Giá vé giảm sâu, tàu Tết vẫn lo ế khách

(PLVN) - Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID–19, ngành đường sắt đã giảm giá vé tới 40% nhưng lượng khách đặt vé tàu Tết mới chỉ đạt khoảng 20%.
Trong ngày đầu mở bán vé tàu Tết, ga Hà Nội chỉ lác đác vài ba hành khách. (Ảnh Vân Anh)

Nhiều ưu đãi, vé bán ra vẫn chậm

Để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, hiện ngành đường sắt đang mở bán vé đối với 4 đôi tàu Thống Nhất SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 và một đôi tàu Đà Nẵng - Sài Gòn SE21/22, cung cấp hơn 36.000 chỗ. Khách có thể mua vé trực tiếp tại các cửa bán vé trong các ga đường sắt hoặc qua các đại lý bán vé tàu hỏa của Đường sắt Việt Nam, mua qua Tổng đài hoặc mua trực tuyến.

Hiện tại, dù đã trải qua hơn một tháng kể từ ngày mở bán nhưng sức mua vé tàu Tết vẫn còn rất yếu ớt. Phòng bán vé ở nhiều tỉnh, thành vắng vẻ. Điển hình như đến nay ga Hà Nội mới bán được hơn 300 vé tàu Tết, bằng 1/5 so với thời điểm mọi năm, tại ga Đà Nẵng còn “buồn” hơn khi chỉ bán được hơn 50 vé tàu... Tổng ngành đường sắt mới bán được khoảng 6.900 vé cho khách đi tàu dịp Tết Nguyên đán, đạt gần 20% tổng số vé cần bán.

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, chỉ trong 10 ngày đầu mở bán vé, các đơn vị trên cả nước có thể bán ra tới 20.000 vé, thu về khoảng hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, điều này chỉ còn trong ký ức, mặc cho VNR đã áp dụng nhiều ưu đãi chưa từng có.

Cụ thể, hành khách mua vé tập thể được giảm giá tùy theo số lượng khách trong đoàn và thời gian mua trước ngày đi tàu được áp dụng với các đoàn tàu Thống Nhất số chẵn chạy trong giai đoạn từ ngày 20/1-25/1/2022 và tàu số lẻ từ 13/2-28/2/2022.

Cùng với đó, chính sách giảm giá vé tập thể cũng được áp dụng đối với hành khách đi tàu Thống Nhất chạy vào các ngày từ Thứ Năm đến Chủ nhật hàng tuần, tàu khu đoạn số chẵn chạy các ngày Thứ Năm, Thứ Sáu và tàu khu đoạn số lẻ chạy Thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.

Theo đó, khách mua vé tập thể sẽ được giảm đến 13%, hành khách mua vé cá nhân xa ngày đi tàu còn được giảm tới 40%, giảm 5% giá vé khứ hồi lượt về... Hành khách là sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đi tàu từ ngày 20/1-28/2/2022 sẽ được giảm 20%, trong khi theo quy định hiện hành chỉ được giảm 10%.

Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh, ngành đường sắt còn áp dụng việc bán vé nguyên khoang, nguyên toa đến hết ngày 28/2/2022 cùng chính sách giảm giá từ 10% đến 15%. Đặc biệt, sẽ không giới hạn cự ly, hành khách mua vé chặng ngắn hơn 300km vẫn mua được vé nguyên khoang, nguyên toa (khoang 4 giường và khoang 6 giường) cùng các chính sách ưu đãi kèm theo.

Thậm chí, những hành khách này nếu có nhu cầu đưa, đón tại nhà thì ngành đường sắt cũng sẽ đáp ứng. Cùng với đó, hành khách khi sử dụng dịch vụ cũng được cung cấp suất ăn miễn phí... Để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, các nhà ga cũng sẽ bố trí phòng đợi hoặc khu vực chờ tàu riêng, bố trí lối đi riêng khi lên xe, xuống tàu.

Theo hướng dẫn phòng chống dịch, khách đi tàu hiện không cần xét nghiệm nCoV nếu từ vùng xanh, vàng, cam; chỉ thực hiện nếu từ vùng đỏ, vùng phong tỏa hoặc có yêu cầu điều tra dịch tễ. Người tiêm đủ liều vaccine và F0 khỏi bệnh cần xét nghiệm trong 72 giờ khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn dịch ở cấp 4 hoặc vùng phong tỏa. Ngoài ra, người đi cần xét nghiệm y tế khi sốt, ho, mệt mỏi, đau họng...

“Bóng đen” dịch bệnh

Vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, có khoảng 70.000 vé tàu hỏa chưa bán được trong tổng số khoảng 200.000 vé tàu được đưa ra để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Không chỉ có vậy, do tình hình dịch bệnh, nhiều hành khách sau khi mua vé tàu còn trả lại do lo sợ dịch bệnh bùng phát sau Tết. Điều này đã khiến cho ngành đường sắt liêu xiêu, và năm nay, tình hình cũng không có dấu hiệu khả quan hơn.

Theo đánh giá của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, do ảnh hưởng dịch bệnh mà ngay từ tháng 10/2021, phần lớn người dân tại TP HCM và các tỉnh phía Nam đã về quê, trong đó có các chuyến tàu chuyên biệt. Hành khách là sinh viên hiện tại cũng giảm nhiều do áp dụng hình thức học trực tuyến.

Đến hiện tại, nhiều người vẫn chưa quay trở lại làm việc, số người còn trụ lại cũng mang tâm lý ngập ngừng, xem xét diễn biến dịch bệnh, công việc ra sao rồi mới quyết định có về quê ăn Tết hay không. Cùng với đó, ở nhiều địa phương vẫn áp dụng quy định kiểm soát người ngoài tỉnh về quê. Trong đó, nhiều tỉnh, thành có yêu cầu người về quê phải cách ly tập trung hoặc tại nhà, như vậy sẽ dễ xảy ra tình trạng mua rồi hủy vé.

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, việc bán vé tàu Tết có thể sẽ không đem lại doanh thu, thậm chí sẽ lỗ, nhưng doanh nghiệp sẽ vẫn chạy. Bởi vì, dù doanh nghiệp không chạy nhưng sẽ vẫn phải mất các khoản chi phí cố định để duy trì bộ máy, bảo dưỡng phương tiện, trả lương nhân viên... Do đó, nếu chạy dù có lỗ thì cũng sẽ bù đắp được một phần nào chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra.

Đọc thêm