Giải pháp cấp điện năm 2011

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2011, tình hình thiếu điện sẽ trầm trọng hơn năm 2010. Nguyên nhân là do nước về các nhà máy thủy điện lớn trong cả nước thấp hơn rất nhiều so với mọi năm và so với năm 2010. Hiện tại các nhà máy lớn như Thủy điện Hòa Bình, Yaly, Trị An… mực nước thấp hơn quy định từ 10 đến 12 mét.

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2011, tình hình thiếu điện sẽ trầm trọng hơn năm 2010. Nguyên nhân là do nước về các nhà máy thủy điện lớn trong cả nước thấp hơn rất nhiều so với mọi năm và so với năm 2010. Hiện tại các nhà máy lớn như Thủy điện Hòa Bình, Yaly, Trị An… mực nước thấp hơn quy định từ 10 đến 12 mét.

Mô tả ảnh.
Sửa chữa đường dây 110kV bảo đảm cấp điện an toàn trong dịp Tết.

Ngoài ra, một số hồ chứa của các nhà máy này sẽ phải xả nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên mực nước sẽ còn thấp hơn. Với thực trạng ấy, rất nhiều nhà máy chỉ vận hành được khoảng 50% công suất là tối đa. Trong khi đó, nguồn điện từ thủy điện chiếm gần 40% sản lượng điện của toàn ngành, nên việc thiếu điện là điều chắc chắn.

Để bù vào nguồn điện thiếu hụt này, ngành điện đã có một số giải pháp như nhập khẩu điện (chủ yếu từ Trung Quốc) và đưa thêm các nhà máy phát điện từ các nguồn năng lượng là than, khí… vào vận hành. Tuy nhiên, do các nhà máy này có công suất nhỏ và còn đang trong giai đoạn chạy thử nên việc bù đắp vào nguồn điện bị thiếu trong năm 2011 là không đáng kể. Trước tình hình này, việc phân phối và cấp điện trong năm 2011 đã trở thành vấn đề mang tầm quốc gia.

Ngày 15-1-2011, Bộ Công thương đã có Quyết định số 152 về việc phê duyệt kế hoạch cấp điện năm 2011. Theo quyết định này, sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc chỉ vào khoảng 103,3 tỷ kWh (trong đó nhập khẩu điện từ Trung Quốc 4,57 tỷ kWh). Với sản lượng điện như vậy, cả nước sẽ thiếu khoảng 4 tỷ kWh điện, gấp 4 lần so với năm 2010. Do vậy, việc cắt điện để bảo đảm an toàn lưới điện và phục vụ cho các nhu cầu kinh tế, xã hội là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã chỉ đạo cho ngành điện thực hiện kế hoạch cấp và cắt điện phải dựa trên nguyên tắc công bằng, không phân biệt đối xử.

Để thực hiện mục tiêu này, ngành Điện lực đã phối hợp với UBND thành phố tiến hành phân loại các đối tượng (thuê bao) sử dụng điện trên địa bàn thành phố theo thứ tự ưu tiên và xây dựng kế hoạch cấp điện phù hợp. Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã ra Thông báo số 03 ngày 6-1-2011 về việc thành lập Ban chỉ đạo cấp điện thành phố do Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết làm Trưởng ban. Các quận, huyện đều có Ban chỉ đạo việc cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hiện các Ban chỉ đạo của thành phố, các quận, huyện đã phối hợp với Điện lực Đà Nẵng và các chi nhánh của Điện lực Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành việc phân loại. Các thuê bao sử dụng điện là các cơ quan Nhà nước, trường học, bệnh viện và các cơ quan thông tin đại chúng thuộc lĩnh vực phát thanh, truyền hình… là đối tượng ưu tiên số 1. Theo đó, các cơ sở sản xuất sẽ phải tổ chức sản xuất vào các giờ thấp điểm để được ưu đãi nhiều hơn về giá.

Theo chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Công ty Lưới điện cao thế miền Trung đã làm việc với các thuê bao (khách hàng) có sản lượng điện sử dụng từ 100 ngàn kWh mỗi tháng trở lên để bổ sung phụ lục hợp đồng cho năm 2011. Các khách hàng này sẽ điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhằm giảm công suất tiết kiệm điện vào các giờ cao điểm và các tháng mùa khô. Ông Lê Thanh Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết: Để bảo đảm cấp điện một cách hiệu quả nhất cho các khách hàng trong năm 2011, Điện lực Đà Nẵng đã hoàn thành việc điều chỉnh kế hoạch cấp điện đối với các thuê bao có sản lượng điện lớn nhằm tiết kiệm điện. Trên cơ sở các phương án đã trình UBND thành phố phê duyệt, công ty cũng đã có kế hoạch chi tiết, kế hoạch dự phòng để cấp điện khi lưới quốc gia không có đủ nguồn, trong đó đối tượng ưu tiên 1 sẽ được cấp điện một cách đầy đủ nhất. Xí nghiệp Nhiệt điện Cầu Đỏ sẽ thường xuyên trong trạng thái sẵn sàng phát hết công suất (8,8 ngàn kW) để cấp điện cho thành phố.

Được biết, ngành Điện đang có nhiều nỗ lực để bổ sung nguồn điện như đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các nhà máy phát điện để đưa vào vận hành, nâng cao công suất các trạm biến áp, đường dây… để nâng cao hơn nữa sản lượng nhập khẩu điện từ Trung Quốc. Song các giải pháp trên chỉ là tạm thời. Do vậy, để chia sẻ khó khăn với ngành Điện, việc tiết kiệm điện trong mỗi gia đình, mỗi tổ chức đoàn thể, các cơ quan, các đơn vị sản xuất… sẽ là giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng thiếu điện.

Bài và ảnh:  Đức Thịnh

Đọc thêm