Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đồng ý và xin ý kiến về việc tăng chi phí kinh doanh xăng dầu. Vậy giá xăng sẽ giảm hay tăng?
Cục diện thị trường
Đối với thị trường xăng dầu thành phẩm, theo bảng giá của Petrolimex ngày 11/5 thì tại Singapore, giá xăng A92 giảm còn ở mức hơn 128USD/thùng, trong khi giá các mặt hàng dầu tăng nhẹ.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 4/2011, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã đề xuất tăng giá xăng, sau khi đã tăng giá mạnh mặt hàng này hồi cuối tháng 3/2011. Bên cạnh động thái này, các DN tiếp tục kêu kinh doanh lỗ đối với mặt hàng xăng dầu.
Thậm chí đại diện một DN kinh doanh xăng dầu lớn còn khẳng định trước biến động nhanh chóng của giá xăng dầu nhập khẩu, giá trong nước hiện tại chỉ bằng khoảng 70% giá thành thực tế(?).
Nếu nói như vậy thì phải chăng các DN sẽ còn tiếp tục tăng giá xăng dầu? Và phải chăng nếu để tăng đúng thêm 30% giá thành nữa thì giá bán xăng dầu sẽ phải lên tới gần 30.000đ/lít thì các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối mới thỏa mãn các điều kiện về giá thành?
Các DN còn cho rằng chi phí kinh doanh xăng dầu hiện cũng rất thấp và lạc hậu. Đồng thuận với đề xuất này của DN, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về khả năng tăng chi phí kinh doanh xăng dầu. Đại diện bộ này cho rằng chi phí kinh doanh xăng dầu hiện ở mức 600 đồng và 400 đồng/lít. Mức này được thực hiện từ đầu năm 2009 và là mức được xây dựng dựa trên căn cứ vào thực tế sản xuất kinh doanh của năm 2008.
Vì thế, dự thảo do Bộ này soạn thảo đề xuất tăng chi phí bán lẻ xăng dầu bình quân từ 600 lên 860 đồng/lít và chi phí bán buôn từ 400 lên 500 đồng/lít - tương ứng với mức tăng lần lượt là 43% và 25%. Có ý kiến cho rằng dường như các DN vẫn ta thán nhằm tạo đà cho việc tăng giá mặt hàng nhạy cảm này.
Không nên tăng và cần minh bạch
Trên thực tế, mặt hàng kinh doanh xăng dầu đang từng bước vận hành theo cơ chế thị trường - có nghĩa là sẽ có sự tăng và giảm tương ứng với biến động giá thị trường thế giới. Vì thế, trước việc giá dầu thô cũng như giá xăng thành phẩm đang có xu hướng giảm thì DN kinh doanh xăng dầu đầu mối không nên tăng giá.
Cùng quan điểm này, các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu DN kinh doanh xăng dầu tăng chi phí kinh doanh và tăng giá bán xăng dầu thì sẽ đẩy kinh tế vĩ mô và lạm phát lún sâu vào những bất lợi và vòng xoáy tăng giá.
Theo PGS - TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, trong bối cảnh lạm phát còn cao, không nên tăng giá xăng dầu lúc này nhằm ngăn chặn từ xa cơn sốt lạm phát tâm lý, ảnh hưởng không tốt đến việc kiểm soát lạm phát.
Một trong những điểm đáng lưu ý nữa là tại bản tin thị trường xăng dầu số 28 do Petrolimex phát hành ngày 9/5 cho biết: Giá bán diesel tại Việt Nam là 21.100 đồng/lít trong khi Công ty PTT của Thái Lan bán với giá 29,99 baht/lít (tương ứng mức giá 21.135 đồng/lít). Điều đó có nghĩa là giá bán tại Việt Nam là 21.100đ/lít thì chỉ thấp hơn Thái Lan 35 đồng/lít - đây có thể coi là mức tiệm cận giá khu vực.
Riêng đối với giá xăng, các DN cho rằng giá bán lẻ hiện nay vẫn còn thấp hơn từ hơn 2.000đ - gần 5.000đ/lít so với các nước trong khu vực cũng là cách so sánh chưa phù hợp. Chưa hết, theo bản tin giá cơ sở của Petrolimex chốt số liệu ngày 29/3 (thời điểm tăng giá bán lẻ), khi đó giá xăng A92 tại Singapore là hơn 118USD/thùng thì kết cấu giá cơ sở là 21.379đ/lít đã bao gồm các loại thuế, chi phí cùng định mức lợi nhuận 300đ/lít.
Như vậy với diễn biến giá cả hiện nay, các chuyên gia cho rằng DN vẫn có lãi chút ít, hoặc chí ít có “ăn” vào định mức lợi nhuận thì cũng không bị lỗ như từng kêu ca.
Một vấn đề mà số đông chuyên gia và người dân phản ứng là việc nếu như trước đây Petrolimex cung cấp “bản tin giá cơ sở” như một “công thức tính giá xăng dầu”, đến nay DN này đột ngột hủy bỏ. Việc không tiếp tục “giúp thuận tiện trong việc tra cứu, cập nhật thông tin và không bị động khi DN đầu mối điều chỉnh giá bán theo Nghị định 84” như mục tiêu ban đầu đã khiến phát sinh mối hoài nghi về sự minh bạch về kết cấu giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng DN cũng cần minh bạch việc tiết giảm chi phí kinh doanh như yêu cầu của Bộ: Công Thương - Tài chính, đồng thời minh bạch việc sử dụng quỹ bình ổn giá.
Theo Dân trí