Theo Đông y, sả là dược liệu có vị the, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, sát khuẩn, chống viêm, hạ khí, thông tiểu, tiêu đờm.
Trên thực tế, sả có rất nhiều tác dụng như kích thích tiêu hóa, chữa các chứng bội thực, đau bụng đi cầu lỏng, nôn ọe. Sả giúp các bà bầu giảm cảm giác buồn nôn bằng cách lấy củ sả bằm nhỏ hãm với nước sôi uống hằng ngày. Đặc biệt, sả giải độc rượu rất nhanh. Có thể dùng một bó sả giã nát, thêm nước lọc, gạn lấy một chén. Người say rượu nặng uống vào sẽ nhanh chóng tỉnh và đỡ mệt, đỡ nhức đầu.
Sả còn chữa được cảm cúm. Cách làm là nấu nồi nước xông gồm lá sả, lá tre, lá bưởi (hoặc lá chanh), lá tía tô, lá hương nhu để xông. Xông xong, lau khô mồ hôi, đắp chăn nằm một lúc. Xông hơi sẽ làm mồ hôi ra nhiều, do đó không nên xông quá 10 phút và những người cơ thể suy nhược không nên xông.
Lá sả có mùi thơm đặc biệt, trừ được ruồi muỗi, rắn rết. Sả còn dùng để tẩy mùi hôi ở những nơi ô nhiễm; sả vừa có mùi hương, vừa có tác dụng diệt khuẩn tốt. Lá sả đun nước gội đầu giúp tóc mượt và ít rụng. Còn nấu nước lá sả tắm hằng ngày là cách điều trị cho trẻ em bị mụn nhọt, lở ngứa. Sả dùng ngoài có tác dụng sát trùng, tinh dầu sả phối hợp với nhiều loại tinh dầu khác dùng xoa bóp, làm giảm đau xương, nhức mỏi.
Về phương diện ẩm thực, sả là một gia vị quen thuộc được dùng ăn sống hoặc tẩm ướp cho thơm các món ăn được chế biến từ thịt heo, thịt chó...
Hoàng Việt