Giải quyết kiến nghị của tiểu thương chợ thị trấn Vĩnh Bảo: Cần bảo đảm hài hòa lợi ích

Những bất cập nảy sinh chung quanh việc chuyển giao chợ thị trấn Vĩnh Bảo cho doanh nghiệp quản lý bước đầu được giải quyết, song vẫn có nội dung chưa ngã ngũ. Nếu không tiếp tục tích cực giải quyết rốt ráo sẽ ảnh hưởng đến chủ trương chung.

Những bất cập nảy sinh chung quanh việc chuyển giao chợ thị trấn Vĩnh Bảo cho doanh nghiệp quản lý bước đầu được giải quyết, song vẫn có nội dung chưa ngã ngũ. Nếu không tiếp tục tích cực giải quyết rốt ráo sẽ ảnh hưởng đến chủ trương chung.

Phức tạp phát sinh
Những năm trước, chợ thị trấn Vĩnh Bảo kinh doanh trong điều kiện xuống cấp trầm trọng do hệ thống cơ sở hạ tầng không đáp ứng yêu cầu. Nguy cơ không bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cháy nổ luôn rình rập. Trước thực trạng trên, đầu năm 2009, thành phố có quyết định chuyển giao chợ thị trấn Vĩnh Bảo cho Công ty Thương mại dịch vụ và xây dựng Hải Phòng quản lý. Sau khi tiếp nhận, công ty tiến hành cải tạo và phân lô xây mới một số gian hàng. Tuy nhiên, kể từ khi chuyển giao chợ cho doanh nghiệp quản lý đến nay, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập khiến nhân dân địa phương và các hộ kinh doanh tại chợ bất bình, nhiều lần làm đơn kiến nghị tới các cấp, ngành UBND huyện.

Khu vực ki-ốt cho thuê mới được xây dựng.                           Ảnh: Hoàng Phước

Nội dung kiến nghị tập trung vào việc Công ty Thương mại dịch vụ và xây dựng Hải Phòng sắp xếp cho thuê điểm bán hàng lộn xộn; một số hạng mục công trình trong chợ khi sửa chữa không bảo đảm chất lượng; không công bằng trong việc cho thuê mặt bằng kinh doanh trong chợ… Trong đơn gửi UBND huyện Vĩnh Bảo, bà Bùi Thị An, đại diện  hơn 40 hộ kinh doanh khu dân cư Tiền Hải thị trấn Vĩnh Bảo bày tỏ: “Những hộ nghèo như chúng tôi không có công ăn việc làm phải ra chợ kiếm kế sinh nhai, vốn buôn bán còn phải đi vay để tạo dựng cuộc sống. Thế mà từ khi doanh nghiệp được giao trách nhiệm quản lý chợ, cuộc sống đời thường của bà con tiểu thương bị đảo lộn, gây mất đoàn kết, dẫn đến đánh chửi nhau chỉ vì việc sắp xếp cho thuê điểm bán hàng không công bằng, bất hợp lý… Nhiều vấn đề công ty thực hiện chưa đúng với dự án đề ra,  sắp xếp chỗ ngồi lộn xộn, dãy hàng kinh doanh này xếp lẫn vào dãy hàng kinh doanh khác. Hàng mã, mũ nón ngồi chen giữa  hàng kinh doanh quần áo, hay  hàng kinh doanh quần áo xếp lẫn với hàng tạp hóa. Có nhiều điểm bán hàng, công ty cho thuê tới 20-30 m2 và có nhiều hộ ở ngoài vào thuê. Trong khi đó, những hộ bán hàng cố định tại chợ lâu năm thì doanh nghiệp chỉ cho thuê  3-5 m2 (chỉ vì họ không đủ tiền trả một lần với thời gian 30 năm mà họ chỉ đăng ký trả tiền thuê theo từng mốc”.

Vừa xây dựng, vừa kinh doanh
Trong quá trình thi công chợ, nhiều hộ kinh doanh lo ngại nguy cơ mất an toàn. Bởi doanh nghiệp vừa tiến hành xây dựng các hạng mục, còn các hộ tiếp tục kinh doanh liền kề. Đại diện một hộ kinh doanh ở đây bức xúc cho biết: Nhiều lần, công ty thuê người từ nơi khác đến tháo dỡ mái tôn, nhưng không thông báo với chính quyền, bà con kinh doanh tại chợ. Có ngày công ty tháo dỡ mái khi bà con đang họp chợ ở phía dưới. Không những vậy, chất lượng một số công trình (nhất là khu b1, b2) cũng có vấn đề. Theo nhiều hộ kinh doanh trong chợ, nhiều khung cột sắt cũ chỉ sơn phủ lên, rất nhiều chân cột đã bị mục ruỗng nhưng không được thay thế. Cốt nền làm qua loa rồi lát gạch hoa. Tiến độ thi công quá chậm, vật liệu tập kết ngổn ngang, chiếm diện tích gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của người dân. Những lo ngại của bà con kinh doanh trong chợ là có cơ sở, bởi song song với việc đầu tư sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần quan tâm bảo đảm an toàn cho người kinh doanh trong chợ, chất lượng công trình khi được cải tạo.

Quyền lợi các bên  phải được bảo đảm
Nhiều người cho rằng, khi chợ thị trấn Vĩnh Bảo được chuyển giao cho doanh nghiệp đầu tư, cải tạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những hộ kinh doanh tại đây và thu hút nhiều hộ đến đây kinh doanh. Nhưng trên thực tế, điều đó diễn ra với nhiều yếu tố không thuận, gây tâm lý xáo trộn nhiều hộ kinh doanh. Bởi chung quanh việc đầu tư, cải tạo, chia lô rồi giá cả các điểm thuê có chỗ chưa hợp lý. Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo Đặng Văn Chúc cho biết, huyện chỉ đạo các ngành liên quan tập trung giải quyết những kiến nghị của bà con; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh một số điểm bất hợp lý. Những điểm nào bà con chưa thông, yêu cầu doanh nghiệp giải thích, làm rõ. Đến nay, những vấn đề như vệ sinh môi trường, hệ thống nước, đường đi lại… bước đầu được khắc phục. Các hộ kinh doanh cá, tôm, thịt được bố trí phù hợp hơn so với trước. Doanh nghiệp đang cải tạo lại nhà b1, b2, kết hợp sắp xếp, bố trí một số vị trí kinh doanh phù hợp. Doanh nghiệp nhất trí ưu tiên các hộ đang kinh doanh thường xuyên, lâu năm tại chợ sẽ được thuê ổn định. Một số hộ thuê 30 năm, nhưng không có điều kiện nộp tiền một lần sẽ được nộp nhiều lần. Song những vấn đề như bố trí các dãy hàng kinh doanh, thời gian thuê, diện tích thuê và giá thuê cần được doanh nghiệp tiếp tục xem xét điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế.
Kiến nghị của các tiểu thương tại chợ thị trấn Vĩnh Bảo bước đầu được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tập trung giải quyết. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Về lâu dài, cần có giải pháp hữu hiệu hơn mang tính bền vững nhằm bảo đảm quyền lợi các bên, nhất là trong việc định giá cho thuê, địa điểm, diện tích và thời gian thuê đối với các hộ kinh doanh.

Tiến Đạt

Đọc thêm