[links()]Các nhà làm luật, các chuyên gia nêu ý kiến về giải pháp nâng cao chất lượng sống cho cư dân Thủ đô.
|
TS.Lê Thành Long -Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Cần áp dụng một số biện pháp về hành chính
Trong điều kiện hiện nay, khi các điều kiện về kinh tế- xã hội và quy hoạch thuần túy chưa thể xử lý được sự tăng dân số cơ học của Hà Nội thì rõ ràng để xử lý các vấn đề trước mắt, cùng với các biện pháp về kinh tế - xã hội (như xây dựng các khu đô thị vệ tinh, giãn dân khỏi nội đô, di chuyển một số cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế… ra ngoại thành…), các biện pháp để phát triển hệ thống hạ tầng, cần phải áp dụng một số biện pháp về hành chính để “đối phó” với tình trạng gia tăng dân số cơ học ở nội thành.
Điều đó được thể hiện trong các điều kiện đăng ký thường trú được qui định trong Dự thảo LTĐ đang nhận được sự thống nhất cao của nhiều chuyên gia và các nhà khoa học. Đây là một trong số những biện pháp hành chính mang tính chất tạm thời để kiểm soát việc đăng ký thường trú ở nội thành đối với một số đối tượng đã qui định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú.
|
GS.TS.Nguyễn Đình Cử (Viện trưởng Viện Dân số & các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân): Có thể đặt ra những điều kiện đối với việc nhập cư
Để giải quyết những áp lực dân số của Hà Nội cần kết hợp nhiều biện pháp, cả vĩ mô và vi mô. Nếu cứ để mật độ dân số mức 39.000 người/km2 như hiện nay thì khó đảm bảo chất lượng cuộc sống. Do vậy có thể đặt ra những điều kiện đối với việc nhập cư, nhưng quan trọng nhất là nhà ở.
Điều tra năm 2009 cho thấy, bình quân diện tích nhà ở của Hà Nội là 19m2/người. Vậy cư dân mới đến cũng phải có tối thiểu 10m2/người, chứ 5m2/người như qui định của Luật Cư trú thì chưa xứng đáng với Thủ đô. Bên cạnh đó phải có luật đặc thù cho Thủ đô để giải quyết những vấn đề riêng của Hà Nội.
|
TS.Nguyễn Minh Phong (Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội): Qui định về điều kiện nhập dân của Dự thảo Luật Thủ đô là phù hợp
Quản lý dân cư là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Qui định về điều kiện nhập dân của dự thảo Luật Thủ đô là phù hợp với cả Hiến pháp, Luật Cư trú và qui hoạch chung Hà Nội. Đồng thời, giải tỏa được quan điểm “Thủ đô chỉ dành cho người giàu” vì bất kỳ ai có nhà ở hợp pháp, việc làm ổn định hoặc thu nhập hợp pháp thì đều được đăng ký thường trú ở các quận nội thành của Thủ đô”.
|
TS.Nguyễn Bá Sơn (Giám đốc Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng): Hà Nội cần có cơ chế chính sách đặc thù để quản lý dân cư
Qui định về điều kiện nhập cư như Dự thảo LTĐ là cần thiết. Trách nhiệm của nhà quản lý là tăng chất lượng và điều kiện sống cho người dân. Nên có cái nhìn hài hòa khi đánh giá về điều kiện nhập cư của LTĐ vì cùng với quyền tự do cư trú, còn nhiều quyền khác của người dân cần được đảm bảo.
Nếu không có điều kiện để hạn chế nhập cư thì chất lượng sống của người dân có được đảm bảo phát triển hay không? Nếu vì lo ngại các qui định sẽ hạn chế nhập cư mà bỏ các điều kiện đăng ký thường trú sẽ không bao giờ giải quyết được tình trạng quá tải ở Hà Nội. Giải quyết vấn đề dân cư của Hà Nội cần thời gian lâu dài, nhưng phải đảm bảo đăng ký để quản lý dân cư. Đô thị là đặc thù, Hà Nội là đô thị đặc thù thì Hà Nội cần có cơ chế chính sách đặc thù để quản lý dân cư.
|
Đại tá Nguyễn Đức Chung (Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội): Cần chú trọng việc phát triển các khu đô thị vệ tinh
Giải quyết tình trạng gia tăng dân số cơ học ở TP.Hà Nội, nhất là ở 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng cần giãn dân và điều chỉnh phân bố dân cư hợp lý với các điều kiện đăng ký thường trú, chú trọng việc phát triển các khu đô thị vệ tinh, hạn chế việc xây dựng mới các khu nhà cao tầng trong khu vực 4 quận nội thành cũ, di dời các cơ sở đào tạo, sản xuất, y tế ra khỏi khu vực nội đô… như chủ trương trong Dự thảo LTĐ.
PVNC (ghi)