Sau 5 năm thực hiện Luật Giám định tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, việc tiếp nhận và thực hiện giám định trong những lĩnh vực không có tổ chức chuyên trách từng bước được các bộ, cơ quan ngang bộ chủ quản và các sở, ngành chuyên môn quan tâm tiếp nhận, thực hiện và cũng có nhiều thay đổi, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng nói chung như xây dựng, thông tin và truyền thông, văn hóa...
Tuy nhiên, việc tiếp nhận trưng cầu giám định và tổ chức thực hiện giám định ở một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng... đang tập trung về cấp Trung ương và trải qua nhiều cấp hành chính nên thường chậm, không bảo đảm thời gian theo yêu cầu của cơ quan tố tụng; nhiều trường hợp việc giám định kéo dài ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ nhiều lần để chờ kết quả giám định; một số cơ quan, tổ chức được trưng cầu còn từ chối, đùn đẩy việc tiếp nhận trưng cầu giám định.
Trong khi đó, điều kiện thực hiện giám định ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực giám định không có tổ chức chuyên trách như tài chính, ngân hàng, môi trường, giao thông, khoa học công nghệ... còn hạn chế, chưa thực sự được bảo đảm nên việc giám định bị chậm hoặc gặp nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giám định.
Theo Bộ Tư pháp, một trong những chính sách lớn trong sửa đổi Luật Giám định tư pháp là việc quy định cơ chế bảo đảm hiệu quả của hoạt động giám định (từ trưng cầu giám định đến việc tiếp nhận, thực hiện giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định) nhằm bảo đảm hoạt động giám định tư pháp đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu của hoạt động điều tra, truy tố và xét xử;
Phân định rõ hơn về trách nhiệm của các bộ, ngành ở Trung ương và các cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh trong việc tiếp nhận trưng cầu giám định (phân cấp) cụ thể nhằm khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, chậm trễ trong tiếp nhận trưng cầu giám định; bảo đảm có thời hạn giám định tối đa trong hoạt động giám định, trên cơ sở đó các bộ, ngành chủ quản sẽ quy định cụ thể thời hạn giám định tương ứng với từng loại việc giám định thuộc lĩnh vực quản lý;
Bảo đảm cơ sở pháp lý cụ thể cho việc trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định được thực hiện thống nhất, chất lượng để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các bên trong tố tụng và bảo đảm chỉ có kết luận giám định chính xác, khách quan mới được sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ án.