Giải pháp phát triển nghệ thuật truyền thống rất... đơn giản?

"Có thể gói gọn trong việc chuyển giao, lưu truyền các hệ giá trị giữa THẦY và TRÒ. Khi xác định được đối tượng cần bảo tồn, Nhà nước phải đầu tư bao cấp, ưu đãi tới mức nuôi sống được những nghệ nhân tài năng, đảm bảo các lợi ích tối thiểu như lương tháng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để lớp trẻ có thể yên tâm theo nghề...", nhà nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật cổ truyền Bùi Trọng Hiền nói về giải pháp phát triển Nghệ thuật truyền thống.

Theo nhà nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật cổ truyền Bùi Trọng Hiền, Văn hóa nghệ thuật cổ truyền đang đứng trước nguy cơ xâm thực của văn hóa ngoại lai, của tâm lý "ham nhanh chuộng lạ", những báu vật nhân văn sống đang dần dần mất đi đầy tiếc nuối...

Nhà nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật cổ truyền Bùi Trọng Hiền.

- Theo ông, nguyên nhân nào khiến thế hệ trẻ hiện nay chưa quan tâm, hoặc không mặn mà với việc tìm hiểu và cảm nhận các giá trị văn hóa truyền thống ?

- Về mặt khách quan, so với thời cổ truyền, có thể nói ngày nay con người có quá nhiều “món ngon” văn hóa nghệ thuật mới lạ, Tây, Tàu, Ta… đủ kiểu đủ loại. Đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, sự quảng bá, các phương tiện truyền thông mới đã tạo nên một “thị trường” tiêu dùng văn hóa nghệ thuật quá phong phú và đa dạng. Với cái tâm lý “ham nhanh chuộng lạ” nói chung, việc xâm thực của văn hóa ngoại lai, sự lấn lướt của hệ giá trị mới là nguyên nhân khỏi phải bàn.

Các thế hệ ông bà/ cha mẹ dần dà bớt/ không thích thú gì với hệ giá trị Văn hóa nghệ thuật cổ truyền dân tộc nữa. Theo đó lớp con/ cháu cũng không còn cơ may tiếp nối một truyền thống thưởng thức cần và đủ để đảm bảo huyết mạch văn hóa dân tộc.

Điều đáng nói, bên cạnh sự đứt đoạn của truyền thống giáo dục ở mô hình gia đình mang tính hạt nhân, hệ thống giáo dục mang tính chủ động ngoài xã hội cũng không phát huy hiệu quả. Nhà nước dù có nhiều động thái tích cực kêu gọi giới trẻ quay về trân trọng văn hóa nghệ thuật cổ truyền nhưng mọi việc phần lớn thực hiện kiểu “đánh trống bỏ dùi”, thậm chí bản thân nhiều nhà quản lý văn hóa cũng chẳng mặn mà gì với hệ giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền, họ chỉ cần thực thi các dự án này nọ cho xong việc, chưa kể đến việc lợi dụng văn hóa nghệ thuật cổ truyền để tiêu tiền Nhà nước một cách hoang phí…

- Các nghệ nhân dân gian là những "báu vật nhân văn sống" hiện nay đã nhận được sự quan tâm đúng mực từ cơ quan có trách nhiệm để họ tiếp tục bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa nước nhà chưa, thưa ông ?

- Điều này thì tôi đã nói quá nhiều rồi, cám cảnh lắm! Kêu gào mãi, mọi sự cũng chỉ dừng lại ở việc các ban bệ xét lên xét xuống mấy cái danh hiệu nghệ nhân này nọ, mà đến mấy năm rồi vẫn chả ra đâu vào đâu! Các thế hệ nghệ nhân xuất chúng còn lại từ thế kỷ trước vẫn tiếp tục nối gót ra đi về với tiên tổ, lớp học trò lèo tèo dăm bảy nhân sự chẳng kịp học hỏi toàn bộ các giá trị.

Thử hỏi, đến các bậc tài danh như thầy họ còn chả được chăm sóc ưu đãi thì họ lấy gì mà nuôi dưỡng nghề tổ ngoài chút tình yêu với văn hóa nghệ thuật cổ truyền dân tộc.

Có quá nhiều ví dụ đau xót ở thái độ ứng xử với nghệ nhân, đặc biệt lĩnh vực cổ nhạc. Như có mỗi việc xin cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các cụ mà Hội Văn nghệ dân gian xin cấp trên mãi không được. Nghe nói vài năm qua nhiều ban bệ đang lập tiêu chí xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú, trong đó có đòi hỏi việc các cụ phải có bao nhiêu huy chương vàng bạc… Đúng là ngớ ngẩn, liệu những nhà quản lý và hoạch định chính sách đó có hiểu gì về giá trị lưu truyền của cổ nhạc?

- Theo ông, để phát triển Nghệ thuật truyền thống của dân tộc thì cần có những giải pháp gì?

- Rất đơn giản, có thể gói gọn trong việc chuyển giao, lưu truyền các hệ giá trị giữa THẦY và TRÒ. Khi xác định được đối tượng cần bảo tồn, Nhà nước phải đầu tư bao cấp, ưu đãi tới mức nuôi sống được những nghệ nhân tài năng, đảm bảo các lợi ích tối thiểu như lương tháng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để lớp trẻ có thể yên tâm theo nghề.

Bên cạnh đó, cũng có thể nới rộng “vòng tay” bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đứng ra chịu trách nhiệm bảo trợ cho từng nhóm hay từng cá nhân. Đổi lại, các doanh nghiệp đó sẽ được miễn trừ một phần thuế tương ứng hay được hưởng những ưu đãi nhất định trong kinh doanh. Đó là điều các nước phát triển thực hiện từ lâu lắm rồi.

* Xin cám ơn ông!

PV

Đọc thêm