Truyền thông Chính sách

Giải quyết các vấn đề liên quan đến bán đấu giá tài sản đặc thù

(PLVN) - Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định về đấu giá tài sản đặc biệt như quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản thi hành án. Từ đó kéo theo nhiều vấn đề liên quan như: nơi bán, tiếp nhận hồ sơ; phạm vi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; đấu giá trong trường hợp một người…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều “câu chuyện” xoay quanh các tài sản có giá trị lớn

Theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là tài sản đặc thù, vì vậy đề nghị cần đưa ra các điều kiện đối với người tham gia đấu giá. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện mới được tham gia nộp hồ sơ, trường hợp người tham gia không đáp ứng các điều kiện thì không tổ chức đấu giá. Về khoản tiền đặt trước, nếu áp dụng mức 5-20% như dự thảo Luật quy định thì không khả quan đối với quyền sử dụng tần số vô tuyến điện vì đây là tài sản có giá trị rất lớn, thậm chí có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng và cũng chỉ được đấu giá theo một hạn mức tài sản nhất định.

Liên quan tới “câu chuyện” một số tài sản lớn thì tiền đặt trước phải đưa vào tài khoản phong tỏa theo quy định của pháp luật về ngân hàng, bà Nguyễn Thị Mai, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) nhận định đây là vấn đề cần phải cân nhắc, nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng. Bởi vì, không chỉ có tài sản được quy định trong Điều 39 của Luật hiện hành (quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng tần số vô tuyến điện) mới là tài sản có giá trị lớn mà còn một số tài sản như sân bay, cảng biển, cánh rừng cao su cần thanh lý có giá trị rất lớn. Do đó, nếu dự thảo Luật chỉ “chốt” tài sản có giá trị lớn là quyền sử dụng đất là chưa đầy đủ.

Đánh giá dự thảo Luật cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức đấu giá khi hành nghề, tuy nhiên, ông Trần Thanh Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành phố Hải Phòng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 38 về nơi bán hồ sơ đấu giá còn chưa phù hợp. Cụ thể, dự thảo quy định: Tổ chức ĐGTS bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá tại trụ sở tổ chức đấu giá, trụ sở của người có tài sản đấu giá trong trường hợp người có tài sản là tổ chức hoặc nơi thường trú trong trường hợp người có tài sản cá nhân và địa điểm khác theo thỏa thuận với người có tài sản đấu giá…

Theo ông Cường, quy định như vậy còn cứng nhắc, gây khó khăn bởi nếu cùng lúc bán nhiều tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì tổ chức ĐGTS sẽ cần nhiều nhân sự để đi đến các tỉnh để bán hồ sơ. Trong khi đó, nhiều tài sản bán được giá trị thấp, không đủ chi phí đi lại. Mặt khác quy định này cũng gây khó cho cá nhân, tổ chức có tài sản đấu giá vì việc bố trí chỗ cho tổ chức đấu giá ngồi bán, tiếp nhận hồ sơ vì sẽ phần nào ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của cá nhân, tổ chức đó. Do đó đề nghị quy định theo hướng bán hồ sơ tại địa phương nơi có tài sản, không nhất thiết phải bán ở trụ sở của người có tài sản.

Liên quan tới tài sản đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá tại Điều 59, ông Cường cho rằng quy định như vậy sẽ gây khó khăn. Lý giải thêm, ông Cường cho biết theo Luật Đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất nếu sau 2 lần không được thì tiến hành giao đất chứ không áp dụng ĐGTS 1 người. Còn Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không có quy định ĐGTS 1 người mà chỉ tiến hành chỉ định, bán chỉ định hoặc niêm yết.

Tránh độc quyền trong đấu giá tài sản thi hành án

Về ĐGTS thi hành án, dự thảo Luật bổ sung quy định trường hợp ĐGTS thi hành án thì người có tài sản đấu giá thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS có trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đánh giá về nội dung này, đại diện Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng quy định như vậy vô hình chung đã hạn chế quyền con người, quyền công dân tại Điều 14 Hiến pháp. Do đó cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc thêm về nội dung để bảo đảm nguyên tắc tự do kinh doanh tại Điều 7, Luật Doanh nghiệp.

Chung quan điểm, đại diện VAMC cho rằng quy định như vậy hơi độc quyền, cần cân nhắc thêm. “Có những địa phương nhỏ, chỉ có 1-2 tổ chức ĐGTS, chất lượng hoạt động không tốt nhưng nếu áp dụng quy định nêu trên thì tỉnh vẫn phải lựa chọn, như vậy có phù hợp không?”, đại diện VAMC băn khoăn.

Còn ông Đặng Văn Huy, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự nhấn mạnh việc lựa chọn tổ chức ĐGTS thi hành án trên địa bàn xuất phát từ đặc thù của loại tài sản này. Theo đó, việc bán tài sản thi hành án chủ yếu mang tính cưỡng bức do tài sản này có tình trạng pháp lý đặc thù; cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên đại diện cho người có tài sản đấu giá. Do đó, để bán tài sản thi hành án nhanh, pháp luật phải tương thích, đồng bộ. Việc lựa chọn tổ chức ĐGTS có trụ sở trong tỉnh, thành phố sẽ đảm bảo tính khả thi, an toàn, nhanh chóng, đảm bảo lợi ích các bên trong việc bán tài sản.

Cho ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng chỉ nên quy định về nguyên tắc, quy trình đặc biệt cho một số loại tài sản đặc biệt, trong đó có quyền sử dụng tần số vô tuyến điện chứ không nên quy định quá chi tiết tại Luật này. Về lựa chọn tổ chức ĐGTS thi hành án, không nên chỉ quy định trong phạm vi tỉnh, thành phố để không hạn chế quyền tự do lựa chọn của cá nhân, tổ chức đồng thời cũng tránh việc phải sử dụng các tổ chức ĐGTS kém chất lượng, thiếu chuyên nghiệp, dẫn tới tình trạng độc quyền.

Đọc thêm