Với Festival Huế 2006, là Đêm Hoàng Cung, Festival Huế 2008 là Huyền thoại sông Hương, và Festival 2010, đạo diễn Lê Quý Dương lại tiếp tục đóng góp cho Huế một chương trình nghệ thuật tầm vóc với tên gọi Hành trình mở cõi. Tâm nguyện của anh là muốn truyền tới cho khán giả cảm xúc mãnh liệt về chính dân tộc của mình.
|
Đạo diễn Lê Quý Dương |
Thưa đạo diễn Lê Quý Dương, sau câu chuyện của đêm Hoàng Cung lung linh huyền bí, sau cuộc hành trình lãng mạn được kể bằng “màu thời gian tím ngắt” trên dòng sông Hương, khán giả sẽ được thưởng thức điều thú vị gì ở “Hành trình mở cõi” trong Festival này?
|
Đêm hoàng cung - dấu ấn đặc biệt của Festival Huế |
- Điều thú vị nhất ở Đêm hội này là cảm xúc mãnh liệt của chúng ta về chính dân tộc của mình. Một dân tộc không chịu khuất phục áp bức bất công và luôn đầy lòng nhân ái vị tha để tiến về phía trước.
Sân khấu của chương trình là toàn bộ tổng thể không gian Kỳ Đài Huế rộng gần 450 m với 5 tầng sân khấu từ mặt nước Hộ Thành Hào tới chân cột cờ để dàn dựng chương trình. Có lẽ đó sẽ là một tổng thể sân khấu lớn nhất từ trước tới nay nhưng sẽ không tốn kém quá nhiều kinh phí bởi chính Kỳ Đài Huế đã là một sân khấu lớn nhất và đẹp nhất rồi.
Tôi cảm thấy ở Kỳ Đài Huế một sự hội tụ mạnh mẽ trữ lượng văn hóa còn rất nhiều tiềm ẩn của cố đô Huế. Chương trình sẽ được dàn dựng công phu với việc kết hợp nghệ thuật biểu diễn truyền thống của dân tộc và nghệ thuật sắp đặt hiện đại vốn là sở trường của tôi.
Độc giả Pháp luật Việt Nam Chủ nhật rất muốn được nghe anh kể qua về nội dung của chương trình.
- “Hành trình mở cõi” là câu chuyện đầy tính sử thi và lãng mạn của cha ông chúng ta, từ đám cưới của Huyền Trân Công Chúa với Vua Chăm năm 1306 tới thời đại Hồ Chí Minh hôm nay với khát khao mãnh liệt của gần 1000 năm lịch sử được toàn vẹn chủ quyền độc lập dân tộc và thống nhất non sông, hội nhập và phát triển cùng thế giới.
“Hành Trình Mở Cõi” được xây dựng trên hệ thống các sự kiện lịch sử của ba thời đại.
Thời đại nhà Trần với sự kiện Huyền Trân Công Chúa kết hôn với vua Chăm mở ra mối bang giao và sự hình thành của châu Ô châu Lý trong bản đồ của dân tộc.
Thời đại nhà Nguyễn với cuộc hành trình đầy khó khăn vất vả của Nguyễn Hoàng, với công lao to lớn của Nguyễn Huệ - Quang Trung đánh tan 5 vạn quân Xiêm và 20 vạn quân Thanh và công lao khôi phục lại các triều đại nhà Nguyễn của vua Gia Long, lập tên nước là Việt Nam vào năm 1804.
Thời đại Hồ Chí Minh với những chiến công hiển hách để hôm nay tất cả chúng ta có được một tổ quốc thiêng liêng và trọn vẹn.
Anh cũng là đồng tác giả kịch bản và Tổng đạo diễn của hai lễ hội lớn là Đêm Hoàng Cung và Huyền Thoại Sông Hương, anh có thể cho biết năm nay hai lễ hội này sẽ có nét gì mới?
|
Lung linh Huyền thoại sông Hương |
- Lễ hội “Đêm Hoàng Cung” và Lễ hội “Huyền Thoại Sông Hương” đã trở thành một nét không thể thiếu được trong kho tàng văn hóa phi vật thể của Huế hôm nay.
Tôi đang phối hợp chặt chẽ cùng với những người tâm huyết nhất với di sản văn hóa Huế để duy trì và sáng tạo những nét độc đáo mới lạ cho hai lễ hội này.
Hy vọng trong Festival Huế 2010, với tinh thần tiết kiệm tối đa có thể kinh phí thực hiện, chúng tôi vẫn hy vọng sẽ làm hài lòng du khách đến với chương trình.
Không chỉ là Tổng Đạo diễn của ba lễ hội lớn, được biết anh còn mang đến với Festival Huế 2010 một chương trình nghệ thuật thử nghiệm đặc sắc của Úc?
- Tôi luôn tin rằng truyền thống luôn phải song hành với hiện đại, dân tộc phải song hành với quốc tế. Nếu như trong các lễ hội tôi muốn giới thiệu những gì tinh túy nhất trong kho tàng văn hóa nghệ thuật truyền thống của Huế với du khách bốn phương, thì trong chương trình nghệ thuật thử nghiệm, tôi muốn giới thiệu với khán giả trong nước những nét mới lạ nhất của sáng tạo nghệ thuật hiện đại quốc tế.
Chương trình sẽ được kết nối giữa một vở diễn sân khấu của các diễn viên trẻ người Úc với phần biểu diễn nhạc điện tử và video của nhạc sỹ nổi tiếng thế giới Darrin Verhagen. Hiện thực cuộc sống đôi khi chỉ là cái chúng ta cảm nhận qua các giác quan. Nhưng hiện thực nghệ thuật đôi khi còn cả là những gì chúng ta khát khao mơ ước và cả những gì chúng ta muốn nâng niu hay chối bỏ.
Tâm trạng của anh đến Huế lần này có gì khác với những lần trước?
- Tôi về nước năm 2005 và được mời tham gia dàn dựng ngay trong Festival Huế 2006. Đối với tôi, cảm xúc về Huế luôn là một sự tri ân to lớn với mảnh đất và những con người đã giang tay đón mình một cách trân trọng để mình được chia sẻ những sáng tạo đầy tâm tư của mình với cộng đồng.
Huế còn nhiều khó khăn hơn là chúng ta tưởng. Nhưng Huế cũng giàu hơn tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng bởi di sản văn hóa Huế với tất cả vẻ đẹp của nó không phải nơi đâu trên trái đất này cũng có.
Tôi cảm phục đất Huế và người Huế hôm nay vẫn gần như giữ trọn vẹn bản sắc và các giá trị của mình trước những dòng xâm thực văn hóa và chủ nghĩa toàn cầu.
Được mệnh danh là “đạo diễn của các lễ hội”, nhưng hình như dạo này anh ít gắn bó nhiều với các lễ hội?
- Tôi không nhận lời làm nhiều thì đúng hơn. Tôi lựa chọn rất kỹ những lời mời. Tôi không muốn mình sẽ có tội với nhân dân khi còn quá nhiều người nghèo thiếu, quá nhiều trẻ em không được học hành tới nơi tới chốn, trong khi nhiều lễ hội ở nhiều nơi được tổ chức một cách vô bổ, cẩu thả và thậm chí phản văn hóa.
Tôi chỉ nhận lời làm những chương trình mà tôi thực sự cảm thấy những chương trình đó hướng tới nhân dân và tự trong mình có cảm xúc. Có cảm xúc thì mới có ý tưởng tốt. Một lễ hội không có cảm xúc và ý tưởng tốt thì chỉ là sự sao chép cóp nhặt vụng về những giá trị sáng tạo của người khác.
Thời gian rỗi tôi dành cho các học trò của mình, truyền đạt và chia xẻ với họ cả những thành công và thất bại, những bài học trên ghế nhà trường ở nước ngoài và cả những kinh nghiệm thực tiễn quý báu mà tôi đã tích lũy được.
Vân Tùng (thực hiện)