Giải quyết những hệ lụy sau khi chặn dòng

Xuất phát từ những bức xúc tại khu vực bị ảnh hưởng của Dự án Thủy điện Đồng Nai 3 (ở xã Đinh Trang Thượng - huyện Di Linh) sau khi chặn dòng, ngày 28/10/2010, đồng chí Hoàng Sĩ Sơn – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo hướng giải quyết những “hệ lụy” đã phát sinh.

[links()]Xuất phát từ những bức xúc tại khu vực bị ảnh hưởng của Dự án Thủy điện Đồng Nai 3 (ở xã Đinh Trang Thượng - huyện Di Linh) sau khi chặn dòng, ngày 28/10/2010, đồng chí Hoàng Sĩ Sơn – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo hướng giải quyết những “hệ lụy” đã phát sinh. Sau khi kiểm tra thực tế và nghe lãnh đạo địa phương và các đơn vị: Ban Quản lý dự án Thủy điện 6 (chủ đầu tư), Ban Đền bù giải phóng mặt bằng huyện, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh… báo cáo và đề xuất, kiến nghị, đồng chí Hoàng Sĩ Sơn chỉ đạo các ngành và địa phương cần phải tâp trung giải quyết dứt điểm những vấn đề sau: Tiếp tục tuyên truyền, vân động nhân dân chấp hành tốt chủ trương giải tỏa di dời tại khu vực chịu ảnh hưởng của Dự án Thủy điện Đồng Nai 3; kịp thời giúp đỡ và chia sẻ khó khăn của người dân trong vùng dự án và không để phần tử xấu lợi dụng kích động. Trong giai đoạn I, về phía xã Đinh Trang Thượng, ngoài  21 hộ chưa giải quyết xong đền bù, cần tiếp tục rà soát thêm lần nữa (nếu có phát sinh) để cùng tập trung giải quyết dứt điểm trong một lần, không dây dưa kéo dài. Đối với diện tích chênh lệch 171 ha (do đo vẽ sai) chưa phê duyệt, chưa tính toán đền bù, các ngành liên quan phải phối hợp với địa phương để kiểm tra, xác định rõ hiện trạng phần diện tích sai sót chưa kiểm đếm, chưa đo đạc để bổ sung và phần diện tích kê khai không đúng để loại trừ, nhằm tính đúng, tính đủ để đền bù cho dân, không thể để phát sinh thêm lần nữa. Sau đó, trình UBND tỉnh phê duyệt, điều chỉnh lại quyết định.  Vùng bán ngập (diện tích cây trồng không bị ngập nước, nhưng không đi lại được), chủ dự án cùng với địa phương khảo sát chính xác: Nếu diện tích có qui mô lớn, chi phí đền bù nhỏ hơn chi phí làm đường, thì lập phương án làm đường. Nếu diện tích ít, sản xuất không có hiệu quả, thì kiểm kê và lập phương án đền bù cho dân, trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc tái định cư, hiện nay đã có 9 hộ (trong đó có 1 hộ DTTS) đã làm đơn xin tái định cư. Địa phương cần phải xem xét cụ thể, ai có đủ điều kiện và thực sự không có chỗ ở thì đề nghị UBND huyện Di Linh giải quyết, bố trí vào khu tái định cư. Thời gian chậm nhất là vào đầu tháng 11/ 2010. Từ nay đến tháng 3/ 2011, phải hoàn thành việc tái định canh. Giá đất tái định canh bằng hoặc thấp hơn giá đất đền bù và Nhà nước chịu kinh phí làm hạ tầng (đường và thủy lợi) ở khu tái định canh. Đối với những hộ DTTS, không giải quyết trả tiền đền bù để thay thế đất tái định canh mà phải giải quyết đất tái định canh để bà con làm ăn lâu dài, ổn định cuộc sống. Hiện nay, sau khi tận thu lâm sản, tại khu vực đất tái định canh đã bị người dân các nơi đến lấn chiếm trồng cà phê. Chính quyền địa phương phải phối hợp, kiên quyết giải tỏa ngay để giao đất cho chủ dự án giải quyết tái định canh. Ngoài ra, địa phương cũng cần xác định khu vực qui hoạch khu chăn nuôi gia súc tâp trung gắn với quản lý, bảo vệ rừng để trình UBND tỉnh phê duyệt giao cho cộng đồng. Hiện nay, tình trạng lưu thông trên mặt hồ thủy điện bằng ghe, thuyền đã xuất hiện khá nhiều. Địa phương phải tổ chức kiểm tra phương tiện phao cứu sinh để tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Mặt khác, các ngành và chính quyền địa phương phải quản lý số người dân các nơi mới đến tạm cư, đánh bắt cá và làm những công việc khác để đảm bảo an ninh trật tự…
Xuân Long

Đọc thêm