Lao động trẻ em: đối mặt với nhiều hiểm họa
-Cháu tên Quân, ở xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, bố mất sớm, mẹ ở quê cày ruộng.
Cậu bé tên Quân dè dặt thổ lộ về bản thân. Gương mặt đen sạm của em thoáng buồn khi nhắc đến chuyện học hành. Quân bảo, em nghỉ học lâu rồi. Có lẽ do sớm phải bươn chải kiếm sống nên mới 12 tuổi Quân đã bộc lộ vẻ già dặn, tinh ranh từ điệu bộ đến cách nói chuyện với người lớn. Hàng ngày, em dậy sớm, đi bộ từ nhà ra thị trấn Núi Đèo, bắt xe về nội thành với “tay nải” là mấy bao thuốc lá, phong kẹo cao su bạc hà…lang thang bán hàng ở dải vườn hoa trung tâm. Có ngày bán hàng muộn, em lại vạ vật ở gốc cây, ghế đá cho đến sáng hôm sau để tiếp tục cuộc mưu sinh.
|
Không ít trẻ em phải lao động sớm để kiếm sống. |
Quân là một trong số hàng trăm trẻ em trên địa bàn thành phố phải lao động sớm do đói nghèo và đây cũng chính là “thủ phạm” đẩy các em ra khỏi mái nhà thân thuộc của mình để bươn chải, mưu sinh. Các em phải sử dụng hầu hết thời gian lẽ ra dành cho học tập, vui chơi, giải trí để làm việc cho chủ hay gia đình.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều trẻ em làm việc ở các cơ sở dịch vụ ăn uống. Các em thường xuyên phải làm việc quần quật từ 9-11 giờ/ngày, được nuôi ăn với mức thu nhập bình quân 500-700 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra trẻ em còn làm việc ở một số dịch vụ vui chơi, giải trí, cơ sở sản xuất gia công, làng nghề…Điều kiện làm việc, sinh hoạt của trẻ thường khó khăn, ngoài giúp việc gia đình thì lao động các dạng khác phải thuê nhà trọ với mức tiết kiệm tối đa. Lao động trẻ em còn phải đối mặt với những mối nguy hại đe doạ như không có phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có nhưng không đạt yêu cầu, không gian và thiết bị lao động không phù hợp, làm việc nhiều giờ, tiền công thấp. Nhiều em phải làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật như bán báo, đánh giày, chạy bàn hoặc phải làm việc, kiếm sống vào ban đêm bằng nghề nhặt phế liệu, phục vụ quán ăn, bán hàng rong... Có trường hợp thường xuyên bị lạm dụng tình dục, số này hầu hết tập trung vào các em lao động trên đường phố, ở cơ sở tư nhân hoặc giúp việc gia đình…
Cần có quy định cụ thể về lao động trẻ em
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Hải Phòng có 67 em lao động nặng nhọc, nguy hiểm; 48 em theo bố mẹ kiếm sống trên sông Bính, cầu Lạc Long (quận Hồng Bàng)…Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Tâm cho biết: “Trẻ thường tham gia vào các hoạt động kinh tế dưới 4 hình thức: làm kinh tế gia đình, vừa làm kinh tế gia đình vừa làm thuê, làm thuê và tự kiếm sống”. Về quan điểm lao động trẻ em, những người làm công tác bảo vệ trẻ em cho rằng cần khuyến khích trẻ em tham gia lao động như làm các công việc nhỏ trong gia đình, hay ở các làng nghề, các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm tùy theo khả năng, sức lực của các em, nhằm rèn luyện tình yêu lao động, cũng như phụ thêm cho gia đình. Tuy nhiên, những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với trẻ em trong các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất độc hại, lang thang kiếm sống trên đường phố cần phải kiên quyết xóa bỏ.
Hải Phòng có nhiều chính sách ngăn ngừa các hành vi bóc lột sức lao động trẻ em nhằm bảo đảm việc thực hiện tốt các cam kết trong công ước quốc tế về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ khỏi bị ngược đãi. Nhưng để thực hiện các chính sách này có hiệu quả đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội… Giải quyết vấn đề lao động trẻ em phải được gắn liền với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như phát triển nông thôn, xoá đói giảm nghèo, nhân rộng mô hình đào tạo nghề, vừa học vừa làm, mở ra cơ hội học tập và việc làm phù hợp với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...Vấn đề có tính quyết định nhất là người làm cha, làm mẹ phải ý thức được nghĩa vụ của mình với con cái bởi mỗi tính toán, mỗi sự định đoạt của cha mẹ là một định hướng cuộc đời tương lai của các con. Không vì nghèo túng, bức xúc bởi đồng tiền, bát gạo mà bắt con cái phải bỏ học, sớm dấn thân vào những công việc nặng nhọc, lam lũ.
Đối với trẻ lang thang, cần tập hợp trong nhà tình thương, các tổ chức từ thiện hoặc tạo điều kiện để hồi gia....Theo Giám đốc Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng Nguyễn Thu Hà, vấn đề đưa trẻ lang thang về với gia đình và tái hoà nhập cộng đồng rất khó khăn và phức tạp. Thực tế là một số địa phương còn coi nhẹ vấn đề này, chưa kết hợp đồng bộ với các biện pháp giáo dục, kinh tế, hành chính, do đó, xảy ra tình trạng trẻ em lại tiếp tục lang thang vì chán nản, vì mục đích kiếm sống, bởi có về nhà cũng chẳng được cải thiện hơn. Hoặc có em khi trở về địa phương, gia đình tạo điều kiện cho đi học nhưng do đã quen với nếp sống nhộn nhịp nơi đô thị, các em tiếp tục cuộc sống lang thang.
Trong nền kinh tế thị trường vấn đề bảo vệ và phát triển, lạm dụng sức lao động trẻ em cần được quan tâm triệt để, vì nếu trẻ em lâm vào tình trạng lao động sớm, làm việc quá sức thì các mục tiêu bảo vệ sức khỏe, giáo dục đào tạo, văn hóa tinh thần…đều khó mà thực hiện được. Do đó, trong chính sách bảo vệ trẻ em cần có quy định cụ thể về lao động trẻ em đồng thời đưa ra khung hình phạt rõ ràng đối với những cá nhân, tập thể lợi dụng, bóc lột sức lao động trẻ em.
Thanh Thủy