Giải mã vụ “hài cốt liệt sỹ bị cấm chôn” ở Bắc Ninh (kỳ 2)

Ở Bắc Ninh bỗng rộ lên một thanh niên được cho là có khả năng tìm mộ liệt sỹ bằng phương pháp ngoại cảm. “Nhà ngoại cảm” này tuy còn trẻ măng nhưng được xưng tụng bằng một cái tên rất hoành tráng: “Thủ trưởng” Cương!

Giải mã vụ “hài cốt liệt sỹ bị cấm chôn” ở Bắc Ninh (kỳ 2): Bắc Ninh có “thủ trưởng” Cương?

Thời gian gần đây, ở Bắc Ninh bỗng rộ lên một thanh niên được cho là có khả năng tìm mộ liệt sỹ bằng phương pháp ngoại cảm. “Nhà ngoại cảm” này tuy còn trẻ măng nhưng được xưng tụng bằng một cái tên rất "hoành tráng": “Thủ trưởng” Cương.

Thủ trưởng từ... cõi âm trở về?

Trong lúc tìm đường vào căn nhà cấp 4 đang xây dở trong con ngõ nhỏ của “nhà ngoại cảm”, chúng tôi được người dân địa phương kể cho nghe về con đường kỳ bí đã dẫn “thủ trưởng” đến với nghề ngoại cảm: “Chỉ 3 tháng trước, Vương Văn Cương (SN 1989) vẫn là một thanh niên bình thường ở làng Nghĩa Xá, xã Nghĩa Đạo, huyện Thạch Thành, tỉnh Bắc Ninh. Học hết lớp 12, Cương ở nhà.

“Thủ trưởng” Cương đang “tác nghiệp”.

Sau này, Cương định đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc. Trước khi đi, trong lúc thắp hương cho tổ tiên, bỗng nhiên Cương được vong của bác mình là liệt sỹ Vương Văn Mã nhập vào thân xác. Vong bảo: Khi còn sống, vong là thủ trưởng của đơn vị. Lúc xuống cõi âm, do linh hoạt và tháo vát nên vong được cử lên cõi trần giúp tìm những mộ liệt sỹ bị thất lạc. Thế nên người ta mới gọi “cậu” Cương là “thủ trưởng”...”.

Chỉ trong vòng 3 tháng, danh tiếng của “thủ trưởng” Cương đã vượt ra khỏi phạm vi xã, huyện. Giờ đây, dân trong tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh lân cận ngày nào cũng lũ lượt đến nhờ “thủ trưởng” triệu vong liệt sỹ lên để xin thông tin về nơi đang có hài cốt liệt sỹ.

Chỉ sau 3 tháng, đã có rất nhiều người dân tìm đến nhà “thủ trưởng”.

Vào dinh thự của “thủ trưởng”, phóng viên dễ dàng nhận ra “thủ trưởng” là một thanh niên có dáng người cao ráo, mảnh khảnh nhưng rất nhanh nhẹn. Ông Vương Văn Cược (bố của “thủ trưởng” Cương) giới thiệu cho phóng viên nghe về quy trình đi triệu vong: “Trước khi đi, gia đình cần phải thắp hương mời vong đi cùng, phải đi từ 3-5 người. Trong đó, nếu đi ôtô thì phải để một ghế trống và mời vong vào ngồi. Còn đi xe máy thì cần có một xe chừa chỗ cho vong ngồi, nhớ cầm theo mũ bảo hiểm cũng như áo mưa để vong sử dụng”.

Còn về quy tắc khi đến nhà “thủ trưởng”, ông Cược nói: “Đến nơi, phải tuân thủ theo những nội quy và hướng dẫn của người nhà. Việc vong nhập nhanh hay chậm và có chịu nói ra nơi yên nghỉ hay không, chủ yếu phụ thuộc vào gia đình mình thôi. Vong hay giận rỗi nên phải nịnh vong thì vong mới chịu nói. Nếu như gặp khó khăn thì cứ kêu “thủ trưởng” đến trợ giúp”.

Triệu vong bằng... âm nhạc

Sau khi cảm ơn ông Cược vì những hướng dẫn chi tiết, chúng tôi đi một vòng quanh khuôn viên nhà “thủ trưởng” để quan sát cảnh áp vong của các gia đình thân nhân liệt sỹ. Lúc này, ở điện đã có rất đông các đoàn người đang ngồi chờ vong nhập để hỏi chuyện.

Nhác thấy “thủ trưởng” Cương đang dí một vật màu trắng vào tai của một tín chủ, phóng viên lập tức tiến lại xem “thủ trưởng” đang “xuất chiêu” gì. Té ra “thủ trưởng” đang cho thân nhân liệt sỹ... nghe nhạc bằng máy điện thoại di động. Tiếp đó, “thủ trưởng” cứ tìm những đoàn người chưa gọi được vong rồi tiến tới cho thân nhân liệt sỹ nghe nhạc để thúc vong nhanh hiện về trần. Nghe qua, phóng viên nhận ra rằng các bài hát mà “thủ trưởng” dùng để thúc vong nhập vào thân nhân liệt sỹ đều là những... ca khúc cách mạng, chẳng hạn như bài “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến!

Trong “không gian tâm linh” này, ngoài “thủ trưởng” Cương thì còn có 2, 3 người nhà của “thủ  trưởng” cũng chạy loăng quăng để cho thân nhân liệt sỹ nghe nhạc cách mạng nhằm thúc vong nhanh nhập vào người dương thế. Gia đình nào “phỏng vấn” được vong về nơi yên nghỉ của hài cốt liệt sỹ rồi đều đến xin “thủ trưởng” cho ngày làm lễ đi đón hài cốt.

“Sau khi đã được vong chỉ cho địa chỉ đầy đủ thì mình làm một mâm lễ đến điện thờ xin phép “thủ trưởng” cho phép gia đình đi lấy hài cốt về. Nếu lấy được hài cốt, nên làm một mâm lễ nữa coi như để cảm ơn “thủ trưởng”...” - chú Dũng (ở xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) mách nhỏ cho phóng viên.

Khả năng tìm mộ bằng ngoại cảm kết hợp âm nhạc của “thủ trưởng” Cương đượm màu sắc hoang đường và mê tín dị đoan. Nhưng dẫu sao, để có thể kết luận rõ thực hư “tài tìm mộ” của “thủ trưởng” thì có một cách nhanh nhất đó là đem các bộ hài cốt được cho là của liệt sỹ tìm thấy do “thủ trưởng” chỉ điểm đi giám định ADN.

Tuy vậy, trong một trường hợp cụ thể như đoàn thân nhân liệt sỹ Nguyễn Xuân Chiến (ở thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) mà PLVN phản ánh ở số báo trước, những người đi tìm mộ đã nại ra nhiều lý do để cản trở việc giám định ADN cho bộ hài cốt mà họ tìm về.

Còn theo tìm hiểu của phóng viên PLVN, “thủ trưởng” Cương đang khiến dư luận lo ngại vì sau khi nhờ “thủ trưởng” tìm mộ, có người đã... hóa điên.

Đức Nguyễn - Thọ Phước

Bài sau: Đi tìm mộ, thấy... viện tâm thần

Đọc thêm