Giải quyết và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 13 – HĐND tỉnh, khóa XI

Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XI, UBND tỉnh báo cáo giải quyết và trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh.

I. NHÓM CÁC Ý KIẾN LIÊN QUAN ĐẾN CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

1. Cử tri huyện Đại Từ, Phú Lương tiếp tục phản ánh vấn đề giả mạo giấy tờ để được hưởng chế độ dành cho người nhiễm chất độc da cam, mặc dù đã được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết, song trên thực tế tình trạng lập hồ sơ giả, không đúng đối tượng theo quy định vẫn còn nhưng không được giải quyết. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra và giải quyết triệt để.

Trả lời: Thực hiện Nghị định 54/2006/NĐ-CP, ngày 26/5/2006 của Chính phủ và Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH, ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục triển khai, hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh thực hiện việc xác lập hồ sơ cho các đối tượng được hưởng chính sách; công tác giám định sức khoẻ cho đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học do Hội đồng giám định Y khoa tỉnh Thái Nguyên thực hiện.

Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, trong thời gian qua Sở tiếp tục nhận được đơn kiến nghị, khiếu nại của công dân và một số địa phương trong tỉnh phản ánh một số trường hợp đã lợi dụng chính sách khai sai, sửa chữa, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ trợ cấp. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra, xác minh số hồ sơ đang thụ lý, giải quyết; trong quá trình kiểm tra đã tạm dừng trợ cấp đối với 422 trường hợp để xem xét, đối chiếu với hồ sơ và các giấy tờ gốc liên quan đến thời gian hoạt động của cá nhân, người tham gia hoạt động kháng chiến ở vùng Đế quốc Mỹ đã dải chất độc hóa học hoặc các giấy tờ liên quan khác đến việc xác nhận bệnh tật của con đẻ của người hoạt động kháng chiến do cơ sở y tế các cấp xác nhận; cắt chế độ trợ cấp, ra quyết định xử lý và yêu cầu Phòng Lao động Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, thị xã truy thu toàn bộ số kinh phí đã chi trả, nộp ngân sách nhà nước theo quy định đối với 13 trường hợp do đã khai man hồ sơ.

Để giải quyết chế độ chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các địa phương quan tâm, xem xét, giải quyết chính sách đối với số hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đã được xác lập và tiếp nhận; về việc dư luận cho rằng có tiêu cực trong quá trình giải quyết chế độ chính sách, UBND yêu cầu các cơ quan có chức năng của tỉnh cho kiểm tra, xác minh thực tế, nếu phát hiện có tiêu cực kiên quyết xử lý theo pháp luật.

2. Cử tri nhiều địa phương trong tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xem xét, có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ cấp xóm như: Trưởng Ban Mặt Trận, Trưởng các đoàn thể chính trị ở xóm, tổ dân phố và đề nghị HĐND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh triển khai thực hiện pháp lệnh Công an xã để các đơn vị cơ sở tổ chức thực hiện.

Trả lời: Trên cơ sở khả năng và điều kiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và xuất phát từ yêu cầu thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao các Sở, Ngành liên quan phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh thống nhất mức hỗ trợ và đang giao Sở Tài chính Thái Nguyên thẩm định Đề án về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Trưởng ban công tác Mặt trận và Trưởng các đoàn thể chính trị ở xóm và tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để trình HĐND tỉnh khóa XI tại kỳ họp thứ 14 để xem xét và thông qua.

3. Cử tri huyện Phổ Yên và một số địa phương tiếp tục đề nghị tỉnh có chính sách đào tạo nghề, bố trí việc làm cho lao động nông thôn sau khi nhà nước thu hồi đất để phục vụ các dự án quốc gia, các khu công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương.

Chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với những hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị Nhà nước thu hồi đất để phục vụ các dự án đầu tư đã được tỉnh Thái Nguyên cụ thể hóa bằng nhiều văn bản, như: Quyết định 2550/2007/QĐ-UBND, Quyết định 01/2010/QĐ-UBND, ngày 5/01/2010  của UBND tỉnh về việc ban hành quy định thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị Nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
    - Hỗ trợ bằng tiền với mức 2,5 lần giá đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định;
    - Hỗ trợ một lần bằng một suất đất ở (ô quy hoạch) hoặc một suất đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Việc áp dụng hình thức này được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:
    + Hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ có nhu cầu nhận suất đất ở hoặc suất đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp;
    + Địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, quỹ đất sản xuất, kinh doanh;
    + Số tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm phải bằng và lớn hơn giá trị một suất đất ở hoặc giá trị một suất đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.
Các văn bản trên cũng đã quy định: dự án phát triển kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải có chính sách ưu tiên: tuyển dụng lao động cho những hộ có đất bị thu hồi nhất là lao động phổ thông khi họ có đủ điều kiện tuyển dụng; được mua cổ phiếu theo giá ưu đãi bằng tiền bồi thường, hỗ trợ….       
Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các ngành có liên quan khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ “về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

4. Cử tri một số địa phương đề nghị HĐND tỉnh có nghị quyết về việc chuyển đổi loại hình các trường mầm non dân lập thành trường mầm non công lập và xem xét tuyển các giáo viên mầm non vào biên chế theo quy định.

Trả lời: Thực hiện Thông tư số 11/2009/TT–BGDĐT, ngày 8/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về trình tự, thủ tục chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập; cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng của tỉnh xây dựng đề án, HĐND tỉnh khóa XI – kỳ họp chuyên đề lần thứ 3 đã ban hành Nghị quyết số 06/2010/NQ-HĐND, ngày 28/4/2010 về việc thông qua “Đề án về chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang loại hình trường mầm non công lập, dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.
Theo Nghị quyết này, lộ trình chuyển đổi loại hình trường mầm non trên từ năm 2010 đến năm 2012, với 146 trường mầm non sẽ thực hiện chuyển đổi:
- Năm 2010: chuyển đổi 79 trường mầm non bán công sang loại hình trường mầm non công lập;
- Năm 2011: chuyển đổi 58 trường mầm non bán công sang loại hình trường mầm non công lập;
- Năm 2012: chuyển đổi 9 trường mầm non bán công sang loại hình trường mầm non dân lập, tư thục hoặc công lập;
Ngay sau khi có Nghị quyết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện theo đúng lộ trình; đồng thời, tổ chức rà soát; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia công tác xã hội hóa để tăng cường nguồn lực cho phát triển và đa dạng hóa loại hình giáo dục mầm non; tiếp tục nghiên cứu, vận động, khuyến khích việc hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước ở một số trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi, có khả năng thực hiện xã hội hóa cao để chuyển sang loại hình trường mầm non dân lập, tư thục chất lượng cao; nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đầu tư phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh…

5. Cử tri huyện Phú Lương đề nghị tỉnh nghiên cứu và tiếp tục cho các cháu tàn tật thuộc diện hộ nghèo đến nay mới thoát nghèo được hưởng chính sách.

Trả lời: Căn cứ Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; Thông tư số 09/2007/TT- BLĐTBXH, ngày 13/07/2007 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện trợ cấp hàng tháng theo khoản 4, Điều 4 của Nghị định 67/CP phải là người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ, thuộc hộ gia đình nghèo.
Như vậy, các cháu tàn tật thuộc diện hộ nghèo đã được hưởng trợ cấp nhưng đến nay không còn thuộc diện hộ nghèo sẽ không tiếp tục được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, ngày 27 tháng 02 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2010/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng xã hội. Theo điều chỉnh của Nghị định, người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ cũng thuộc diện được hưởng trợ cấp mà không cần phải đáp ứng điều kiện thuộc hộ gia đình nghèo như quy định cũ. Trường hợp người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm cũng thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp mà không cần có kết luận bệnh mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc gia đình thuộc diện hộ nghèo.
Nghị định cũng quy định tăng mức trợ cấp thường xuyên và đột xuất, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp xã hội hàng tháng được tăng thêm 50%, từ 120.000 đồng lên 180.000 đồng (hệ số 1). Cụ thể: đối tượng trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng... từ 18 tháng tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hệ số 1, tương đương 180 nghìn đồng/tháng; trẻ bị tàn tật nặng hoặc bị nhiễm HIV/AIDS thì hưởng trợ cấp hệ số 1,5 tương đương 270 nghìn đồng/tháng (trường hợp trẻ dưới 18 tháng tuổi bị tàn tật nặng, bị nhiễm HIV/AIDS thì hệ số được hưởng là 2,0 tương đương 360 nghìn đồng/tháng).
Ngoài việc được hưởng khoản trợ cấp hàng tháng theo quy định, các đối tượng bảo trợ xã hội còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hưởng thêm các khoản trợ giúp như: các đối tượng đang học văn hoá, học nghề được miễn, giảm học phí, được cấp sách, vở, đồ dùng học tập theo quy định của pháp luật; khi chết được hỗ trợ kinh phí mai táng mức 3.000.000 đ/người (tăng thêm 1.000.000 đồng so với quy định cũ).
Hiện nay, đang chờ Thông tư hướng dẫn của các Bộ, Ngành Trung ương về thực hiện Nghị định số 13/2010/NĐ-CP, ngày 27/02/2010 của Chính phủ.

II. NHÓM Ý KIẾN VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1.1 Cử tri các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình phản ánh tình trạng giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp có trợ giá, trợ cước của nhà nước nhưng thực tế cao hơn mức giá thị trường cung cấp. Đồng thời, cử tri phản ánh tình trạng các mặt hàng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng đã xuất hiện trên thị trường, gây thiệt hại không nhỏ cho người nông dân. Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng này.

Trả lời: Giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp (phân bón các loại) tăng cao trên phạm vi toàn quốc, biến động giá cả đều tăng trên tất cả các mặt hàng, đặc biệt là giá phân kali tăng khá cao, nguyên nhân do giá phân bón trên thị trường thế giới tăng, trong khi đó trong nước chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu 100%. Đối với tỉnh Thái Nguyên, mặt hàng phân bón được hưởng chính sách trợ cước, không có trợ giá, do vậy thị trường phân bón trong nước tăng thì giá phân bón do các doanh nghiệp cung ứng trên thị trường Thái Nguyên cũng tăng theo.
Về các loại giống cây trồng, các giống lai khi sản xuất giống gốc còn phụ thuộc điều kiện thời tiết, cơ chế quản lý giá bán của tỉnh như hiện nay là giá bán cho nông dân bằng giá mua (biến động theo thời điểm) trừ đi mức trợ giá cố định. Do đó, các đơn vị cung ứng mặc dù có chủ động trong cân đối ngân sách và nguồn hàng cung ứng nhưng vẫn không giữ ổn định được giá bán cho người nông dân do giá nhập phụ thuộc và giá của thị trường.
Công tác quản lý chất lượng giống cây trồng, phân bón... được ngành nông nghiệp thường xuyên thực hiện, hàng năm Thanh tra Sở phối hợp với các phòng, đơn vị, các huyện, thành thị thực hiện công tác thanh kiểm tra vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, qua đó đã xử lý nhiều cá nhân vi phạm về lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Để khắc phục hiện tượng phân bón, thuốc trừ sâu giả, UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện chính sách trợ giá giống cây lương thực, trợ cước vận chuyển giống cây lương thực và phân bón trong năm 2010 và các năm tiếp theo cho bà con nông dân. Mặt khác, tăng cường phối hợp với các ngành của tỉnh, với các huyện, thành thị để thực hiện tốt công tác cung ứng giống cho sản xuất đảm bảo đủ số lượng, chất lượng theo qui định của Bộ Nông nghiệp và PTNT; đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thành thị phối hợp với ngành Nông nghiệp trong việc quản lý nhà nước về lĩnh vực giống nói riêng, vật tư nông nghiệp nói chung như: công tác kiểm tra, thanh tra trên địa bàn, nhằm không ngừng đáp ứng nhu cầu tốt hơn về giống cây trồng và các loại vật tư phục vụ sản xuất.
Đối với mặt hàng phân bón thực hiện công khai niêm yết giá bán tại các cửa hàng đại lý, đối với các doanh nghiệp không được đầu cơ tích trữ tạo cơn sốt giả, các loại phân bón phải nằm trong danh mục được phép kinh doanh, lưu thông của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

1.2 Cử tri huyện Phú Bình kiến nghị việc địa phương bàn giao hệ thống lưới điện trung, hạ áp và các trạm biến thế do người dân đóng góp vốn đầu tư xây dựng cho ngành điện quản lý và không hoàn lại phần vốn góp của nhân dân là không hợp lý, gây thiệt hại cho nhân dân. Cử tri đề nghị tỉnh cần xem xét, cấp kinh phí thanh toán phần vốn góp này cho nhân dân.

Trả lời: Lưới điện trung áp nông thôn trên địa bàn huyện Phú Bình, do các đơn vị, tổ chức, cá nhân đóng góp cho vay đầu tư xây dựng đã bàn giao cho ngành điện tháng 01/1999, với tổng giá trị giao nhận là 2.318 triệu đồng. Đây là khối lượng và giá trị tài sản lưới điện trung áp nông thôn (LĐTANT), ngành điện tiếp nhận theo hình thức tăng giảm tài sản (không hoàn trả vốn) tại Quyết định số 216/ĐVN/ĐL1-P2, ngày 14/01/1999 của Công ty điện lực 1 (tăng tài sản cho bên nhận, giảm tài sản cho bên giao).
* Đối với các công trình lưới điện trung áp nông thôn đầu tư xây dựng trước ngày 28/2/1999:
- Theo Thông tư liên tịch số 04/1999/TTLT/BCN-BTC, ngày 27/8/1999 của Liên Bộ Công nghiệp-Bộ Tài chính hướng dẫn giao nhận và hoàn trả vốn lưới điện trung áp nông thôn và các văn bản của Nhà nước tại thời điểm: các công trình lưới điện trung áp nông thôn đầu tư trước ngày 28/02/1999 bằng nguồn vốn của các công ty cổ phần, của các hợp tác xã, của doanh nghiệp tư nhân và cá nhân, thực hiện bàn giao cho ngành điện được hoàn trả vốn cho các chủ đầu tư;
- Lưới điện trung áp nông thôn trên địa bàn huyện Phú Bình, do các đơn vị, tổ chức, cá nhân đóng góp cho vay đầu tư xây dựng trước ngày 28/02/1999 (từ các năm 1993-1998) thuộc diện được hoàn trả vốn đầu tư.
 Tuy nhiên, xuất phát từ mong muốn giảm gánh nặng đóng góp cho người nông dân, không phải chi phí quản lý, sửa chữa, vận hành lưới điện trung áp (bao gồm đường dây trung áp và trạm biến áp); khi Nhà nước chưa có các văn bản hướng dẫn, để có thể bàn giao lưới điện trung áp nông thôn, địa phương đã hợp thức hóa vốn đầu tư xây dựng công trình do các đơn vị, tổ chức và cá nhân đóng góp, cho vay thành tài sản của UBND huyện, bàn giao cho ngành điện, theo hình thức tăng giảm vốn.
* Đối với các công trình lưới điện trung áp nông thôn đầu tư xây dựng sau ngày 28/2/1999:
Theo kiến nghị của các địa phương về việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc và bức xúc của nhân dân trong việc thực hiện giao nhận LĐTANT; ngày 04/6/2008, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 3694/VPCP-KTTH chỉ đạo việc hoàn trả vốn đầu tư lưới điện trung áp nông thôn đầu tư sau ngày 28/02/1999, nội dung như sau: đối với các công trình LĐTANT đầu tư sau ngày 28/02/1999 bằng nguồn vốn của các công ty cổ phần, của các hợp tác xã, của doanh nghiệp tư nhân và cá nhân, đã thực hiện bàn giao cho các công ty điện lực đến hết ngày 01/10/2007 theo hình thức tăng giảm vốn thì nay các công ty điện lực có trách nhiệm hoàn trả cho các chủ đầu tư.
Như vậy, các công trình lưới điện trung áp nông thôn đầu tư bằng nguồn vốn của các công ty cổ phần, của các hợp tác xã, của doanh nghiệp tư nhân và cá nhân: đầu tư xây dựng trước thời điểm 28/02/1999, đã thực hiện bàn giao cho ngành điện, được hoàn trả vốn; đầu tư xây dựng sau ngày 28/02/1999, đã thực hiện bàn giao cho ngành điện (đến hết ngày 01/10/2007) theo hình thức tăng giảm vốn, cũng được hoàn trả vốn cho các chủ đầu tư.
Xét trường hợp cụ thể theo kiến nghị của cử tri huyện Phú Bình: lưới điện trung áp nông thôn được xây dựng từ nguồn vốn đầu tư của các đơn vị, tổ chức và cá nhân đóng góp; bàn giao cho ngành điện trước thời điểm 28/02/1999 thuộc diện cần xem xét, giải quyết để được hoàn trả vốn cho các chủ đầu tư. Hơn nữa, Phú Bình là huyện thuần nông, cuộc sống của người nông dân còn nhiều khó khăn; bức xúc về việc bàn giao LĐTANT trên địa bàn huyện Phú Bình và kiến nghị hoàn trả vốn đầu tư do các đơn vị, tổ chức và cá nhân đóng góp để xây dựng hệ thống LĐTANT kéo dài hàng chục năm nay (từ năm 1999).
Với những lý do nêu trên, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét, vận dụng cho cơ chế cụ thể để hoàn trả vốn đầu tư cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân đã đóng góp xây dựng LĐTANT, giúp huyện Phú Bình tháo gỡ khó khăn, giải quyết tồn tại, bức xúc trong dân.

2. Về quản lý xây dựng và đầu tư xây dựng cơ bản
2.1 Cử tri Thành phố Thái Nguyên đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công dự án thoát nước thải thành phố, Hồ điều hoà Xương Rồng… để người dân trong khu vực ổn định cuộc sống và sinh hoạt.

Trả lời: Nhằm thu hút các nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động, tập trung vào công tác thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã tiếp nhiều tổ chức, đoàn doanh nhân trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh; năm 2009, tỉnh Thái Nguyên đã chấp thuận đầu tư cho 104 dự án, với số vốn đăng ký đầu tư là 11.241 tỷ đồng, đến nay đã có nhiều dự án được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính; mặt khác công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án cũng gặp khó khăn nên tiến độ triển khai các dự án đều chậm so với kế hoạch đề ra. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp với các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Về tiến độ chậm một số dự án cử tri đã nêu trên, cụ thể như sau:
- Dự án Hồ điều hoà Xương Rồng: dự án đã chậm tiến độ 2 năm, nguyên nhân dự án triển khai chậm là do nhà đầu tư là Công ty INTRA của Nhật Bản không có khả năng về tài chính, mặt khác do kinh tế thế giới có sự suy giảm, việc vận động vốn đầu tư gặp khó khăn nên tỉnh Thái Nguyên đã chuyển chủ đầu tư dự án cho Công ty cổ phần Sông Đà 2 thực hiện. Ngày 22/3/2010, UBND tỉnh đã có Quyết định số 597/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và chủ đầu tư đã tổ chức thực hiện công bố  quy hoạch rộng rãi cho nhân dân và tiếp tục hoàn thiện các thủ tục của dự án.
 Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, UBND tỉnh đã chủ động làm việc với nhà đầu tư nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, dự kiến dự án sẽ khởi công xây dựng trong Quý IV/2010.
 - Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố: Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên được thực hiện theo Nghị định thư Việt - Pháp năm 1998, nguồn vốn thực hiện dự án gồm: Nguồn vay của Cộng hoà Pháp và vốn đối ứng của Việt Nam. Ngày 29/6/2009, dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Thông báo chấp thuận thời hạn gia hạn ký Hợp đồng thương mại đến 31/5/2010, thời hạn rút vốn đến 31/12/2013. Đến nay, đã mở thầu 2 gói thầu thiết bị nhập khẩu của dự án.
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ dự án như: chấp thuận địa điểm quy hoạch khu tái định cư, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, lập quy hoạch chi tiết khu tái định cư trình, thẩm định phê duyệt theo quy định; tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng theo đúng trình tự thủ tục.

2.2 Cử tri huyện Phú Lương và nhiều địa phương trong tỉnh đề nghị tỉnh tiếp tục tạo nguồn vốn vay từ Chính phủ hỗ trợ cho các địa phương để xây dựng Hạ tầng cơ sở nông thôn và xem xét lại tỷ lệ đối ứng theo hướng giảm tỷ lệ đóng góp của người dân, nhất là đối với các khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, mật độ dân thưa.

Trả lời: Trong giai đoạn 2001-2005, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện chính sách đầu tư hỗ trợ xây dựng Hạ tầng cơ sở nông thôn theo Quyết định 1667/2001/QĐ-UB, ngày 24/4/2001 của UBND tỉnh; đến giai đoạn 2006-2008, tuy có khó khăn về nguồn vốn, ngân sách tỉnh không có khả năng hỗ trợ để đầu tư, nhưng UBND một số huyện, thành phố, thị xã hàng năm vẫn bố trí vốn từ ngân sách địa phương để hỗ trợ đầu tư các công trình đường liên thôn, liên xóm; kiên cố kênh mương nội đồng.
Thực hiện Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg, ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009-2015, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có Nghị quyết số 04/2009/NQ-HĐND, ngày 13/4/2009 về cơ chế sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước để thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009-2015; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND, ngày 29/4/2009 về ban hành Quy định về cơ chế sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước để thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009-2015;
Năm 2009 và 2010 tỉnh Thái Nguyên được vay 120 tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước để thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, Hạ tầng cơ sở nuôi trồng thuỷ sản và Hạ tầng cơ sở làng nghề ở nông thôn; UBND tỉnh đã phân bổ cho các huyện, thành phố, thị xã theo nguyên tắc phân bổ dựa trên dân số, số đơn vị hành chính và khả năng thu ngân sách hàng năm. Nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư của nhà nước sẽ được tiếp tục bố trí cho các năm sau; UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào mức vốn được phân bổ, báo cáo HĐND cùng cấp để tổ chức thực hiện.

2.3 Cử tri huyện Võ Nhai, đề nghị tỉnh tiếp tục giải quyết dứt điểm về địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 giữa xã Bình Long với huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang và huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. 

Trả lời: Để giải quyết dứt điểm về địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 giữa xã Bình Long với huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang và huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, ngày 29/6/2006, Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Võ Nhai, UBND xã Bình Long tổ chức đoàn khảo sát thực địa và kiểm tra để đối chiếu với bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính được lập theo Chỉ thị 364/CT và kiểm tra thực địa vị trí hai mốc theo đề nghị của UBND xã Bình Long và UBND huyện Võ Nhai, cụ thể như sau:
- Mốc thứ nhất là hòn đá gan trâu hình hộp chữ nhật có chiều cao khoảng 70 cm, ký hiệu 6, ghi chữ bằng sơn xanh: LS - HB - BT (Lạng Sơn - Hà Bắc - Bắc Thái) là mốc do người dân địa phương mới phát hiện và chôn lại, cách mốc 3T.1 (BT - LS - HB) khoảng 2 km. Đoàn kiểm tra xác định đây không phải là mốc địa giới hành chính được cắm theo quy định khi lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính 364/CT mà do người dân địa phương tự chôn lại.
- Mốc thứ hai có ký hiệu 3T.1 (BT - LS - HB) được đắp bằng xi măng trên núi đá. Đoàn kiểm tra xác định đây là mốc ĐGHC được cắm theo quy định khi thực hiện Chỉ thị 364, vị trí mốc phù hợp với mô tả trong hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính.
Tiếp theo đó, Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức làm việc với Sở Nội vụ 2 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn để đối chiếu bản đồ, hồ sơ địa giới hành chính được lưu trữ tại Sở Nội vụ các tỉnh cho thấy các bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính là thống nhất và phù hợp với mốc có ký hiệu 3T.1 (BT - LS - HB) nêu trên để giải quyết việc tranh chấp đất đai ở xã Bình Long (Võ Nhai).
 UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu UBND huyện Võ Nhai, UBND xã Bình Long căn cứ vào hồ sơ, bản đồ, mốc địa giới hành chính được thiết lập trong thực hiện Chỉ thị 364/CT và Luật Đất đai, hướng dẫn của Sở Tài Nguyên và Môi trường để giải quyết dứt điểm về tranh chấp đất đai do tình trạng xâm canh giữa nhân dân xóm Đồng Bản, xã Bình Long với Lâm trường Đồng Sơn tỉnh Bắc Giang.

Đọc thêm