Giải được bài toán trách nhiệm, cuộc đời dân đỡ khổ hơn nhiều

(PLVN) - Đất nước chúng ta có những chuyện thật kỳ, thật ngộ; từ những chuyện tưởng như “móng tay” đến những chuyện rất lớn của bộ máy, cán bộ, công chức.
Đường sắt đô thị Hà Đông – Cát Linh. Ảnh minh họa
Đường sắt đô thị Hà Đông – Cát Linh. Ảnh minh họa

Phải nói là, rất, rất nhiều thứ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày liên quan tới bộ máy công quyền. Và chắc ai cũng tự hỏi giá như bộ máy, vốn rất cồng kềnh, nặng nề phải vắt kiệt tài nguyên, dân còng lưng để nuôi, những người đại diện là cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp hơn, trách nhiệm hơn thì rất nhiều thứ sẽ tốt hơn, cuộc đời dân đỡ khổ hơn nhiều.

Liên quan đến tai nạn giao thông trên quốc lộ (QL5) đoạn qua Hải Dương, trên báo chí có bài viết: “Vì sao QL5 ngày càng ‘nhức nhối’ về tai nạn giao thông?” Xin thưa, có nguyên nhân do “lịch sử” để lại là chúng ta “phố hóa” QL (QL5 cũ có thời được gọi là cao tốc), có nguyên nhân do ý thức tham gia giao thông, hạ tầng và vận tải không bảo đảm an toàn giao thông thì có vấn đề về trách nhiệm.

Sau 3 ngày xảy ra vụ tai nạn mới làm chết nhiều người ở “điểm đen” này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể mới yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) phối hợp với đơn vị khai thác QL5 khẩn trương khảo sát mặt đường qua địa bàn huyện Kim Thành, tiến hành lắp đặt các thiết bị phản quang, gờ giảm tốc tại các lối mở ra QL5. Những lối mở không cần thiết ông Thể yêu cầu phải đóng lại và những lối có nhiều người dân, xe cộ đi lại thì khẩn trương nghiên cứu, đề xuất làm cầu vượt. 

Ngoài ra, ông yêu cầu Tổng cục ĐBVN rà soát toàn bộ hệ thống quốc lộ trên cả nước, nhất là quốc lộ có lưu lượng lớn, khu công nghiệp, đô thị để xem xét cắm biển báo, đèn tín hiệu, đường gom, cầu vượt để nâng cao an toàn cho người dân. Đáng ra việc này, Tổng cục ĐBVN phải làm từ lâu. Nhắc lại một chút, từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố đều có ban chuyên trách về ATGT cả đấy, Không biết hàng ngày họ làm gì?

Rồi dự án đường sắt đô thị Hà Đông – Cát Linh đã và đang khiến chúng ta lâm cảnh nợ nần chồng chất bởi nhiều lí do, từ việc quản lý, sử dụng vốn ODA vào lĩnh vực chưa hợp lý; trình độ quản lý, kinh nghiệm điều hành dự án kém và không loại trừ cả việc thất thoát, lãng phí quá lớn. Vì sao ra nông nỗi này? Ai chịu trách nhiệm? Lấy tiền đâu để trả lãi hàng năm? Đấy là những câu hỏi lớn mà dư luận cũng như đại biểu Quốc hội đang đặt ra. Dường như người dân đã quá quen với những câu trả lời “cố gắng làm hết trách nhiệm”. Rồi câu chuyện xả nước hồ Tây “cuốn phăng” thí nghiệm của các nhà khoa học Nhật Bản cũng bị “phủi” trách nhiệm.

Rất rõ là trong thực tế, tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của bộ máy công quyền còn quá thấp, không đáp ứng yêu cầu. Sẽ là thảm họa khi bộ máy công quyền vừa không chuyên vừa không có trách nhiệm. Có trách nhiệm mà không chuyên hoặc rất chuyên nhưng lại vô trách nhiệm thì hệ quả cũng khôn lường.  Không giải quyết được “bài toán” trách nhiệm, chỉ hô hào bằng nghị quyết thì Nhà nước “của dân, do dân, vì dân” mãi mãi vẫn chỉ là những câu khẩu hiệu. Và người dân sẽ thấy vô cảm. 

Đọc thêm