'Giải bài toán' để doanh nghiệp bán lẻ Việt giữ được 'vị thế sân nhà'

(PLVN) - Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là khốc liệt, doanh nghiệp (DN) phân phối thuần Việt vẫn còn gặp nhiều khó khăn ngay trên “sân nhà”. Vậy làm thế nào để DN Việt có thể vươn lên, làm chủ thị trường? PLVN đã phỏng vấn TS. Lê Việt Nga, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
Bà Lê Việt Nga - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam.

Bà có thể đưa ra một vài nét khái quát về bức tranh ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay?

- Từ khi đất nước mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là từ khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hệ thống phân phối Việt Nam (bao gồm cả bán buôn, bán lẻ, đại lý thương mại hàng hóa và nhượng quyền thương mại) đã từng bước hiện đại hóa, tiệm cận với chuẩn mực của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Tính đến hết năm 2022, số lượng hệ thống phân phối thuần Việt có 1.241 siêu thị và 258 trung tâm thương mại.

Tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có khoảng 1.550 cơ sở bán lẻ các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó, có 112 cơ sở bán lẻ FDI có quy mô lớn thuộc loại hình siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại. Doanh nghiệp FDI phát triển mạng lưới cơ sở bán lẻ mạnh nhất là Central Retail, tiếp đó là MM Mega Market, Lotte Mart, Aone…

Các DN bán lẻ nước ngoài nhìn chung đều là các tập đoàn lớn, có thế mạnh tài chính, công nghệ quản lý hiện đại và dịch vụ chất lượng cao nên hoạt động kinh doanh phân phối hàng hoá của họ đạt hiệu quả cao. Thời kỳ 2007 - 2022, doanh thu bán lẻ hàng hoá của khu vực kinh tế có vốn FDI tăng 40,65 lần, trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ tăng 6,72 lần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hoá của khu vực kinh tế có vốn FDI bình quân 26,29%/năm trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 13,49%/năm.

Nhưng đến cuối năm 2024, các hệ thống phân phối do DN Việt Nam sở hữu đã chứng minh sự lớn mạnh không ngừng của mình thông qua các con số ấn tượng, điển hình là 3 DN phân phối uy tín về bán lẻ, gồm Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op); WinCommerce (thuộc Tập đoàn Masan) và Bách Hoá Xanh (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di động), trong đó, Saigon Co.op là một trong ba đơn vị bán lẻ tạp hoá nội có thị phần lớn nhất Việt Nam, xét theo doanh thu.

Tuy nhiên, thị phần của khu vực kinh tế trong nước trong kênh bán lẻ hiện đại có xu hướng giảm, từ 88,14% năm 2007 giảm xuống 74,19% năm 2015 và xuống còn 70,23% năm 2022.

Theo bà, DN phân phối Việt gặp phải những khó khăn nào khi phải cạnh tranh với DN FDI ngay trên “sân nhà”?

- DN Việt có một số khó khăn đặc thù như phải vay vốn kinh doanh với lãi suất cao hơn nhiều so với các DN FDI vay từ chính quốc của họ; Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để quản trị hệ thống về tài chính, quản lý chất lượng hàng hóa, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tối ưu hóa logistics,… Thiếu kinh nghiệm và quan hệ (so với các DN FDI có mạng lưới toàn cầu) để kết nối các đối tác và thiết lập hệ sinh thái duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bền vững cho cơ sở phân phối, gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Cùng với đó lại chịu sức ép từ sự mở rộng của các FDI bán lẻ gây sức ép đối với bán lẻ trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh; Đối diện làn sóng mở rộng hệ thống phân phối từ các DN thương mại điện tử (TMĐT) và TMĐT xuyên biên giới.

Hệ thống phân phối bán lẻ của Doanh nghiệp Việt có nhiều phát triển nhưng vẫn còn không ít khó khăn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Người lao động)

Vậy theo bà, giải pháp để có thể xây dựng những hệ thống phân phối lớn thuần Việt tại Việt Nam là gì?

- Trên nền tảng đã có các hệ thống phân phối quy mô lớn và hiện đại của những DN Việt Nam tiên phong, các giải pháp để tiếp tục hỗ trợ các DN lớn mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đặc biệt là giải pháp về hoàn thiện thể chế, cần có tính thực tiễn, đột phá, thích ứng nhanh nhạy với tín hiệu thị trường và phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nước ta.

Việc xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển lực lượng nòng cốt là các tập đoàn, DN phân phối trong nước có quy mô lớn, có hệ thống phân phối hiện đại với vai trò dẫn dắt thị trường để định hướng sản xuất và tiêu dùng có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp bách.

Trước mắt, cần khẩn trương cụ thể hóa các Luật có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại theo tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa; đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; Cương quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, không tạo ra hệ sinh thái “xin - cho”; Cương quyết cắt bỏ các thủ tục rườm rà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, tiềm ẩn tạo tham nhũng vặt.

Tiếp tục đẩy mạnh thực thi và xây dựng mới cơ chế, chính sách, pháp luật, đối sách mới để bảo vệ thị trường phân phối trong nước, tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển và phù hợp với các cam kết quốc tế. Tập trung vào giải quyết các vấn đề cạnh tranh đang nổi cộm tại thị trường trong nước giữa các kênh phân phối (đặc biệt là trên không gian mạng và tại các chợ truyền thống), tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực phân phối, bảo vệ người tiêu dùng. Ban hành các chiến lược về phát triển ngành phân phối Việt Nam (bán buôn, bán lẻ) trong tình hình mới…

Trân trọng cảm ơn bà!

Đọc thêm