Salma sau đó kể lại trải nghiệm của mình với các nhà nghiên cứu đang tiến hành một cuộc khảo sát về chứng bóng đè (sleep paralysis), một hiện tượng phổ biến nhưng có phần khó lí giải. Tới 40% mọi người thông báo từng trải nghiệm hiện tượng ngủ dậy và cảm thấy không nhúc nhích được như vậy vào thời điểm nào đó trong cuộc đời họ. Và một vài người, giống như Salma, còn bị ảo giác về một kẻ xâm nhập đáng sợ nào đó đè lên người mình.
Các nhà nghiên cứu cho biết, hiện tượng bóng đè xảy ra khi một người thức dậy trong giai đoạn ngủ động mắt nhanh (REM). Trong giai đoạn ngủ này, mọi người thường đang mơ, nhưng các cơ của họ gần như bị tê liệt - đây có thể là một sự thích nghi tiến hóa, nhằm ngăn cản con người hành động trong khi mơ.
Rất khó để lí giải tại sao một số người trải nghiệm chứng bóng đè cảm thấy một đối tượng đe dọa nào đó trong phòng của họ hoặc đè lên ngực họ. Tuy nhiên, một giả thuyết cho rằng, ảo giác có thể là cách bộ não loại bỏ sự rối loạn, khi có sự xáo trộn trong vùng não nắm giữ bản đồ thần kinh về cơ thể hoặc "bản thân", theo chuyên gia thần kinh học Baland Jalal thuộc Đại học California (Mỹ).
Ông Jalal giải thích, có thể, trong quá trình xảy ra hiện tượng bóng đè, các thùy đỉnh giám sát các tế bào thần kinh trong bộ não đang phát đi mệnh lệnh cử động, nhưng không phát hiện bất kỳ dịch chuyển thực tế nào ở các chi, vốn đang bị tê liệt tạm thời. Điều này có khả năng dẫn đến sự nhiễu loạn trong cách bộ não tạo dựng cảm giác về hình ảnh cơ thể. Sự xuất hiện của kẻ xâm nhập giường ngủ có thể do bộ não cố gắng chiếu hình ảnh cơ thể của chủ nhân vào một đối tượng bị ảo giác.
Ông Jalal nói, ý tưởng trên dù khá thú vị nhưng rất khó để kiểm chứng. Một cách để thu thập các bằng chứng chỉ rõ điều này có phải là những gì đang xảy ra bên trong bộ não hay không, sẽ là kiểm tra những người có các hình ảnh cơ thể cá biệt. Chẳng hạn như, nếu ý tưởng trên là đúng, những người bị mất một tay/chân có thể ảo giác về những người cùng bị mất tay/chân đó.
Tuy nhiên, theo ông Jalal, những người sở hữu các hình ảnh cơ thể cá biệt như vậy nhiều khả năng chỉ là một nhóm nhỏ dân số, nên rất khó tiến hành thử nghiệm kiểm chứng như trên.
Ngoài ra, cũng có khả năng là, các trải nghiệm bóng đè khác nhau của mọi người bắt nguồn từ những khác biệt trong tín ngưỡng văn hóa của họ. Nghiên cứu trước đây từng hé lộ, các quan điểm nhất định trong các nền văn hóa của con người có thể định hình cách chúng ta trải nghiệm những hiện tượng cụ thể.
Chẳng hạn như, trong một nghiên cứu đăng tải năm 2013 trên tạp chí Cultural, Medicine, and Psychiatry, ông Jalal và đồng nghiệp Devon Hinton thuộc Trường Y Havard đã xem xét tỉ lệ bóng đè và mức độ stress mà mọi người cảm thấy vì trải nghiệm đó ở 2 nền văn hóa khác nhau: Ai Cập và Đan Mạch. Kết quả cho thấy, so với người dân Đan Mạch (một trong những đất nước có nhiều người theo thuyết vô thần nhất thế giới), những người ở Ai Cập (một nền văn hóa sùng đạo) trải nghiệm chứng bóng đè thường xuyên hơn, lâu dài hơn với nỗi sợ chết vì trải nghiệm đó lớn hơn.
Các chuyên gia kết luận, những người tin vào các thế lực siêu nhiên có xu hướng trải nghiệm chứng bóng đè lâu hơn và sợ hãi hơn khi xảy ra hiện tượng đó. Nỗi sợ được cho là thậm chí có thể góp phần làm tăng tính nghiêm trọng của chứng bóng đè và ngược lại.