Giá vàng tăng, ngân hàng lo nợ xấu

Nhiều hợp đồng vay vàng đã vay những tháng trước đây, nếu đến khi đáo hạn mà người ta chấp nhận bỏ tài sản đảm bảo chứ không chịu mua vàng trả lại.

Giá vàng tăng, ngân hàng lo nợ xấu ảnh 1
 

Nhiều hợp đồng vay vàng đã vay những tháng trước đây, nếu đến khi đáo hạn mà người ta chấp nhận bỏ tài sản đảm bảo chứ không chịu mua vàng trả lại.

Mặc dù giá vàng đã hạ nhiệt trong vài ngày gần đây, từ mức đỉnh 38,2 triệu đồng xuống còn 35 triệu đồng/lượng trong ngày 15-11, nhưng những ngân hàng có nghiệp vụ cho vay vàng hiện đang lo ngay ngáy về nợ xấu nếu giá vàng tăng trở lại.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại quận 1 TPHCM than rằng nhiều hợp đồng vay vàng đã vay những tháng trước đây, nếu đến khi đáo hạn mà người ta chấp nhận bỏ tài sản đảm bảo chứ không chịu mua vàng trả lại vì giá vàng lên cao thì coi như ngân hàng ôm nợ xấu và phải trích lập dự phòng rất lớn. Việc trích lập sẽ càng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay vốn không dễ dàng để làm ăn.

Ông cho biết hiện tại các hợp đồng chưa đáo hạn, nếu giá trị tài sản đảm bảo giảm so với giá vàng thì ngân hàng yêu cầu khách hàng bổ sung thêm tiền hoặc tài sản, nếu khách hàng không chịu mà bỏ luôn thì coi như ngân hàng ôm nợ xấu. Đa số khách hàng vay vàng vẫn chưa chuyển sang tiền đồng vì hy vọng giá vàng sẽ giảm trở lại, vị này nói.

Từ cuối tháng 10 khi giá vàng bắt đầu tăng tốc, nhiều ngân hàng đã yêu cầu các chi nhánh thực hiện những yêu cầu để bảo đảm an toàn như đánh giá lại khả năng trả nợ của khách hàng và đảm bảo tỷ lệ cho vay so với tài sản đảm bảo sau khi đã tái định giá không cao hơn tỷ lệ cấp tín dụng đã được phê duyệt.

Nếu hai điều trên không được đảm bảo thì các ngân hàng sẽ phối hợp với khách hàng xử lý các khoản vay bằng vàng bằng cách giảm dư nợ hoặc bổ sung tài sản đảm bảo, chuyển nợ vay sang tiền đồng, hoặc xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng.

Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước ban hành cuối tháng 10 về huy động vốn và sử dụng vốn vay bằng vàng buộc các ngân hàng không được chuyển đổi vốn bằng vàng thành tiền đồng, và đối với số vốn bằng vàng đã chuyển đổi thành tiền để cho vay trước đây phải giảm dần và tất toán chậm nhất là ngày 30-6-2011.

Như vậy, nếu giá vàng tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức như hiện nay thì các ngân hàng có khả năng bị lỗ vì phải mua lại khối lượng vàng đã chuyển sang tiền đồng trước đây với giá cao hơn, trong khi chênh lệch lãi suất huy động vàng và cho vay tiền đồng không đủ bù đắp vì giá vàng tăng.

Tính từ đầu tháng 9 đến ngày 15-11, giá vàng đã tăng gần 21% trong vòng 2,5 tháng, trong khi chênh lệch giữa lãi suất huy động vàng và cho vay tiền đồng chỉ khoảng từ 13-15%. Như vậy, việc tăng lãi suất cho vay tiền đồng từ đầu tháng 11 cũng là một cách để các ngân hàng giảm bớt khả năng thua lỗ trong tương lai của mình.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng được nhập vàng để bình ổn thị trường, nhưng theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường vàng có thể sẽ có những biến động lớn khi các hợp đồng vay vàng toàn hệ thống tương đương 55,6 tấn đáo hạn. Các ngân hàng sẽ phải mua vào một lượng vàng rất lớn để bù lại cho số vàng đã bán quy đổi sang tiền đồng trước đây.

Nhu cầu vàng sẽ tăng lên, trong khi cung vàng trên thị trường khan hiếm do nguồn cung vàng từ phía ngân hàng (doanh nghiệp vay vàng từ ngân hàng để bán ra) đã bị chặn lại bở Thông tư 22. Tuy vậy, nhiều người hy vọng thời hạn để tất toán các hợp đồng là đủ dài để không tạo ra những đợt sóng quá lớn trên thị trường này.

* Theo thông tin ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trả lời báo chí ngày 28-10, hiện có 23 tổ chức tín dụng huy động và cho vay bằng vàng. Tính đến cuối tháng 9-2010, số dư huy động bằng vàng là 92,6 tấn, tương đương 73.000 tỉ đồng, và các tổ chức tín dụng đã cho vay 60% số vốn huy động bằng vàng.

Theo Minh Phương

TBKTSG

CafeF

Đọc thêm