Trong năm 2011, đã có hơn 24.000 vụ hiếp dâm được trình báo tại Ấn Độ. Trong số này, những kẻ bị cáo buộc tấn công tình dục bị kết án chỉ chiếm 26%. Ngoài ra, còn hàng ngàn vụ hiếp dâm khác cũng chưa bao giờ được chính thức thông báo.
|
Với những phụ nữ Ấn Độ bị hiếp dâm thì việc cầu cứu đến hệ thống tư pháp hình sự thực sự là một kinh nghiệm đau thương |
Nỗi kinh hoàng của phái nữ
Năm 2009, một nữ quân nhân trẻ tại Ấn Độ đến nhà một người quen để dùng bữa trưa. Theo đơn trình báo của người phụ nữ, khi đang ngồi nói chuyện, người đàn ông bất ngờ đẩy cô xuống nhà và hiếp dâm cô một cách tàn bạo.
Khi đến khám tại bệnh viện, các bác sỹ đã ghi nhận rằng người phụ nữ đã bị nhiều vết bầm tím ở bụng, đùi và chân cùng những vết xước phù hợp với một vụ hiếp dâm. Sau một thời gian giằng xé giữa nỗi đau mà mình phải chịu đựng với những lo ngại về an toàn của bản thân cũng như danh tiếng của gia đình, 2 ngày sau, người phụ nữ đã tìm đến gặp luật sư để nhờ tư vấn đệ đơn tố cáo lên tòa án.
Hai năm rưỡi sau đó, sau một phiên tòa mà trong đó các luật sư của bị cáo một mực cáo buộc nữ quân nhân đã nói dối và làm giả bằng chứng, người đàn ông đã được tuyên trắng án.
Theo thẩm phán, người phụ nữ dường như đã không hề đấu tranh chống lại kẻ tấn công mình và vì thế việc quan hệ tình dục được xem là đồng thuận. Bằng chứng mà thẩm phán dẫn giải cho phán quyết của mình là việc bị cáo đã không bị thương.
“Người tố cáo đã thú nhận rằng cô ta đã không tát hoặc đá hoặc dùng móng tay để cào cấu vào bị đơn. Việc bị đơn không hề bị thương tích gì cho thấy hành vi giao hợp là một quan hệ đồng thuận và câu chuyện bị cáo đã từ chối quan hệ với anh ta là hoàn toàn sai” – thẩm phán tuyên bố.
Phán quyết này hiện đang bị kháng cáo lên cấp tòa cao hơn.
Trong một vụ việc mới nhất, ngày 16/12/2012, tại New Delhi, một nhóm 6 người đàn ông đã xông vào hiếp dâm một nữ sinh viên đại học 23 tuổi khi cô đang cùng bạn trai trở về nhà trên một chuyến xe buýt. Nhóm người này sau đó vứt cô gái xuống đường, khiến cô bị thương nặng và đã tử vong vào cuối tháng 12. Vụ việc đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trên khắp Ấn Độ và chính phủ nước này cũng đã cam kết sẽ nhanh chóng thực thi công lý.
Những vụ việc nói trên đã thu hút sự chú ý vào hệ thống tư pháp vốn được xem là quá chậm chạp, với đa số ý kiến cho rằng cần phải có những cải cách trong việc xử lý các vụ việc hiếp dâm, tương tự như vụ việc xảy ra hồi năm 2009.
Đối với hầu hết những phụ nữ Ấn Độ đang tìm cách để đưa những kẻ hiếp dâm hay tấn công tình dục mình ra tòa, việc cầu cứu đến hệ thống tư pháp hình sự của đất nước thực sự là một kinh nghiệm đau thương. Những người phụ nữ thường xuyên trở thành mục tiêu của những màn thẩm vấn hung hãn, bị xoáy sâu vào nỗi đau mà họ phải trải qua và cả những cuộc kiểm tra thể chất mà chủ yếu là một cuộc thử nghiệm “2 ngón” để xác định xem liệu người phụ nữ đứng ra tố cáo đã có quan hệ tình dục hay chưa.
Trong năm 2011, đã có hơn 24.000 vụ hiếp dâm được trình báo tại Ấn Độ. Trong số này, những kẻ bị cáo buộc tấn công tình dục bị kết án chỉ chiếm 26%. Ngoài ra, còn hàng ngàn vụ hiếp dâm khác cũng chưa bao giờ được chính thức báo cáo. “Người phụ nữ phải rất dũng cảm mới dám đến tòa án. Họ thậm chí còn bị làm nhục và bị những người khác đội lốt hệ thống tư pháp hiếp dâm thêm một lần nữa” – một nạn nhân từng bị hiếp dâm tập thể cay đắng nói.
Cần sớm cải cách hệ thống tư pháp
Chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố rằng họ muốn cải cách hệ thống tư pháp. Theo các nhà hoạt động, để làm được điều này, hệ thống tư pháp Ấn Độ cần phải có những cải cách cơ bản, bắt đầu là việc xem xét lại toàn bộ các đạo luật hiện hành. Bởi ngoài án hiếp dâm, Ấn Độ chỉ công nhận duy nhất một tội danh tấn công tình dục khác là “xúc phạm nhân phẩm của một phụ nữ”. Tuy nhiên, điều luật mơ hồ này khó có thể đưa đến công bằng cho các nạn nhân bị hiếp dâm.
Tại các đồn cảnh sát, các viên chức thường từ chối những đơn trình báo về hành vi hiếp dâm hay các vụ tấn công tình dục khác. Thay vào đó, họ lại gây áp lực buộc những người phụ nữ thỏa hiệp với kẻ tấn công họ.
Các luật sư cho biết, kể cả khi vụ việc đã được lập hồ sơ thì các kết quả điều tra, trong đó có kết quả phân tích pháp y lại thường rất kém, không thể sử dụng trong quá trình truy tố. “Các hồ sơ sơ bộ cần thiết cho việc kết án thường không bao giờ được lập ra. Người bị hại thì không nộp đơn, điều tra thì không đến nơi đến chốn, nạn nhân lại bị đe dọa và các thủ tục tố tụng thì lại không ủng hộ, vì thế các nạn nhân thường bị đẩy ra khỏi hệ thống tư pháp” – luật sư Madhu Mehra – giám đốc một trung tâm luật nói.
Một khi hồ sơ tố giác đã đến được tòa án thì những phụ nữ đứng ra tố cáo sẽ phải đối mặt với sự kỳ thị của chính những người xung quanh, vốn có suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức, đó là một người phụ nữ có đạo đức thì sẽ không bao giờ cho phép bản thân ở vào một vị thế dẽ bị tấn công. “Cuộc tấn công lớn nhất trên mặt trận tư tưởng là tâm lý “nếu bạn tốt, bạn đơn giản sẽ không bị hiếp dâm hay thậm chí là chạm vào người” – luật sư Mehra nói.
Nhiều thẩm phán tại nước này còn có những quan điểm rất đỗi cảm tính, phi lý trong khi xét xử những vụ việc hiếp dâm. Lấy ví dụ một vụ việc gần đây, một thẩm phán đã tuyên trắng án đối với một nghi phạm hiếp dâm chỉ vì người đứng ra tố cáo, đồng thời cũng là bạn gái của bị cáo, đã khóc trước tòa án. Theo lời “diễn giải” của vị thẩm phán này, việc người phụ nữ này khóc trong khi làm chứng trước tòa chính là sự “hối hận” vì đã tố cáo bạn trai. Vị thẩm phán một mực cho rằng, một nạn nhân bị hiếp dâm thực sẽ tìm cách “trả thù” chứ không hành động như vậy.
Sự phân cấp trong xã hội cũng đóng một vai trò không nhỏ đến bản án được đưa ra trong một phiên tòa xét xử án hiếp dâm. “Người nào càng nghèo khó, ít người đỡ đầu, ít có ảnh hưởng đến cảnh sát thì càng dễ bị khép tội. Còn những người dù có phạm tội nhưng lại đến từ tầng lớp trung lưu hay có quyền lực thì thường xuyên trắng án” – luật sư Avninder Singh nói.
Minh Ngọc (Theo Financial Times)