Theo ghi nhận thực tế của PV, từ giữa tháng 8 đến nay, khi học sinh, sinh viên đi học trở lại trường học thì giao thông tại các cổng trường lập tức trở về trạng thái căng thẳng. Tại nhiều điểm trường trên địa bàn Hà Nội, vào các khung giờ cao điểm, tình trạng phụ huynh dừng đỗ ô tô, xe máy dưới lòng đường, trên vỉa hè đưa đón con gây ra ùn tắc nghiêm trọng.
Điển hình như tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B, THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Tiểu học Kiến Hưng (quận Hà Đông), Trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm khoa học giáo dục (số 50-52 phố Liễu Giai, quận Ba Đình), Trường Tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng)… hầu như ngày nào cũng diễn ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Ở góc độ nhìn nhận của các phụ huynh, sở dĩ có hiện tượng ùn tắc trước trường học vào giờ tan trường là do quỹ đất vỉa hè dành cho các trường không đủ để chứa nhiều xe trong cùng một thời điểm; thậm chí lòng lề đường còn bị nhiều quán hàng rong chiếm dụng…
Phản bác quan điểm này, một người dân sống cạnh Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy) cho rằng: “Ý thức của một số người còn kém, vì cứ tiện đâu đỗ đấy không quan tâm tới việc sẽ gây ảnh hưởng tới việc lưu thông của các phương tiện khác”.
Đa phần ý kiến đều cho rằng, trong bối cảnh ý thức của một số chủ phương tiện chưa cao, trong khi cơ sở hạ tầng và quỹ đất dành cho giao thông tĩnh còn quá khiêm tốn thì việc ùn tắc, chen lấn trước cổng trường rất khó có sự chuyển biến.
Thời gian qua, chính quyền và công an các địa phương cùng các nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp như bố trí lực lượng chốt trực tại chỗ kết hợp phân luồng từ xa; bố trí lệch giờ học; tăng cường tuyên truyền vận động phụ huynh tuân thủ các quy định về khu vực được dừng, đỗ xe.
Đơn cử, tại Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm), để số lượng người và phương tiện không bị tăng đột biến vào cùng một thời điểm, nhà trường đã quy định giờ tan học của các khối cách nhau từ 5-10 phút. Trường THCS Trần Đăng Ninh lại lựa chọn phương án, phân chia lịch học so le giữa các khối (lớp học sáng, lớp học chiều). Hay như Trường Tiểu học Đoàn Kết (Hà Đông) với số lượng học sinh đông, mỗi giờ tan nhà trường bố trí mở hai cổng chính và phụ ở hai lối khác nhau, giảm tải lượng phụ huynh, học sinh tập trung dồn ở một nơi. Cùng cách làm, hơn một năm nay, Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) ngoài cổng chính ở phố Lê Đại Hành, đã cải tạo xây dựng thêm cổng mở ra phía đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài để có thể mở hai cổng cùng lúc nhằm tăng khả năng lưu thoát. Một số trường THPT tổ chức các đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường trong giờ cao điểm...
Các giải pháp trên đã mang lại một số hiệu quả nhất định. Thế nhưng, đây mới chỉ là những giải pháp tình thế, không mang lại được hiệu quả lâu dài do hiện nay nhu cầu dừng đỗ xe quá lớn, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông hiện tại lại quá chật hẹp.
Theo một số ý kiến, tắc đường tại cổng trường không chỉ là câu chuyện của giao thông, mà còn là vấn đề xã hội. Tình trạng chọn trường, chọn lớp, học trái tuyến đã khiến quãng đường di chuyển từ nhà đến trường trở nên quá xa. Giao thông hỗn hợp thiếu an toàn, nên hầu hết các bậc phụ huynh đều chọn cách trực tiếp đưa đón con em đến trường bằng phương tiện cá nhân. Xe buýt học đường dù đã có nhưng chủ yếu do các trường ngoài công lập triển khai nên mới đáp ứng được một phần nhu cầu rất nhỏ.
Để có “lối thoát” cho ùn tắc tại cổng trường, một trong những giải pháp là buộc phải hoàn thiện hệ thống xe buýt học đường để học sinh có thể đến trường an toàn với mức chi phí phù hợp mà không cần sự đưa đón của bố mẹ. Xe buýt học đường sẽ chỉ hoạt động vào những khung giờ nhất định nhằm tránh ùn tắc. Khi đó, giải pháp bố trí lệch giờ làm của phụ huynh với giờ học của học sinh mới thực sự phát huy hiệu quả.
Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng cũng nên có chế tài xử lý đối với những phụ huynh cố tình vi phạm; quy trách nhiệm với các trường học, địa phương chưa làm tròn nhiệm vụ trong việc đề ra các phương án và bố trí lực lượng tham gia bảo đảm an toàn giao thông khu vực cổng trường.