Giải quyết quyền lợi các bên trong vụ án tại ALC II: Phương án của tòa sơ thẩm bị phản đối

(PLVN) - Phần hình sự trong vụ án sai phạm về tài chính tại Cty cho thuê Tài chính II, Agribank (ALC II) đã khép lại với hai án tử hình và 9 án tù cho các bị cáo. Tuy nhiên, phần dân sự trong vụ án này có lẽ còn “dai dẳng” bởi tại phiên sơ thẩm (lần 3) mới đây, HĐXX đã không ra phán quyết về quan hệ vay tiền giữa bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, mà yêu cầu các bên giải quyết bằng vụ án khác…
Ông Hảo đề nghị được phát mãi khu căn hộ Trường An để thực hiện nghĩa vụ bồi thường với nhà nước.
Ông Hảo đề nghị được phát mãi khu căn hộ Trường An để thực hiện nghĩa vụ bồi thường với nhà nước.

Trong khi đó, ông Lê Đoàn Tám (SN 1958, ngụ Hải Phòng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án) thì khẳng định, nếu Tòa yêu cầu ông nộp lại số tiền mà bị cáo đã trả nợ trước đây thì cũng cần phải có phán quyết về nghĩa vụ trả nợ của bị cáo với ông ngay trong vụ án này bởi việc ông nhận tiền trả nợ là ngay tình, được pháp luật bảo vệ. Hơn nữa, quyền lợi của ông với khoản vay phải được gắn chặt với khối tài sản hình thành từ nguồn tiền vay, hiện đang bị cơ quan tố tụng kê biên.

Yêu cầu khởi kiện vụ án khác có đúng luật?

Vụ sai phạm “tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định về nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ALC II đã được TAND TP HCM xử từ 2013. Nhưng sau đó, phần hình sự và dân sự liên quan hai bị cáo đứng đầu (Vũ Quốc Hảo, nguyên TGĐ ALC II và Đặng Văn Hai, nguyên Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Quang Vinh) đã bị hủy để điều tra, xét xử lại. 

Đến tháng 4/2019, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực được gần 3 năm thì phần dân sự trong bản án này bị TANDTC tuyên hủy để xét xử lại (giữ nguyên án tử hình với Hảo và Hai).

Và tại phiên xử sơ thẩm (lần 3) ngày 27/11/2019, TAND TP HCM tuyên buộc Hảo và Hai phải liên đới bồi thường cho ALC II hơn 144 tỷ (trong hai hành vi pham tội); Buộc ông Lê Đoàn Tám phải nộp lại 75 tỷ (là số tiền từng được Hảo trả nợ khi chưa bị khởi tố, bị coi là tiền do Hảo phạm tội tham ô mà có - PV) để đảm bảo cho việc thi hành trách nhiệm bồi thường của Hảo. Khoản tiền này sẽ được cấn trừ vào nghĩa vụ bồi thường của Hảo….

Về quan hệ vay mượn tiền giữa ông Tám và ông Hảo, HĐXX cho rằng, nếu các bên có tranh chấp thì có quyền khởi kiện theo trình tự tố tụng dân sự. 

Không đồng tình với phán quyết trên, ông Tám cho rằng việc HĐXX yêu cầu đương sự phải khởi kiện một vụ kiện dân sự khác là không hợp lý và ảnh hưởng đến quyền công dân trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Bởi từ khi khởi tố vụ án đến nay, ông đều được các cơ quan tố tụng coi là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc vay - trả 75 tỷ với Hảo.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, ông đều đề nghị các cơ quan tố tụng giải quyết về số tiền này, có phán quyết đúng pháp luật để đảm bảo quyền lợi của ông bởi quan hệ vay - trả là “ngay tình” (không phải ông Hảo bịa ra khoản nợ nhằm tẩu tán tài sản tham nhũng). 

Theo ông Tám, một khi ông đã có yêu cầu về việc được giải quyết số tiền đã được ông Hảo trả nợ cùng trong vụ án này thì Tòa cần coi là “có tranh chấp” để xem xét, giải quyết; chứ không thể cho là “nếu có tranh chấp thì khởi kiện trong vụ án khác”. Việc thu hồi lại tài sản cho Nhà nước là quan trọng, nhưng việc quan trọng không kém là bảo vệ quyền lợi những đương sự khác. 

Thu hồi tài sản cho Nhà nước, cách nào là “tối ưu”? 

Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2007, ông Hảo đã vay 75 tỷ của của ông Tám rồi chuyển cho Lê Văn Phong (TGĐ Cty CP Hàm Rồng) để đầu tư vào dự án khu căn hộ Trường An ở Bình Dương. 

Đến 2009, Hảo đã bàn bạc với Hai ký hợp đồng thuê tài chính và hợp đồng mua bán khống nhằm rút tiền của ALCII. Sau khi duyệt chi, Hảo chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền vào tài khoản Cty của Hai 120 tỷ và thông báo cho ông Tám đến gặp Hai để lấy 75 tỷ tiền trả nợ.

Theo ông Tám, khi khởi tố vụ án, CQĐT xác định dự án khu căn hộ Trường An có một phần tài sản của Hảo, được hình thành từ tiền vay ông Tám nên đã có quyết định kê biên để đảm bảo THA, bồi thường tài sản cho ALC II. Với khoản tiền 75 tỷ mà ông Tám đã nhận thì không hề bị cơ quan tố tụng phong tỏa hay yêu cầu nộp lại trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Như vậy, bản thân các cơ quan tiến hành tố tụng đều coi khu căn hộ Trường An là tài sản được ưu tiên hơn để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của ông Hảo.

Với diễn biến trên, ông Tám khẳng định, việc thu hồi 120 tỷ (mà Hảo đã tham ô) cho ALC II hoàn toàn khả thi, được đảm bảo bằng quyết định kê biên và có thể thực hiện nhanh chóng, đúng luật bằng việc phát mãi dự án khu căn hộ trên. 

Ngay tại phiên tòa, ông Hảo và ông Phong (đại diện Cty Hàm Rồng - chủ đầu tư dự án Trường An) đều có đề nghị HĐXX tiếp tục kê biên khu căn hộ Trường An (có giá trị gần 200 tỷ) để phát mãi, thanh toán nghĩa vụ bồi thường của ông Hảo với ALCII.

Trong khi đó, khoản 75 tỷ mà ông Tám cho ông Hảo vay năm 2007 là do huy động từ các đối tác, bạn bè. Vì vậy sau khi nhận tiền ông Hảo trả vào năm 2009, ông Tám đã thanh toán ngay cho các chủ nợ, nên hiện cũng rất khó để trả lại 75 tỷ đã được nhận ngay tình 10 năm trước.

Rất tiếc, cả đề nghị của ông Hảo lẫn hai người có quyền và nghĩa vụ liên quan như trên đã không được HĐXX sơ thẩm cân nhắc chấp nhận. Vì vậy, ông Tám vẫn tiếp tục đề nghị, tại phiên tòa phúc thẩm tới đây, TAND cấp cao tại TP HCM  xem xét, kê biên khu căn hộ Trường An để đảm bảo tính khả thi trong  việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường của ông Hảo với ALC II. Và khi tài sản của Nhà nước được thu hồi đầy đủ thì đây còn là tình tiết quan trọng giúp ông Hảo đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét ân giảm án tử hình cho mình.

Đọc thêm