Giãi mã những chuyện hoang đường về Hàn Mặc Tử

Một trong những mối tình thơ, nàng thơ của Hàn Mặc Tử là Mộng Cầm.  Người đẹp này là niềm cảm hứng thi ca và tên tuổi nàng đã đi vào nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử. Những câu chuyện tình huyễn hoặc giữa hai người đã trở thành giai thoại gây ra những cuộc tranh luận không dứt trong nhiều năm qua. Dư luận đương thời còn cho rằng chính từ những cuộc dạo chơi với Mộng Cầm mà Hàn bị nhiễm bệnh phong cùi.

Một trong những mối tình thơ, nàng thơ của Hàn Mặc Tử là Mộng Cầm. Người đẹp này là niềm cảm hứng thi ca và tên tuổi nàng đã đi vào nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử. Những câu chuyện tình huyễn hoặc giữa hai người đã trở thành giai thoại gây ra những cuộc tranh luận không dứt trong nhiều năm qua. Dư luận đương thời còn cho rằng chính từ những cuộc dạo chơi với Mộng Cầm mà Hàn bị nhiễm bệnh phong cùi.

Mối tình lãng mạng bi thương Hàn Mặc Tử – Mộng Cầm

Mộng Cầm là bút danh của cô gái tên Huỳnh Thị Nghệ, sinh năm 1917 tại Nghệ An, quê Quảng Ngãi.

Nghệ làm thơ từ rất sớm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 16 tuổi cô đã có thơ đăng ở báo Công Luận và báo Sài Gòn với bút hiệu Mộng Cầm.

Cũng chính trong thời điểm này, Hàn Mặc Tử từ Quy Nhơn vào Sài Gòn phụ trách trang văn chương cho các tờ Trong khuê phòng, Công Luận, Sài Gòn. Thỉnh thoảng Hàn nhận được những bài thơ ký tên là Mộng Cầm từ Phan Thiết gửi vào. Ông đã chọn đăng và xúc động trước tâm hồn thơ của cô gái trẻ, và để tâm tìm kiếm.

Thi xong sơ học, Mộng Cầm theo người cậu ruột ra làm việc tại bệnh viện Mũi Né. Một lần Mộng Cầm tình cờ đọc tờ báo Sài Gòn của một bệnh nhân đem đến có dòng nhắn tin: “Mộng Cầm em ở đâu, cho tôi biết địa chỉ - Hàn Mặc Tử”. Dòng chữ ngắn ngủi thực sự làm Mộng Cầm xúc động.

Chân dung nàng thơ Mộng Cầm thời trẻ
Chân dung nàng thơ Mộng Cầm thời trẻ

Đêm ấy cô thức suốt đêm suy nghĩ và viết thư hồi đáp. Đúng một tuần lễ sau, Hàn đi xe lửa ra Phan Thiết. Và tình yêu bắt đầu. Suốt mấy năm ròng, hàng tuần vào chiều thứ sáu, Mộng Cầm và Hàn mặc Tử lại gặp nhau.

Trong thời gian này, Hàn đã có những dấu hiệu bệnh nhưng ông không quan tâm, cho đó là bệnh thông thường. Khi bà Bút Trà xin được giấy phép ra báo Sài Gòn mới và mời Hàn về làm, ông mới quyết định điều trị bệnh để chuẩn bị sức khỏe cho công việc mới.

Mối tình tan vỡ khi Hàn có dấu hiệu bệnh phong, phải quay về Quy Nhơn. Mộng Cầm lập gia đình với người khác, trong lúc Hàn chơi vơi trong đau đớn bệnh tật và tan vỡ tình yêu.

Mối tình tan vỡ trong lưu luyến của cả hai và cả hàng triệu con tim bạn đọc yêu thơ được nâng niu tôn trọng như thế.

Thế nhưng 20 năm sau, đến năm 1961, trong bài trả lời phỏng vấn đăng ở tạp chí Phổ thông của nhà văn Nguyễn Vĩ, Mộng Cầm đã phủ nhận hoàn toàn chuyện tình cảm giữa mình và Hàn. Theo cách nói của bà, đó chỉ là tình yêu một chiều đơn phương của Hàn, còn bà chỉ xem ông như bạn.

Người đọc bàng hoàng hụt hẫng trước thái độ này, người ta càng thương cảm cho mối tình bi lụy của Hàn, và phần nào đó mất mát về hình ảnh đẹp của nàng thơ Mộng Cầm lãng mạn mà họ hằng ái mộ.

Bị lây bệnh sau lần mắc mưa nghĩa địa hay bị “hồn ma báo oán”?

Vì sao Mộng Cầm lại phủ nhận mối tình đẹp đã đi vào thơ ca, văn học của mình với Hàn? Có thể vì nhằm bảo vệ hạnh phúc của gia đình mình trong thời điểm ấy, trước những ám ảnh của bóng mây quá khứ. Nhưng cũng có thể do những dư luận đồn đoán quá cay độc về nguyên nhân khởi phát căn bệnh phong của Hàn được nhiều nguồn đưa ra.

Thời đó, người ta kể rằng một hôm từ Sài Gòn ra Phan Thiết, Hàn và Mộng Cầm đi dạo chơi ở lầu Ông Hoàng gần Mũi Né. Đến lúc chiều tối trở về, băng qua cánh đồng thì gặp cơn mưa giông. Cả hai chạy vào trú trong một căn chòi bên đường.

Mưa mỗi lúc một lớn, trời tối đen như mực. Từ trong căn chòi, hai người nhìn ra bên ngoài thấy có những quả cầu lửa màu xanh dưới đất vùn vụt bay lên. Những quả cầu lửa chớp tắt liên tục. Đồng thời lại nghe tiếng rền vang ầm ầm như ai lăn thùng sắt trên đường đá. Hai người rất hoảng sợ, ngồi ôm nhau run rẩy trong căn chòi.

Một lúc trời quang mây tạnh, bước ra khỏi nơi trú mưa thì mới biết mình đang ở cạnh những ngôi mộ ai mới chôn. Trở về Sài Gòn ít hôm, Tử thấy ngứa ngáy khó chịu trong người. Một thời gian thì nổi lên những vết đỏ như đồng xu ở trên lưng, sau lan dần ra khắp người. Căn bệnh phong xuất hiện từ đó.

Theo quan niệm mê tín, ấu trĩ của dư luận thời đó, bệnh phong là do nhiễm phải hơi dưới ngôi mộ mới bốc lên trong lúc mưa giông. Nhiều người tin điều đó là có thật nên càng trách Mộng Cầm nhiều hơn, rằng nàng đã gián tiếp đưa chàng đến chỗ bệnh tật rồi lại vội vã bỏ ra đi.

Ngoài ra, có một câu chuyện hoang đường khác cũng liên quan đến căn bệnh phong, được truyền tụng trong dân gian thời ấy. Đó là sự “báo thù” của những người chiến binh Chămpa chiến bại ở thành Đồ Bàn khi xưa chỉ nhắm vào những thanh niên đẹp trai, học giỏi.

Lời đồn đại này làm cho người dân thành phố Quy Nhơn thời ấy luôn sống trong hồi hộp lo âu. Lâu lâu ở thành Quy Nhơn, thấy vắng bóng một thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai là mọi người đồn đoán là anh ta vừa phát bệnh phong, phải đi trốn.

Lời đồn này đã có từ xa xưa, trở thành một truyền thuyết lưu truyền qua nhiều thế hệ. Người dân Bình Định, đặc biệt là Quy Nhơn, bao giờ cũng nơm nớp lo sợ sự báo thù ghê gớm của một “ma Hời”.

Cuối đời nhìn lại, thừa nhận tình yêu

Sau một thời gian dài im lặng, đến cuối đời, nàng thơ Mộng Cầm đã nhìn lại, đã không còn phủ nhận tình yêu với Hàn mà chân thành trân trọng nâng niu những hình ảnh những kỷ niệm và người yêu tài hoa bạc mệnh của mình.

Chân dung và bút tích nhà thơ Hàn Mặc Tử
Chân dung và bút tích nhà thơ Hàn Mặc Tử

Dzũ Kha, một kiến trúc sư, một người yêu thơ Hàn đến mức dành cả phần đời để sưu tầm hiện vật, thư từ di cảo và cả những ký ức về nhà thơ đã gặp lại Mộng Cầm và kể lại như sau:

“Đó là vào năm 1999, lúc này bà đã ở vào tuổi 83, nhưng còn khá mạnh khỏe và minh mẫn. Biết tôi là người yêu thơ Hàn, bà tâm sự với tôi rất nhiều về những kỷ niệm của bà với Hàn. Điều khá dễ thương, là cho đến bây giờ bà vẫn một “anh Trí”, hai “anh Trí” như thuở nào khi nói về Hàn Mặc Tử, khiến đôi lúc tôi cứ phải che miệng cười thầm.

Bà kể hằng tuần, Hàn vẫn đều đặn về Phan Thiết thăm bà. Hai người đã có những ngày tháng đầy mộng đẹp bên nhau. Họ đưa nhau đi khắp các vùng trời tình yêu.

Bà nói với lòng đầy thương cảm: “Tính anh Trí rất hiền hậu và nhút nhát, cả cái nắm tay cũng rụt rè…”. Nhưng có lẽ, chính vì thế, mà tình yêu của họ thơm nồng hương tinh khiết, đã thăng hoa vào thơ, thành niềm chan chứa nhớ thương”.

Bài thơ “Chan chứa” của Mộng Cầm gửi cho Hàn đã ra đời trong khoảng thời gian này. Xúc động với nỗi nhớ trào dâng, bà đã tự tay viết tặng Dzũ Kha bài thơ này làm kỷ niệm, nhắc nhiều đến những kỷ niệm của cái thuở ban đầu, cái thuở "xuân mỗi tuần".

Nay những người trong cuộc đều hóa thành thiên cổ nhưng câu chuyện tình đẹp của họ sẽ để lại cho đời những áng văn bất hủ, và lầu Ông Hoàng từ một phế tích hoang vu đã đi vào văn học, trở thành điểm du lịch hấp dẫn kỳ thú.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm