Sau thảm kịch máy bay bị bắn rơi trong vùng trời Ukraine khiến gần 300 hành khách thiệt mạng, chỉ ít ngày sau, hai máy bay lại liên tiếp rơi trong thời tiết mưa bão.
Chuỗi sự kiện hàng không bi thảm
Theo thống kê của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, trong năm ngoái chỉ có chưa đầy 1 trong 2 triệu chuyến bay kết thúc cuộc hành trình bằng một vụ tai nạn, ở mức độ máy bay bị hư hỏng đến mức không thể sửa chữa được. Con số này bao gồm cả những vụ việc liên quan đến các hãng hàng không chuyên chở hàng hóa, cho thuê và cả những chuyến bay chở khách đã được lên lịch trình từ trước.
Song, mọi việc đã diễn tiến khác hoàn toàn trong năm 2014. Đầu năm 2014, chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đột ngột biến mất và cho đến nay bí ẩn về số phận chiếc máy bay và 239 người có mặt trên nó vẫn chưa được giải đáp, dù hàng loạt các cuộc tìm kiếm quy mô lớn đã được tiến hành trong suốt một thời gian dài.
Nhưng đó không phải là sự việc nghiêm trọng nhất của năm 2014. Những bất hạnh tiếp tục ập đến, bắt đầu hôm 17/7, khi chuyến bay mang số hiệu MH17 cũng của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine với tổng cộng 298 người trên máy bay. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định được ai là người đã bắn tên lửa phá hủy nó. Giới chức Ukraine đổ lỗi cho phe nổi dậy thân Nga là thủ phạm và phía Mỹ cũng đã trưng ra các bằng chứng cho rằng đó có thể là sự thực. Ngược lại, phe ly khai cáo buộc chính quyền Ukraine mới là người phải chịu trách nhiệm trong vụ việc thảm khốc. Nga cũng bác bỏ khả năng dính líu đến vụ rơi máy bay.
Chỉ riêng hai vụ tai nạn nói trên của hãng hàng không Malaysia Airlines đã có tổng số người thiệt mạng cao hơn gấp đôi so với tỉ lệ tử vong của ngành hàng không toàn cầu trong năm 2013. Theo thống kê của Ascend – một công ty tư vấn trong ngành công nghiệp hàng không có trụ sở tại London, Anh – trong năm 2013 có tổng cộng 163 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn có liên quan đến các máy bay từ 14 chỗ trở lên.
Trong khi cả thế giới vẫn đang đổ dồn sự chú ý vào vụ rơi chiếc MH17 thì ngày 23/7, một chiếc máy bay của hãng hàng không TransAsia Airways tiếp tục bị rơi tại Đài Loan trong điều kiện thời tiết bão tố, 48 hành khách đã thiệt mạng, 10 hành khách và thành viên trong phi hành đoàn cùng 5 người trên mặt đất bị thương.
Tiếp nối chuỗi sự kiện chết chóc, chỉ một ngày sau đó, chiếc máy bay của hãng hàng không Air Algerie với 116 hành khách và thành viên phi hành đoàn cũng bị rơi trong điều kiện thời tiết bão lớn khi đang trên đường từ Burkina Faso tới thủ đô của Algeria. Chiếc máy bay thuộc biên chế của hãng hàng không Tây Ban Nha Swiftair. Ngay trong ngày 24/7, một quan chức của Burkina Faso cho biết, mảnh vỡ của máy bay đã được tìm thấy tại Mali. Đến ngày 25/7, Tổng thống Pháp Francois Hollande thông báo không một ai trong số những người có mặt trên chuyến bay mang số hiệu AH5017 đó sống sót.
Tổng cộng, những thảm họa nói trên đẩy con số người thiệt mạng do các tai nạn hàng không trong năm nay lên mức trên 700, con số cao nhất kể từ năm 2010. Và năm 2014 vẫn còn gần nửa năm nữa mới kết thúc.
Giải mã sự trùng hợp
Những sự việc nói trên khiến nhiều người tỏ ra lo ngại về sự an toàn khi sử dụng máy bay làm phương tiện di chuyển. Tuy nhiên, ông Harro Ranter – Giám đốc Mạng lưới an toàn hàng không, một tổ chức chuyên thống kê các vụ rơi máy bay – nói rằng, các chùm tai nạn máy bay như vậy không phải là điều bất thường. Trong vòng 13 ngày, kể từ ngày 16/8 đến 28/8/2010, đã có gần 70 người thiệt mạng trong 4 vụ tai nạn hàng không liên tiếp xảy ra tại Colombia, Nepal, Trung Quốc và Congo.
|
Những sự kiện vừa xảy ra không ngăn cản người dân di chuyển bằng đường hàng không |
Theo ông Ranter, phân tích số lượng và tần suất xảy ra các vụ tai nạn chết người ở máy bay có sức chở từ 14 hành khách trở lên từ năm 1990, ông phát hiện có 45 ngày xảy ra hai hoặc nhiều hơn các vụ rơi máy bay, trong đó có cả những vụ máy bay đâm nhau. Bên cạnh đó, 105 vụ việc tai nạn trong ngành hàng không đã xảy ra trong những ngày liên tiếp. Trên thực tế, ông Ranter cho rằng, việc vụ tai nạn này xảy ra chỉ một ngày sau một vụ tai nạn khác còn phổ biến hơn việc 2, 3 ngày sau mới xảy ra một vụ tai nạn khác.
Cùng chung quan điểm trên, ông Arnold Barnett – Giáo sư về thống kê tại Viện công nghệ Massachusetts - cũng khẳng định tần suất xảy ra các vụ tai nạn hàng không liên tiếp đó thực chất chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, trừ những lý do kỹ thuật như thời tiết khắc nghiệt với mưa, bão.
Tuy nhiên, ông Barnett cũng nhắc về giải thuyết phân phối Poisson, thuyết cho rằng những khoảng thời gian ngắn giữa các vụ tai nạn thực tế có thể xảy ra nhiều hơn so với những khoảng thời gian dài. “Giả sử trung bình xảy ra một vụ tai nạn chết người mỗi năm, nghĩa là khả năng xảy ra một vụ tai nạn vào một ngày bất kỳ là 1/365. Nếu có một vụ tai nạn xảy ra vào ngày 1/8 thì khả năng vụ tai nạn tiếp theo xảy ra một ngày sau đó, tức ngày 2/8, là 1/365. Nhưng khả năng xảy ra vụ tai nạn tiếp nữa vào ngày 3/8 lại là (364/365) x (1/365), vì vụ tai nạn tiếp theo sau ngày 1/8 chỉ xảy ra vào ngày 3/8 nếu không có vụ tai nạn nào xảy ra trong ngày 2/8” – ông Barnett nói. Kết quả của phép tính trên bằng 0,0027, thấp hơn so với khả năng xảy ra vụ tai nạn trong ngày 2/8. Ông Barnett nói rằng, khi mỗi ngày đi qua, khả năng xảy ra một tai nạn chết người lại giảm xuống. “Điều này nghe có vẻ không đúng với trực giác nhưng đó là kết quả theo tính toán của quy luật xác suất” – ông Barnett cho biết thêm.
Với việc xảy ra 3 vụ rơi máy bay chết người liên tiếp trong vòng 8 ngày, ông David Spiegelhalter – Giáo sư về phân tích nguy cơ cộng đồng tại trường Đại học Cambridge – chỉ ra rằng, có khoảng 6/10 khả năng chúng ta sẽ chứng kiện một loạt các thảm họa hàng không lớn trong vòng 10 năm tới và con số vụ rơi máy bay thương mại với trên 18 hành khách trong vòng 8 ngày là 3.
Hàng không vẫn an toàn nhất?
Mặc dù vậy nhưng theo tính toán của ông Barnett, tại các nước phát triển, nguy cơ thiệt mạng là 1/25 triệu mỗi chuyến bay. “Một đứa trẻ ở một sân bay ở Anh có tỉ lệ cơ hội lớn lên và trở thành thủ tướng nhiều hơn là khả năng tử vong trong chuyến bay sắp tới” – ông này nói. Thậm chí, tại những nơi ít phát triển nhất trên thế giới thì nguy cơ thiệt mạng trong một chuyến bay vẫn là 1/750.000.
Ông Tony Tyler – tổng giám đốc Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, tổ chức có thành viên là hầu hết các hãng hãng không đang khai thác những đường bay quốc tế - trong một tuyên bố cũng khẳng định, bất chấp những sự kiện xảy ra trong những ngày qua, hàng không vẫn là phương thức di chuyển an toàn nhất.
Tuy nhiên, trước những thảm kịch xảy ra hàng loạt như vậy, giới chức hàng không quốc tế đã cam kết sẽ vào cuộc hành động. Các nhà lãnh đạo hàng không toàn cầu sẽ gặp nhau tại Montreal vào tuần tới để thảo luận về một kế hoạch giải quyết vấn đề an toàn và an ninh được nhắc đến nhiều sau vụ bắn rơi máy bay MH17.
Bên cạnh đó, chuyên gia về công nghiệp hàng không Robert W. Mann Jr. cũng cho biết ông không cho rằng những sự kiện vừa xảy ra sẽ ngăn cản người dân di chuyển bằng đường hàng không. “Những sự kiện này đều rất bi thảm nhưng những khách hàng của ngành hàng không thường không nhớ lâu và đó là lý do mà họ sẽ vẫn tiếp tục bay” – ông Mann nhận định.
Một số hành khách của ngành hàng không cũng cho biết họ không quá lo ngại về an toàn của ngành hàng không. “Việc phải xảy ra thì sẽ xảy ra. Những chuyện vừa qua sẽ không khiến tôi từ bỏ ý định di chuyển bằng máy bay” – anh Nguyễn Lâm, 52 tuổi, cho biết sau chuyến bay từ Los Angeles tới sân bay Charles de Gaulle ở Paris.