Giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực

 Đào tạo nghề, câng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được coi là một trong những khâu đột phá của Hải Phòng trong thời kỳ mới…

Đào tạo nghề, câng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được coi là một trong những khâu đột phá của Hải Phòng trong thời kỳ mới…Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu năm 2011 đạt tỷ lệ  45% người lao động qua đào tạo nghề cần khẩn trương khắc phục điểm yếu về đội ngũ giáo viên  và cơ sở vật chất ở các trường nghề.

Đào tạo chưa theo kịp nhu cầu thực tế

Đến nay, Hải Phòng có 58 cơ sở dạy nghề, trong đó có 10 trường cao đẳng nghề, 13 trường trung cấp nghề, 22 trung tâm dạy nghề và 13 cơ sở khác có hoạt động dạy nghề. Tính đến tháng 10-2010, các trường tuyển mới đào tạo nghề đạt gần 44 nghìn học sinh, sinh viên.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo phải đạt 85-90% vào năm 2020. Riêng năm 2011, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45%. Tuyển mới đào tạo nghề trình độ trung cấp trở lên là 9600 người.                                            

Một số trường dạy nghề lớn như Trường Cao đẳng nghề giao thông vận tải trung ương 2 đào tạo 5 nghìn học sinh/năm; Trường Cao đẳng nghề số 3 Bộ Quốc phòng đào tạo 6000 học sinh/năm; Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hải Phòng: 3000 học sinh/năm; Trường Trung cấp nghề thuỷ sản: 2000 học sinh/năm…Song đối chiếu với nhu cầu thực tế, thì số lượng lao động đã qua đào tạo ở Hải Phòng chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng.

Hạn chế về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên

Khó khăn nhất hiện nay đối với các trường nghề là cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu học nghề ngày càng đa dạng. Nhu cầu của doanh nghiệp đối với lực lượng lao động kỹ thuật trình độ cao tăng nhanh nhưng số lượng tuyển sinh đào tạo không tăng tương xứng. Nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề còn eo hẹp so với yêu cầu phát triển, hệ thống thông tin, dự báo nhu cầu tuyển dụng, đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng...Tình hình trên dẫn đến thực trạng nhiều học viên tốt nghiệp trường nghề của thành phố không "bắt kịp" các loại máy móc hiện đại đang được nhiều công ty, xí nghiệp đầu tư trong cuộc chạy đua nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó không ít học viên tốt nghiệp trường nghề xin được việc làm nhưng chỉ hưởng lương như lao động phổ thông.

Giáo viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp hướng dẫn học viên khoa điện thực hành.
Giáo viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp hướng dẫn học viên khoa điện thực hành.

Những năm gần đây, đội ngũ giáo viên dạy nghề được chú trọng nâng cao về số lượng và chất lượng. Thành phố hiện có 2024 giáo viên tham gia giảng dạy ở các cấp học. Trong đó, số giáo viên có trình độ cao đẳng trở lên đạt 89%, tỷ lệ giáo viên cơ hữu so với tổng số giáo viên đạt 65%. Số giáo viên đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 87%. Số giáo viên dạy cả lý thuyết và thực hành chiếm hơn 65% . Riêng năm 2010, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp, Trung tâm ngoại ngữ thành phố mở 6 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, kỹ năng nghề và ngoại ngữ chuyên ngành nâng cao cho 180 giáo viên của các cơ sở dạy nghề. Mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng và số lượng nhưng nhìn chung đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là trình độ thực hành kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tin học ứng dụng, phương pháp giảng dạy tích hợp.

Nhanh chóng khắc phục những điểm yếu

Để phát huy mặt mạnh trong công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo cần có những giải pháp đồng bộ và sự tích cực của các cấp, ngành liên quan.

Trong cuộc họp gần đây với ngành Lao động- Thương binh và Xã hội về thực hiện chủ đề năm 2011, Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Kể nhấn mạnh: Cần gắn đào tạo, thực tiễn sản xuất với việc làm, khắc phục dần tình trạng mất cân đối về đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Điều kiện trước tiên là xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động kỹ thuật nhằm cung cấp những thông tin chính xác, có căn cứ về nhu cầu các ngành kinh tế cũng như khả năng đào tạo của các trường, trung tâm. Đối với hình thức đào tạo phải xác định đào tạo tại các cơ sở dạy nghề là giai đoạn cơ bản, đào tạo chuyên ngành phải gắn chặt với doanh nghiệp, xí nghiệp. Tiếp tục thực hiện xã hội hoá dạy nghề nhằm huy động nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển đào tạo, dạy nghề, kể cả nguồn lực từ nước ngoài.

Bên cạnh đó là tập trung đầu tư có trọng điểm xây dựng các trường nghề mà nền kinh tế yêu cầu; chú trọng đầu tư xây dựng một số trường, trung tâm đào tạo quy mô lớn, hiện đại, đủ sức đào tạo tại chỗ theo chuẩn trong nước và khu vực. Giáo viên dạy nghề ngoài tiêu chuẩn quy định hiện hành, phải có thêm tiêu chuẩn về kỹ năng tương ứng với trình độ đào tạo hoặc có thời gian trực tiếp thực hành. Cơ quan chức năng cần xây dựng quy định về tiêu chuẩn đối với người có kỹ năng dạy nghề trong doanh nghiệp được tham gia dạy nghề tại doanh nghiệp hoặc tại các cơ sở dạy nghề.

Hiện, Đề án quy hoạch phát triển nhân lực thành phố giai đoạn 2010-2020 đang hoàn thiện. Với quan điểm, mục tiêu, dự báo, giải pháp và các chương trình dự án ưu tiên phát triển nhân lực cụ thể, đề án sẽ là “đòn bẩy” nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố trong giai đoạn tới./.

Thanh Thuỷ

Đọc thêm