Giải pháp "gỡ khó" cho "người gác cổng" văn bản QPPL

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đặc biệt nhấn mạnh: Phát huy dân chủ hơn nữa trong quy trình xây dựng pháp luật là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng của công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

[links()]Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đặc biệt nhấn mạnh: Phát huy dân chủ hơn nữa trong quy trình xây dựng pháp luật là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng của công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Hai khuyết điểm lớn của công tác thẩm định

- Bộ Tư pháp đã thẳng thắn nhìn nhận chất lượng thẩm định VBQPPL chưa được cao. Theo Thứ trưởng, thiếu sót này tác động thế nào đối với việc xây dựng và thi hành các VBQPPL?

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên

- Theo báo cáo chung của Bộ Tư pháp có 2 khuyết điểm rất lớn của công tác thẩm định. Thứ nhất là chậm, thì chúng tôi vẫn đang khắc phục. Còn thứ 2 là chất lượng thẩm định. Mặc dù đã có những tiến bộ rất lớn so với trước và càng ngày càng tiến bộ nhưng để đáp ứng yêu cầu, còn phải cố gắng rất nhiều.

Nói về chất lượng thẩm định, có một số hạn chế. Một là tính phản biện chưa cao, thể hiện ở chỗ văn bản (VB) chúng ta xây dựng trong thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế đi vào chiều sâu, hội nhập đẩy mạnh và đặc biệt là đi vào xây dựng Nhà nước pháp quyền nên sẽ có rất nhiều cái mới.

Vì thế, bản thân người thẩm định phải có sự nhạy bén về chính trị, phát hiện ra được những nội dung mới và thái độ phản biện đối với cái đó. Ủng hộ hay không ủng hộ và sự ủng hộ hay không ủng hộ đó không phải mang tính cá nhân mà phải dựa trên nguyên tắc mà chúng ta đã có để so sánh.  

VB thẩm định của Bộ Tư pháp là một VB rất quan trọng không những để cơ quan soạn thảo xây dựng VB tiếp tục hoàn thiện dự thảo, nó còn là gợi ý để thảo luận ở các tầm khác. Ví dụ như khi lên Chính phủ thảo luận cũng dựa vào ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Nếu Bộ Tư pháp nêu được những vấn đề mang tính phản biện thì đấy là cơ sở cho Chính phủ thẩm định trong quá trình bàn, thảo luận và quyết định có ban hành hoặc trình tiếp hay không. Thậm chí lên đến Quốc hội cũng vậy, các đại biểu Quốc hội cũng xem VB thẩm định của Bộ Tư pháp để biết cái gì Bộ Tư pháp ủng hộ, cái gì Bộ Tư pháp không ủng hộ và đấy là những vấn đề mang tính phản biện rất rõ.

Với tư cách chuyên môn sâu và có trách nhiệm như thế thì đáng ra chúng ta phải làm tốt được điều đó. Chúng tôi đã làm nhưng làm còn chưa đến nơi và sẽ phải cố gắng trong thời gian sắp tới.

Hai là về tính pháp lý thuần túy, vì gắn liền với nhà luật là sự bảo thủ mà bảo thủ đấy có nguyên nhân vì chúng ta học luật là chỉ chú ý đến luật mà nhiều khi không hiểu kinh tế, xây dựng hay các ngành khác, từ đó không hiểu chiều sâu của vấn đề.

Do vậy, chúng tôi thấy đây cũng là một vấn đề mà sắp tới phải làm thế nào để các cán bộ thẩm định vừa có kiến thức pháp luật sâu sắc vừa có kiến thức chuyên ngành ở mức cần thiết và nhất là có kiến thức xã hội.

 - Có một thực trạng là hiện nay VBQPPL cần thẩm định của chúng ta rất lớn, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước đây. Đó có phải cũng là nguyên nhân khiến chúng ta quá “vội vàng” đưa ra các VBQPPL thiếu tính khả thi, thưa Thứ trưởng?

- Đấy cũng là 1 yếu tố, vì nhu cầu có pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội là một nhu cầu rất lớn mà nếu vì công tác thẩm định mà kìm hãm quá trình phát triển thì không được, đòi hỏi phải kết hợp giữa tốc độ và chất lượng. Mấy năm vừa rồi, tốc độ làm luật của chúng ta rất lớn, đã là tốc độ thì tất cả các cơ quan phải làm trong một thời gian rất nhanh, ảnh hưởng phần nào đến chất lượng.

Luật Ban hành VBQPPL quy định, thời gian thẩm định đối với dự thảo luật và pháp lệnh là 20 ngày, đối với dự thảo nghị định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 15 ngày, đối với các VB khác là 10 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế không được như vậy.

Thực hiện nghiêm túc quy định lấy ý kiến nhân dân

- Vậy, theo Thứ trưởng phải làm thế nào để qua công tác thẩm định, VB đạt yêu cầu về tính khả thi, tính hợp lý?

- Để VB khả thi thì trước hết là phải đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng và điều kiện phát triển thực tế của xã hội. Muốn như vậy thì quy trình xây dựng pháp luật phải phát huy dân chủ hơn nữa và đặc biệt trong luật đã nêu rõ là 60 ngày công bố dự thảo VB để toàn dân góp ý… và trong đó có một quy định rất quan trọng là phải lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.  

Nhưng quy định này các ngành làm còn yếu nên một số VB khi ra đời, đối tượng bị điều chỉnh như bị sốc. Nếu chúng ta làm nghiêm túc việc lấy ý kiến nhân dân, các đối tượng chịu sự tác động thì chắc chắn chúng ta sẽ tránh được trường hợp họ bị sốc như vậy. Và tôi cho rằng xây dựng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền là phải làm thế nào để thực sự thể hiện nguyện vọng dân chủ, ý chí và điều kiện thực tiễn của nhân dân.

 - Liên quan đến biện pháp khắc phục hạn chế về chậm thẩm định thì sao, thưa Thứ trưởng?

- Với vấn đề chậm thẩm định thì do thời gian quy định quá chặt, ngắn, các cơ quan khác lại bớt đi nữa, sinh ra chậm thẩm định. Biện pháp tới đây là cần kéo dài thêm thời gian. Khi quy trình xây dựng pháp luật đòi hỏi cao, “nóng” thì quy định thời gian như vậy, nhưng bây giờ “nguội” đi thì nên để thời gian thẩm định được dài ra. Chẳng hạn như điều chỉnh thành 30 ngày đối với dự án luật, pháp lệnh; 20 ngày đối với dự thảo nghị định, quyết định. Bên cạnh đó, tăng cường chặt hơn cơ chế liên kết, phối hợp giữa các ngành ngay từ khâu chuẩn bị xây dựng, soạn thảo dự thảo VB.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Đỗ Hải Anh (thực hiện)

Đọc thêm