc chi hoa hồng từ 20 đến 30% giá thuốc cho bác sĩ kê toa càng làm trầm trọng thêm căn bệnh giá thuốc vốn đã rất nặng căn, khó chữa trị
Giá thuốc bị thả nổi do các cơ quan quản lý đùn đẩy trách nhiệm. Bộ Y tế đổ lỗi cho Bộ Tài chính và ngược lại. Nhưng dù ai chịu trách nhiệm, việc buông lỏng quản lý, quản lý bất cập, yếu kém, để cơ chế thị trường thao túng là một thực tế rõ ràng. Theo các chuyên gia, việc đầu tiên, không khó là nắm thông tin giá thuốc thế giới để định giá trần. Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm về giá thuốc. Sửa đổi cơ chế đấu thầu, quy định cơ quan chi trả tiền thuốc. Sửa đổi quy chế khuyến mại về giá thuốc và triệt để cấm hoa hồng cho bác sĩ kê toa.
Quản lý giá thuốc là một việc khó. Nhưng không có nghĩa là không quản được. Vấn đề đòi hỏi là tinh thần trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước liên quan.

Dương Trọng Dật

Đọc thêm