Giải quyết khó khăn về kinh phí cho hoạt động TGPL

(PLO) - Thời gian qua, có một số địa phương đề nghị Bộ Tư pháp tháo gỡ vướng mắc về kinh phí để đảm bảo nguồn chi trả chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (TGPL) của người thực hiện TGPL cũng như thực hiện vụ việc phức tạp, điển hình và kinh phí triển khai thực hiện TGPL cho một số đối tượng đặc thù như người khuyết tật, người nhiễm HIV.
Ảnh minh họa

Ngoài ra, có địa phương đề nghị quan tâm cả kinh phí triển khai Kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp với Thanh tra tỉnh về thực hiện TGPL trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính theo Thông tư số 10/2011/TTLT-BTP-TTCP.

Bộ Tư pháp cho biết, Luật TGPL năm 2006 không có quy định về nguồn tài chính cho công tác TGPL. Về nguyên tắc, kinh phí cho hoạt động này được dự toán theo Luật Ngân sách nhà nước, do đó, trong quá trình triển khai nhiều địa phương không có đủ kinh phí để hoạt động. Đồng thời, tại điểm 4 Điều 47 Luật TGPL năm 2006 đã quy định “UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về TGPL tại địa phương, có trách nhiệm bảo đảm biên chế, kinh phí cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Trung tâm TGPL nhà nước...”. 

Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ vụ việc TGPL được bổ sung từ Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình. Quyết định 32 nêu rõ, đối với các tỉnh tự cân đối ngân sách, ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách, hoạt động quy định tại Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg (trong đó có hoạt động hỗ trợ vụ việc có tính chất phức tạp, điển hình).

Đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách thì ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu đối với các địa phương chưa tự cân đối ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 3 theo định mức hỗ trợ quy định tại Điều 4 Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg. Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện các hoạt động TGPL còn lại (ngoài các chính sách, hoạt động đã được ngân sách trung ương hỗ trợ nêu trên). 

Do công tác TGPL là trách nhiệm của địa phương, vì vậy Bộ Tư pháp đề nghị UBND có trách nhiệm bố trí ngân sách cho công tác này để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định. Trung ương chỉ hỗ trợ một phần khi có chương trình mục tiêu quốc gia (Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg). Đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách thì UBND tỉnh phải đưa vào dự toán hàng năm xin Trung ương bổ sung ngân sách cho công tác TGPL. 

Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn về kinh phí dành cho hoạt động TGPL nói chung và chi phí thực hiện vụ việc TGPL nói riêng, Luật TGPL năm 2017 đã bổ sung 01 điều về nguồn tài chính cho công tác TGPL, trong đó Nhà nước bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đồng thời, Luật quy định việc ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung cân đối ngân sách nhà nước để hỗ trợ thực hiện vụ việc TGPL phức tạp, điển hình. Đây là điểm mới quan trọng, khẳng định trách nhiệm của Nhà nước, cụ thể ở địa phương thì hoạt động TGPL là trách nhiệm của UBND các tỉnh/thành phố trong việc bảo đảm cho người thuộc diện được TGPL được giúp đỡ pháp lý khi họ có các vụ việc TGPL cụ thể. 

Đọc thêm