Tương truyền, chính nhờ có bài thuốc tăng cường khả năng đàn ông mang tên “Minh Mạng thang” mà vua Minh Mạng một đêm có thể "chiều" đến 5- 6 cung tần. Câu nói “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” – (một đêm ngủ với 6 bà thì 5 bà có thai) cũng ra đời từ đó.
|
Vua Minh Mạng. Ảnh nguồn Internet |
Vị vua nhiều con nhất
Minh Mạng là vị vua thứ hai của nhà Nguyễn, con trai thứ tư của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu Trần Thị Đang. Với tư chất thông minh, hiếu học, quyết đoán, cương nghị và hết lòng chăm lo quốc chính nên trong quá trình điều hành quốc gia, vua Minh Mạng đã có những cải cách lớn lao trên nhiều lĩnh vực.
Không chỉ nổi tiếng ở tài thao lược, vua Minh Mạng còn vang danh hậu thế nhờ sức khỏe hơn người và đặc biệt là có số con nhiều nhất trong 13 đời vua Nguyễn. Theo Thế phả họ Nguyễn Phúc thì vua Minh Mạng Nguyễn Phúc Đảm có 43 bà vợ, sinh cho nhà vua 142 người con trong đó có 78 hoàng tử và 64 công chúa. Số con “kỷ lục” này vượt xa so với nhiều vua chúa triều Nguyễn.
Số con đã nhiều, số cung tần, mỹ nữ chắc chắn cũng không ít. Sách Đại Nam thực lục chính biên chép: Năm Minh Mạng thứ sáu, mùa Xuân, tháng Giêng, trong Kinh Kỳ ít mưa, nhà vua lấy làm lo, chỉ dụ cho quan Thượng Bảo Khanh là ông Hoàng Quỳnh rằng: “Hai ba năm trở lại đây, hạn hán liên tiếp. Trẫm nghĩ tự đâu đến thế nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, hoặc là trong thâm cung cung nữ nhiều âm khí uất tắc mà nên như vậy ư? Nay bớt đi, cho ra 100 người, ngõ hầu có thể giải trừ thiên tai vậy”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ước lượng số vợ của vua Minh Mạng cũng phải lên tới 200 người.
Thông thường, vua Minh Mạng mỗi đêm chấm cho thái giám gọi năm bà vào hầu, mỗi canh một bà. Hoạt động chăn gối về đêm đều đặn nhưng hằng ngày vẫn thiết triều, cưỡi ngựa không biết mệt. Trời rét như cắt, mà nhà vua mặc áo đơn, cưỡi thuyền đi lại trên mặt biển, không biết lạnh. Không chỉ có thế, vua thường thức đến tận canh ba để làm việc. Điều đó cho thấy vua Minh Mạng có một “thể chất tiên thiên" - cường tráng bẩm sinh. Chính sự khỏe mạnh đó đã góp phần không nhỏ vào sự vượng con của vị vua này.
Các nhà viết sử thời xưa không được phép bỏ sót bất cứ việc gì về bản thân nhà vua nhưng sách Đại Nam thực lục chỉ ghi vài lần Minh Mạng ốm xoàng, nghỉ thiết triều đôi ba buổi mà thôi. Không những thế nhà vua còn rất siêng năng tập thể dục theo cách của mình. Năm 1839, ông nói với Vũ Xuân Cẩn: “Trẫm ở trong cung cũng thường đi bộ, tập giờ lâu mà không biết mỏi; thế mới biết người ta phải tập vận động, cố gắng thì ngày một thêm mạnh, cứ ngồi yên mà lười biếng thì ngày một thêm yếu, không kể tuổi già hay trẻ vậy”.
Mặc dù có “tam cung lục viện” nhưng Minh Mạng không phải là ông vua lúc nào cũng đắm chìm trong lạc thú. Ông bao giờ cũng thường tự răn mình, một mặt noi theo tiên đế “không hề dám say đắm về lạc thú” mặt khác xem gương Đường Minh Hoàng ngày xưa đến lúc đứng tuổi vì say đắm Dương Quý Phi, chính sự ngày một trễ biếng.
Bài thuốc “Minh Mạng thang”
Tương truyền để vua Minh Mạng có "sức đàn ông" phi thường, các ngự y trong triều căn cứ vào thể chất và sinh hoạt của vua ngày đêm nghiên cứu, bào chế những bài thuốc có tính năng tráng dương bổ thận cho thiên tử dùng.
Minh Mạng thang gồm những loại dược liệu gì? Một nhóm các lương y Lê Quý Ngưu, Phan Tấn Tô, Nguyễn Thanh Thọ, Lê Nguyễn Lưu sau khi sưu tầm, nghiên cứu các bài thuốc lưu trữ tại các gia đình hoàng tộc, đông y hay cựu thần triều Nguyễn đã khám phá ra rằng “Minh Mạng thang” là một bài thuốc tổng hợp. Bình quân mỗi bài thuốc gồm 22-25 vị, ít nhất 13 vị, nhiều nhất đến 73 vị.
Xuất xứ từ bài Độc hoạt kí sinh thang (gồm 15 vị) trong quyển thứ 8 bộ Bị cấp thiên kim yếu phương của nhà y dược học nổi tiếng Tôn Tư Mạo thời Tùy Đường. Công dụng là trị gan thận suy nhược, phong thấp làm cho lưng đùi đau nhức lâu ngày, kết hợp với bài Thập toàn đại bổ (gồm địa, thược, khung, quy, sâm, linh, truật, thảo, kì, quế) nhằm đại bổ khí huyết, rồi gia thêm hầu hết các vị trị phong thấp đau thắt lưng, nhức mỏi vùng hạ chi.
Xuất xứ từ bài Quy tì thang (gồm 12 vị) trong bộ Tế sinh phương (1253) của Nghiêm Dụng Hòa đời Tống. Dùng để bổ tâm tì hư yếu, ăn không ngon, ngủ kém, hay hồi hộp, tay chân nhức mỏi...da thâm, hầu hết các vị thuốc bổ để kích thích sinh dục. Nhóm thứ ba có xuất xứ khác nhau do các gia đình ngự y triều Nguyễn lưu giữ như bài “Lục giao tam dụng” nhằm bổ âm dưỡng huyết, bài “Ngũ giao tam dụng” chữa thận dương hư suy, bài Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử có thể bình bổ âm dương, ích khí sinh huyết, dưỡng tâm thần, lí tì vị. Bài Minh Mạng dược tửu ôn dương ích tinh cố thận liễm huyết, dưỡng tâm an thần....
Khi được hỏi về “hiệu quả” của những bài thuốc trong “Minh Mạng thang”, Thầy thuốc đông y Nguyễn Khắc Bảo cho biết: Căn cứ vào thành phần vị thuốc như: Nhục thục dung, Bạch linh, bạch thược, cẩu kỷ tử, đại táo, đỗ trọng, đương quy, sa sâm, nhục quế, thục địa, phòng phong, huỳnh kỳ... và vô số thảo dược khác cho thấy thang thuốc thực chất có tác dụng trong việc bổ thận tráng dương, tăng cường tinh khí, phục hồi khí huyết và tăng tuổi thọ.
“Về mặt lý thuyết, những vị thuốc này có tác dụng hỗ trợ sinh lý nam giới và ít nhiều có hiệu quả. Nhưng không phải ai cũng có thể bê “nguyên xi” mà dùng, khi bốc thuốc còn phải căn cứ vào thể trạng, cơ địa từng người mà có nhưng gia giảm phù hợp. Chỉ riêng toa Minh Mạng thôi cũng đã có hơn chục biến tấu, chất lượng dược liệu cũng bấp bênh. Nếu người vốn liếng chẳng bao nhiêu không biết tự lượng sức mình, mà cứ dùng thuốc khích hứng thì rất tai hại: Chưa khỏe, đã ngả ngửa người vì yếu!”, ông Bảo cho biết.
“Vua Minh Mạng là một ông vua quan tâm tới tất cả các phương diện từ chính trị, quân sự, ngoại giao, đo lường, ruộng nương cho đến cả...sinh hoạt phòng the. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các ngự y phải bỏ công sức để bào chế ra các thang thuốc phù hợp với yêu cầu của nhà vua. Minh Mạng thang là một bài thuốc có thực nhưng không phải ai cũng có thể dùng được lại nữa liều lượng cho mỗi người, mỗi mùa xuân-hạ-thu-đông lại khác nhau. Xét riêng đối với vua Minh Mạng thì những toa thuốc vua dùng chỉ mang tính trợ lực, chứ không phải đóng vai trò quyết định. Còn như nói vua Minh Mạng uống thuốc ấy mà có nhiều con thậm chí “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” chẳng qua chỉ là cách nói quá mà thôi. Trong số các hoàng tử công chúa của ông ít thấy ai ra đời cùng tháng chứ đừng nói tới cùng ngày”. (Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân) |
Hoàng Giang